Những gánh hàng rau nuôi mộng tiến sĩ

Ở đất khoa bảng Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) có chợ Quăng - một khu chợ cổ, tuổi đời lên đến mấy trăm năm. Dân trong vùng lấy câu 'phi thương bất phú' làm sinh kế. Từ mớ rau, con cá đến những mặt hàng giá trị lớn hơn đều được người dân đem đến chợ để mua bán. Lãi lời thu về, dồn hết cho sự học.

Những gánh hàng tại chợ Quăng là mạch nguồn nuôi dưỡng truyền thống hiếu học của người Hoằng Lộc. Ảnh: Nguyễn Chung.

Chịu thương chịu khó

Tôi tìm về Hoằng Lộc khi những cơn mưa cuối tháng 3 như chiếc màn mỏng, phủ lên làng mạc, thôn dã một màu mờ ảo. Dù hôm nay là đại phiên nhưng chợ Quăng không tấp nập, huyên náo cảnh người bán, kẻ mua như tôi vẫn tưởng.

Trên con đường dẫn vào chợ, vài bà bán trầu cau, rau thơm… đội nón mê, ngồi nhẫn nại vuốt lại những tờ tiền lẻ nhàu nhĩ, thấm ướt nước mưa. Qua ống kính máy ảnh, họ trông như những pho tượng được tạc nên bằng những đường nét khổ hạnh. Phía bên trong chợ, lác đác vài người khách dừng chân bên các quầy hàng thực phẩm, lặng lẽ mua hàng và cũng lặng lẽ trả tiền.

“Các cậu lần đầu đến chợ Quăng hả? Tìm hiểu đi, đây là khu chợ cổ nhất nhì tỉnh Thanh Hóa đấy. Trước cũng có mấy phóng viên về lấy tư liệu nên nhìn là tôi biết liền”. Tôi quay về phía vừa phát ra câu nói, một khuôn mặt hiền lành ngồi phía sau chiếc bàn gỗ cũ kỹ đang nhìn tôi tươi cười thay cho câu chào.

Ông tên Nguyễn Văn Vụ, một người chính gốc ở làng Bột Thượng. Xưa, Hoằng Lộc được phân chia thành hai làng: Bột Thượng và Bột Hưng. Nay gộp lại, tên làng vẫn được giữ nguyên. Vừa chậm rãi nhận tiền vé gửi xe của khách vào chợ, ông Vụ vừa như một “sử gia” khi kể cho tôi nghe về lịch sử hình thành khu chợ cổ này.

Chợ Quăng được hình thành từ thời nhà Lý. Chợ còn có tên chữ là Thiên Quan Thị. Chợ họp theo phiên, mỗi tháng 12 phiên vào các ngày 2, 5, 7, 10 và ngày nào cũng họp phiên chiều. Vào ngày chợ phiên chính (hay còn gọi là phiên đại) là mùng 5 và mùng 10, tiểu thương và hàng hóa các nơi thường đổ về tấp nập, đông hơn so với thường lệ.

Đến năm 1941, do chiến tranh liên miên, chợ chuyển địa điểm về cồn Mã Hàng, mãi sau này mới chuyển về vị trí như hiện nay. Chợ Quăng xưa mang dáng dấp phố xá, phồn thịnh. Bao bọc khu chính của chợ là 3 dãy nhà gạch mái ngói, xây sát liền nhau. Chợ chia làm nhiều khu, mỗi khu dành cho một số mặt hàng: Khu vải vóc, khu hàng xén, khu thóc gạo, trầu cau, khu thực phẩm, khu chuyên sản xuất và bán nông cụ. Ở phía Bắc khu chợ chính, có chợ bán gia súc gọi là chợ trâu bò, họp trên khu đất khá rộng.

Từ xa xưa, chợ Quăng là một điểm giao thương lớn của người dân các huyện đồng bằng trung du và ven biển trong tỉnh như: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung. Người dân ở các huyện ở phía Tây Nam như: Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia cũng không quản ngại đường sá xa xôi, qua đò Đại, đò Nguyệt Viên để tìm về buôn bán.

Do giao thương phát triển, làng cũng hình thành một lớp tiểu thương chuyên đi các chợ xa như: Chợ Quảng Xương, Hậu Lộc, thậm chí lên tận miền ngược (Chợ Sim, Chợ Giắt) đem vải, dừa đi bán và mang về những mặt hàng như chè, củi... bán lại cho người dân miền xuôi.

Trong số người đi buôn, có không ít các bà vợ của những ông đồ, ông cống, chấp nhận cảnh vất vả, đòn gánh đè vai để nuôi chồng, nuôi con ăn học, với hy vọng họ đỗ đạt, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Thúc ước văn của làng cũng khuyên răn thương nhân buôn bán ăn chắc, tính toán phân minh và cũng cần học tập, có kiến thức làm ăn buôn bán để giữ và nuôi dưỡng nghề học.

“Thực ra, tôi cũng chỉ là lớp người đi sau, những điều tôi nói ở trên là do được các cụ cao niên trong làng kể lại. Tuy nhiên qua nhiều thế kỷ, với nhiều thăng trầm biến thiên có thể khẳng định: Mọi chi phí cho sự học, công lớn việc nhỏ của hơn 5 nghìn dân trong làng đều nhờ hết cả vào chợ Quăng.

Cũng từ những gánh hàng dân dã, chịu thương chịu khó, người dân Hoằng Lộc đã nuôi nấng nên 12 vị tiến sĩ đỗ đại khoa qua các triều đại trong thời phong kiến, cùng với đó là hàng trăm giáo sư, tiến sĩ tính từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay. Các cậu cứ sang thăm viếng Bảng Môn Đình sẽ rõ cả”- ông Vụ tỏ rõ niềm tự hào của mình.

Danh sách 48 vị đỗ đại khoa được ghi danh trên bảng vàng tại Bảng Môn Đình.

Tiếp nối truyền thống của làng

Sau câu chuyện ngắn ngủi với người gác chợ, vượt qua con đường bê tông rộng rãi phân chia giữa chợ và đình, tôi bước chân vào cửa Bảng Môn Đình, biểu tượng thiêng liêng và niềm tự hào của đất học Hoằng Lộc. Bên hàng hiên thâm nâu, ướt át, ông Nguyễn Kỳ - một người được làng phân công trông coi đình, ngồi tư lự nhìn hút vào hàng nước mưa chảy đều từ mái ngói xuống khoảng sân rêu phong…

“Cậu vào dâng hương cho các bậc tiền nhân đi”- ông Kỳ từ tốn nói, rồi đứng lên đi vào phía hậu cung đem ra một cuốn sách dày, nhiều chỗ đã ngả màu vàng ố, trịnh trọng đặt lên chiếc bàn màu cánh gián.

Theo những tư liệu mà ông Kỳ cung cấp thì Bảng Môn Đình được xây dựng từ thời Lê (khoảng thế kỷ XV). Đây là nơi thờ tự thành hoàng làng Nguyễn Tuyên, một người ra làm quan dưới triều Lý Thái Tông. Bảng Môn Đình là nơi làng hội họp vào các dịp lễ trọng đại. Đây còn là nơi trui rèn tài năng, phẩm chất đạo đức của các nho sinh để chiếm bảng đề danh thông qua các kỳ thi Hương, thi Hội và thi Đình.

Hoằng Lộc có lịch sử khoa cử 438 năm, tính từ tiến sĩ khai khoa Nguyễn Nhân Lễ đến kỳ thi Nho học cuối cùng, với 12 người đỗ đại khoa, đề danh bảng vàng, trong đó có 7 người tên tuổi được lưu danh tại Văn miếu - Quốc Tử Giám.

Tiếp nối truyền thống hiếu học của làng, kể từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay, xã Hoằng Lộc có thêm 2 giáo sư, 37 phó giáo sư và 40 tiến sĩ. Nhiều con, em của làng đã đoạt giải quốc gia, quốc tế với thành tích học tập đặc biệt xuất sắc được vinh danh tại đình.

Bảng Môn Đình - niềm tự hào của người dân Hoằng Lộc.

Vừa đặt ly trà nóng về phía tôi, ông Kỳ vừa bảo: Đất của Hoằng Lộc là thế đất phát về đường học hành, khoa bảng. Nếu đứng từ trên đê sông Mã nhìn về sẽ thấy Hoằng Lộc nổi lên giữa đồng ruộng bát ngát giống như một nghiên mực. Còn con đường cũ nối hai xã Hoằng Lộc và Hoằng Quang như một cây bút đang gác ngòi bút lên thành nghiên. Chính vì thế mà sự học ở đây chưa bao giờ đứt mạch và được người dân xem như một nghề.

Vào những năm đất nước còn nhiều khó khăn, việc thi đậu đại học với người dân tại nhiều vùng trên khắp cả tỉnh còn rất thưa thớt thì tại Hoằng Lộc, mỗi năm vẫn có tới vài mươi con em thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng. Cứ vào độ trung tuần tháng 8, khi các cháu có giấy báo trúng tuyển đại học, làng lại huyên náo, rộn ràng như mở hội. Cán bộ khuyến học đi đến từng nhà chúc mừng, trao quà; hàng xóm, anh, em trong họ đến nhà nhau để chia vui, sĩ tử trước ngày đi được tập trung tại Bảng Môn Đình dâng hương, báo công với tiên tổ…

Ông Kỳ tâm sự: “Nói như thế để thấy, từ xa xưa, phong trào học tập đã thành truyền thống hàng trăm năm của làng. Với người Hoằng Lộc chúng tôi, học không chỉ để ghi danh khoa bảng, mà còn đóng góp tri thức vào việc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn thịnh”.

“Vậy, điều gì đã góp phần nuôi dưỡng, duy trì truyền thống hiếu học của làng trong suốt hơn 400 năm qua, thưa ông?”. Ông Kỳ thẳng thắn: “Tất cả là nhờ vào chợ Quăng, nhờ vào sự tảo tần, chịu thương chịu khó của các bậc phụ huynh - những người sẵn sàng tận hiến cho sự thông tuệ, đỗ đạt của con em mình. Những gánh hàng đơn sơ đem đến chợ mỗi sáng là mạch nguồn sữa thơm bất tận, giúp nuôi nấng, ươm mầm cho những khoa bảng.

Ngày nay, do cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, những giá trị truyền thống của chợ Quăng cũng đã bị mai một đi phần nào. Nhưng tôi tin, chợ rồi vẫn sẽ trường tồn, song hành cùng với đạo học. Chợ Quăng và người Hoằng Lộc sẽ tiếp tục gắn bó máu thịt với nhau để giữ gìn và phát huy danh thơm đến muôn sau cho đất khoa bảng”.

NGUYỄN CHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nhung-ganh-hang-rau-nuoi-mong-tien-si-10276501.html