Những F0 'đặc biệt' trong tâm dịch

Bác sĩ Đào Nguyễn Phương Linh dù mắc Covid-19 vẫn kiên trì chiến đấu cùng đồng đội tại bệnh viện dã chiến. Bệnh nhân F0 Nguyễn Hồng Kỳ sau 28 ngày chiến thắng Covid-19 đã tình nguyện trở lại nơi anh điều trị để chia sẻ gánh nặng với các thầy thuốc. Có những gia đình dù cả nhà nhiễm Covid-19 nhưng đầy lạc quan vượt qua bệnh tật. Họ là những F0 "đặc biệt", lan tỏa những cảm hứng tích cực.

Ngày 2/9, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đã có thư ngỏ gửi các F0 chiến thắng biến thể Delta hãy quay trở lại hỗ trợ công cuộc phòng, chống dịch dù ở bất kỳ vị trí nào. Những F0 trong câu chuyện dưới đây, họ đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến sức nhỏ bé của mình với một niềm tin mãnh liệt rằng sự đoàn kết, đồng lòng, chia sẻ sẽ tạo nên chiến thắng Covid-19 sớm tại thành phố này.

Sau 3 tuần vào tuyến đầu, bác sĩ Nguyễn Phương Linh nhận tin mắc Covid-19. Nữ nhân viên y tế duy nhất của Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chi viện tại Bệnh viện Dã chiến số 2 đã có 14 ngày tự “biệt giam”, vượt qua cơn sốt, những trận ho dữ dội, tiếp tục truyền cảm hứng lạc quan cho đồng đội và người bệnh. Là F0, nhưng cô không một ngày nào rời vị trí bác sĩ điều trị từ xa. Linh lạc quan nói: “Nếu là chủng Delta thì Linh bất tử rồi, nên sẵn sàng chiến tiếp...”.

1. Linh được báo dương tính với nCoV vào ngày thứ 21 chi viện cho bệnh viện dã chiến. Đó là khi cô đã trở thành một mắt xích không thể thiếu trong guồng quay của hành trình tiếp nhận, điều trị và cho bệnh nhân xuất viện.

Không một chút dao động, Linh biết nguy cơ ấy có thể xảy ra với mình bất kỳ lúc nào. Nhiều đồng nghiệp của cô, cũng đã phải cởi bỏ “áo giáp” khi bị nhiễm. Chỉ có một nỗi buồn thường trực “anh em sẽ phải gánh thêm phần việc của mình”.

Đứng trước lựa chọn đi cách ly tại một cơ sở khác, hay chọn ở lại, Linh đã quyết tâm không rời vị trí. “Có đồng đội bên cạnh, tôi vững tâm hơn”. Cô xách đồ đạc vào khu cách ly riêng, nằm trong Bệnh viện Dã chiến số 2, bắt đầu những ngày biệt giam trong phòng. Đồng nghiệp trêu với theo “Nếu phải can thiệp nội khí quản cho bệnh nhân, gọi Linh nhé”, Linh nháy mắt hồi đáp: “Ừ, mắc bệnh rồi thì còn sợ gì nữa!”.

Nữ bác sĩ có tinh thần lạc quan chiến thắng bệnh tật và chia sẻ kinh nghiệm chữa bệnh cho các F0.

Cũng như những bệnh nhân cô từng điều trị, lần lượt những cơn sốt cao đến liên tục. Ngày thứ 7, kết quả RT-PCR cho thấy nồng độ virus vẫn rất cao, ho dữ dội “tôi có nhiều triệu chứng hơn các đồng nghiệp đã nhiễm bệnh”. Những lúc thở mệt, đồng nghiệp bên ngoài sốt sắng muốn vào hỗ trợ cho cô thở ô-xy, cô chối từ “Em vẫn ổn”.

Mất vị giác, cô cố gắng ăn và tự nhủ: “Những món ngon đồng đội đưa vào, làm sao mình có thể bỏ phí, không thể phụ lòng đồng đội đang chờ đợi từng ngày mình khỏi bệnh”. Những lúc thở mệt, chỉ số SpO2 cảnh báo, cô tự nằm sấp, tập hít thở. Linh bảo, với cô, mắc Covid-19 cũng chỉ như cảm cúm.

Dù cách ly điều trị, nhưng Linh không cho phép mình nghỉ ngơi ngày nào. Đều đặn cô giải quyết các hồ sơ, giấy tờ bằng hình thức online. Cô vẫn tư vấn, điều trị trực tuyến cho người bệnh.

"Nếu bạn hỏi tôi: "Dương tính rồi có thấy sức khỏe, tinh thần đi xuống không? - Tôi xin được khẳng khái: "Từ ngày dương tính đến nay tôi vẫn chưa một ngày nào ngừng công việc giúp đỡ bệnh nhân của mình, và các bệnh nhân đã xuất viện của tôi cũng thế!".

Trên các kênh online, bác sĩ Linh tiếp tục chuyển tải các thông điệp lạc quan về phòng, chống bệnh. Những clip phòng bệnh, theo dõi bệnh tại nhà được chia sẻ từ chính thực tế mắc bệnh của cô có hơn ba triệu lượt theo dõi.

Đêm đến, điện thoại cô đổ chuông dồn dập hơn. Những bệnh nhân thường bị cơn khó thở hành hạ về chiều tối. Đêm xuống, nỗi lo lắng của họ càng mạnh mẽ. Họ gọi điện xin tư vấn liên tục. Dù rất mệt mỏi, nhưng Linh không nỡ từ chối bất kỳ cuộc gọi nào.

"Cứ mỗi khi chiều về, Linh lại bắt đầu ngứa và ho lạch cạch... Chiều Sài Gòn yên ắng lắm, nghe rõ tiếng chim vỗ cánh mới ngộ kỳ thời. Giấc này bệnh nhân ít gọi nên còn thảnh thơi thưởng hoa nghe nhạc, đợi đến đêm, cortisol trong máu xuống thấp, sức sống cũng trở nên leo lét hơn, họ sẽ gọi cho bác sĩ... nhưng bà bác sĩ được đối đãi nồng hậu lắm, nên đến nay vẫn khỏe vẫn đẹp và vẫn líu lo như cô tổng đài viên 20 tuổi".

Nhật ký ngày 17/8 của bác sĩ Linh.

Những đồng đội của Linh cùng sát cánh với cô tại Bệnh viện Dã chiến số 4.

2. “Bác sĩ em bé”, Linh hạnh phúc khoe cái tên gắn bó với mình trong suốt từ khi bước chân vào ngành y. Và cô tiếp tục được phát huy thế mạnh đó khi chi viện cho Bệnh viện Dã chiến số 2.

Tại tòa B nơi bệnh viện cô tiếp nhận điều trị có khoảng 300 em nhỏ liên tục đến và đi. Khoảng đầu dịch rất hỗn loạn, rất nhiều bạn nhỏ không được ở chung với gia đình, mỗi người cách ly một nơi. Lo ăn ở, lo người chăm sóc, lo điều trị, các cô còn phải lo từ dinh dưỡng tới tạo không gian thân thiện để các em hợp tác điều trị.

Linh kể, hơn 300 bé vào viện suốt thời gian 1 tháng Linh điều trị, đủ các độ tuổi khác nhau, từ các bé mới chào đời, cho đến 14, 15 tuổi, mỗi độ tuổi đều có những nhu cầu riêng về dinh dưỡng mà những bữa ăn tại đây không thể đáp ứng hết.

Bác sĩ Linh được các bạn nhỏ từng điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 rất yêu quý.

Với tâm tư ấy, sau những giờ trực chiến điều trị, cô đôn đáo tìm các nguồn tài trợ, vừa có thêm đồ ăn bổ dưỡng phù hợp cho các bé, vừa giúp các bé có thêm tinh thần phấn chấn khi phải cách ly. “Chúng tôi có bột ăn dặm cho từng lứa tuổi các bé nhỏ, có sữa và các khẩu phần ăn phù hợp với các em”, Linh hạnh phúc nói.

Thế nhưng, hình ảnh những đứa trẻ nhỏ, nhà không có điều kiện có điện thoại hay iPad để ngồi yên một chỗ, Linh lại thấy day dứt khi “Các bé dùng những chiếc đũa ăn một lần bới từ thùng rác để chơi lắp ráp”. Cô lại cầu cứu các đơn vị tài trợ, dù chỉ ít thôi những món quà tinh thần như màu vẽ, sách, truyện để các con quên đi những ngày tháng dài đằng đẵng phải nằm trong khu cách ly này.

Xong việc ổn định tâm lý, giờ làm thế nào cho các con hợp tác điều trị, làm sao để việc lấy mẫu xét nghiệm định kỳ không là nỗi kinh hoàng với bé, giúp các em không gặp bất kỳ sang chấn tâm lý nào? Tâm tư ấy trở đi, trở lại cho tới khi cô được người thầy của mình mách nước, hãy mua tặng các bé món quà nhỏ làm động lực.

Sau lời kêu gọi của Linh, 1.000 hộp vitamin C hình con vịt ngộ nghĩnh được nhóm từ thiện chuyển tới. “Quả nhiên, các con thấy có quà rất hợp tác lấy mẫu xét nghiệm. Các y, bác sĩ không còn phải kiên nhẫn mỗi khi cần các em hợp tác”, Linh hạnh phúc khoe.

3. Vóc dáng nhỏ bé, tuổi đời còn trẻ, nhưng Đào Nguyễn Phương Linh có một tinh thần làm việc đáng nể. Cô hầu như chỉ ngủ 4 tiếng/ngày vì một núi công việc cả đồng đội phải gánh vác.

Những ngày đầu tiên nhận “cứ điểm” điều trị, Bệnh viện Dã chiến số 2 rất sơ khai, thiếu thốn và quy trình làm việc cũng chưa thông suốt. Chữa khỏi cho người bệnh đã đành, làm thế nào họ về nhà an toàn trong bối cảnh giãn cách xã hội, khi có ngày lên tới 200 thậm chí 500 bệnh nhân xuất viện.

Bác sĩ Linh hầu như chỉ ngủ 4 tiếng/ngày.

Linh nhờ cậy những người quen biết và may mắn, cô nhận được sự giúp đỡ của một nhà xe lớn để lên phương án đưa bệnh nhân F0 về nhà. Sau khi báo cáo lãnh đạo được thông qua phương án, mọi việc diễn ra suôn sẻ. Linh hạnh phúc hơn nữa khi biết những người bệnh của mình đã không còn phải vạ vật, nôn nóng chờ được về sau 14 ngày cách ly căng thẳng.

Sự nhanh nhẹn và đầy lạc quan của Linh khiến cô trở thành người truyền cảm hứng trong các phòng bệnh. Tại đây, các y bác sĩ xây dựng đội ngũ những “trưởng phòng” là F0 đang điều trị, họ đã vui vẻ và tình nguyện trở thành cánh tay nối dài của nhân viên y tế, làm công tác theo dõi Sp02, suất cơm, liên hệ bác sĩ, phân công vệ sinh trong phòng bệnh.

"Họ là những người bệnh trên lý thuyết, nhưng họ đều không bệnh - chẳng lý do gì để một người khỏe mạnh lại nằm kềnh suốt ngày cầu may đếm ngày hết cách ly. Họ cũng muốn được giao việc, được cống hiến, được đồng hành", Linh bày tỏ.

Nhờ đội ngũ "trưởng phòng F0", việc theo dõi, điều trị của các nhân viên y tế cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Sự hợp tác tuyệt đối chính là mối gỡ cho mọi điều khốn khó, giữa thầy thuốc và người bệnh.

"Tôi vẫn nhớ đêm đó đã khuya lắm rồi, tôi nhờ em - trưởng phòng 3.32 nhận thuốc giúp ở tầng dưới tôi gửi đường thang máy lên, giao và dặn dò cho người bệnh đang cần dùng. Em giúp đỡ ngay lập tức. Nhờ bao phen như vậy mà chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều đồ bảo hộ, trong những trường hợp không quá cấp bách vào lúc nửa đêm, các trưởng phòng như em ấy thực sự là cánh tay đắc lực của chúng tôi".

Một phòng tại bệnh viện dã chiến tập hợp những con người xa lạ, nhưng qua thời gian cách ly, các F0 nghiễm nhiên trở thành gia đình nhỏ. Mọi người cưu mang nhau và giúp nhau vượt qua mọi sự khó khăn của bệnh tật.

Với "sự cho đi" đầy chân tình, bác sĩ Linh nhận lại được những tình cảm vô cùng trân quý. Các F0 mà cô điều trị, khi được trở về nhà theo dõi vẫn liên lạc thường xuyên, khi thì hỏi thăm sức khỏe bác sĩ, khi kể về tình trạng bệnh, khi thì hồ hởi khoe đã khỏe hẳn. Họ cũng sẵn sàng quay trở lại để làm tình nguyện viên, sẵn sàng giúp đỡ Linh bất kỳ lúc nào, “chỉ cần bác sĩ lên tiếng!”.

Vì thế, có nhiều F0 do Linh điều trị, đã quay trở lại Bệnh viện dã chiến số 2, đồng hành với chiến sĩ áo trắng tại bệnh viện dã chiến, dù chỉ ở vị trí rất khiêm tốn, dọn vệ sinh, nhưng đây lại là vị trí vô cùng quan trọng trong hạn chế lây lan mầm bệnh.

"Hôm qua, có một “trưởng phòng F0” nhắn tin cho tôi khoe: “Em sắp lên chức đội trưởng Tổ vệ sinh của bệnh viện”. Giọng của họ hạnh phúc lắm, có lẽ đó là sự biết ơn, nhưng cũng là sự chia sẻ, đồng hành với nhân viên y tế chúng tôi. Ở họ, tôi chẳng thấy có nỗi sợ nào cả”, Linh hạnh phúc nói.

Những tin nhắn của các F0 đã điều trị khỏi, xin quay trở lại bệnh viện dã chiến hỗ trợ thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân như khích lệ thêm tinh thần của bác sĩ ở tuyến đầu như Linh.

Mỗi ngày, thành phố vẫn có 4.000-5.000 ca mắc, vài trăm ca tử vong. Nhưng Linh bảo, hãy đừng nhìn con số bi quan mà hoảng loạn. Hãy nhìn vào mỗi ngày có 5.000 - 6.000 người khỏi bệnh, có rất nhiều gia đình - cả nhà F0 nhưng họ vẫn điều trị khỏi tại nhà.

“Người già trong khu điều trị của Linh có 20 bệnh nhân nặng đều vượt qua hết. Hãy tích cực và hiểu biết, phát hiện dấu hiệu nặng để kịp thời xử trí, sẽ vượt qua nó mà thôi”, Linh nói.

Linh đã sẵn sàng để chuẩn bị trở lại bệnh viện dã chiến, nơi điều trị ở tầng cao nhất với các bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Hết hạn cách ly, cô quay trở về khoa Sơ sinh để cùng đồng đội chiến đấu, chăm sóc cho những sinh linh bé bỏng mới chào đời trong hoàn cảnh dịch bệnh, có cả những ca nhiễm hay nghi nhiễm Covid-19. Cô vẫn đang chờ lệnh lên đường tới Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 do Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đảm nhận ở phía tây thành phố.

Dù ở tại khoa Sơ sinh nhiều nguy cơ lây nhiễm hay chiến đấu tiếp tục ở tuyến cuối, cô vẫn không nề hà, bởi cô lạc quan, với Delta, cô đã bất tử. Nỗi sợ Covid-19 với Linh đã ở lại phía sau, nhưng khó khăn thách thức thì còn đầy rẫy. Cô chỉ biết, mình sẽ chiến đấu hết mình… vì một Sài Gòn bình yên trở lại.

Thực hiện: THIÊN LAM

Ảnh: Nhân vật cung cấp, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-y-te/nhung-f0-dac-biet-trong-tam-dich--663016/