Những đứa con “vệ tinh”

Đó là những đứa con nhỏ được cha mẹ gửi về Trung Quốc sống với ông bà trong lúc cha mẹ kiếm sống ở Mỹ

Như hàng ngàn người Mỹ gốc Hoa khác, chị Winnie Liu và anh Tim Fang đã gửi đứa con trai Gordon về sống với ông bà ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc - TQ) ngay sau khi bé mới sinh được vài tháng ở New York. Mãi đến khi cậu bé lên 3, đủ tuổi đi học mẫu giáo, họ mới đưa con trở lại Mỹ. Chấn thương tâm lý Khi ấy, theo báo The New York Times (Mỹ), Gordon không thèm nhìn mặt cha mẹ và không chịu gọi họ là cha là mẹ. Cậu bé nổi cơn cáu gắt và đôi khi khóc liên tục suốt nửa giờ. Gordon coi họ như những kẻ lạ. Theo các chuyên gia, một số trẻ cùng hoàn cảnh như Gordon có phản ứng hoảng sợ và lúng túng. Chúng đập đầu vào tường, không nói không rằng hoặc đi loanh quanh trong lớp học. Những dấu hiệu của sự chấn thương mạnh về tâm lý như thế thường được hiểu nhầm là triệu chứng của bệnh tự kỷ. Thế nhưng, đó là những dấu hiệu của các trục trặc về cảm xúc mà trẻ phải gánh chịu. Cậu bé Gordon, 7 tuổi, cùng với em trai Kyle, 4 tuổi và mẹ. Ảnh: NYT Năm 2008, khoảng 8.000 phụ nữ gốc Hoa sinh con ở New York, vì thế, số trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh như trên là hết sức đáng kể. Tiến sĩ Yvonne Bohr, nhà tâm lý học lâm sàng của Trường Đại học York ở Toronto (Canada), gọi những trẻ em như vậy là những đứa con “vệ tinh”. Bà cho rằng sự thiếu gắn bó với các thành viên trong gia đình như thế có nguy cơ làm gia tăng khủng hoảng sức khỏe tâm thần đối với một số cộng đồng người nhập cư. Hậu quả cả đời Tiến sĩ Bohr cảnh báo rằng các bậc cha mẹ người TQ, kể cả các nhà chuyên môn có trình độ đại học, thường chịu ảnh hưởng bởi truyền thống văn hóa của họ. Họ tin chắc rằng ông bà là những người chăm sóc con trẻ tốt nhất. Đối với nhiều đứa trẻ người Mỹ gốc Hoa, chuyện chia tách gia đình vẫn còn xảy ra sau khi chúng quay lại Mỹ. Chẳng hạn: Cha mẹ làm việc tại nhà hàng người Hoa ở bang South Carolina nhưng để một đứa con nhỏ ở lại TQ và đứa con 3 tuổi ở New York với ông bà. Hậu quả là đứa bé 3 tuổi thậm chí không buồn mỉm cười. Lẽ tự nhiên là những đứa con “vệ tinh” đó sẽ gặp khó khăn trước sự thay đổi về ngôn ngữ, thói quen và kỷ luật của cha mẹ sau khi quay trở lại Mỹ. Bên cạnh đó, chúng còn phải thích nghi với không khí đoàn tụ sau nhiều năm sống xa cách cha mẹ. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ lại cho rằng con trẻ sẽ thích nghi dễ dàng hơn bởi vì chúng còn quá trẻ. Họ đâu có nghĩ rằng giai đoạn đầu đời là khoảng thời gian cốt yếu để học cách tạo ra sự gắn bó và cảm nhận sự thấu hiểu. Hơn nữa, theo các nhà tâm lý, tình trạng chia xa mang lại những hậu quả kéo dài cả đời người, kể cả sự phiền muộn và suy giảm chức năng. Nhiều gia đình đã không nhận thức được sự tổn hại tiềm tàng về tâm lý đó. Thu mình trong vỏ ốc Cậu bé Gordon, nay lên 7 tuổi và học lớp hai, đã học được cách kiềm chế sự nóng giận. Bây giờ, được sự trợ giúp của các nhà chuyên môn, cậu bé đã chịu ôm mẹ và đôi lúc còn gọi “Mẹ”. Tuy vậy, Gordon vẫn còn có thái độ sống thu mình trong vỏ ốc, không như những đứa trẻ khác. Mẹ cậu bé tâm sự: “Tôi khuyên tất cả mọi gia đình người TQ đừng gửi con về nước hoặc một nơi nào đó xa cha mẹ, dù cuộc sống có vất vả đến đâu đi nữa. Chẳng điều gì có thể làm nên tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái”.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20090728120723377p0c1006/nhung-dua-con-ve-tinh.htm