Những đứa con đặc biệt của đồn biên phòng

Trong nhiều năm qua, chương trình 'Nâng bước em tới trường', sau này có thêm 'Con nuôi đồn biên phòng' đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai trên khắp cả nước. Từ chương trình này, đã có rất nhiều lứa học sinh hiếu học, mồ côi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn các tỉnh biên giới đã được các đồn biên phòng nhận đỡ đầu, trợ cấp và giúp đỡ trong học tập. Hầu hết các em đã nỗ lực cố gắng, vượt lên nghịch cảnh để có những thành tích học tập tốt nhất. Trong chuyến công tác ở các Đồn biên phòng Kon Tum và Quảng Ngãi vào những ngày cuối năm 2023, tôi đã được gặp những mảnh đời, những số phận éo le khác nhau, nhưng các em có cùng chung một ước mơ, nỗ lực vươn lên để tự thay đổi số phận mình.

Thượng úy Lưu Thành Luân - đại diện Ban chỉ huy Đồn Lý Sơn và Hội Nhà báo TP Hà Nội đến nhà trao món quà nhỏ của Hội Nhà báo TP Hà Nội cho em Phan Thị Thu Thảo

Chuyện ở Đồn biên phòng Đắk Long

Đồn biên phòng Đắk Long đứng chân trên địa bàn xã biên giới Đắk Long, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum. Chính trị viên Đồn Đắk Long, Thượng tá Đặng Nguyên Hương cho biết, đồn quản lý đoạn biên giới dài hơn 27km, tiếp giáp với tỉnh Attapư của Lào. Địa bàn Đắk Long có 9 thôn, 1.554 hộ với 6.454 nhân khẩu, 10 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%. “Cuộc sống của bà con bây giờ đã khấm khá hơn rất nhiều, song vẫn còn đầy rẫy những khó khăn, tập tục lạc hậu, phương thức canh tác và cả nếp nghĩ vẫn còn nhiều hạn chế…” - Thượng tá Đặng Nguyên Hương chia sẻ.

Cũng theo Thượng tá Đặng Nguyên Hương, Đắk Long là xã giáp biên, địa hình rừng núi phức tạp, cao và hiểm trở, mùa nắng vốn dĩ đã khó khăn nhưng mùa mưa thì vất vả nhân lên gấp mấy lần vì nhiều khi đường sá sạt lở, giao thông chia cắt. Thế nhưng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì cán bộ, chiến sĩ của đồn vẫn luôn tập trung khắc phục, đảm bảo công tác tuần tra bảo vệ biên giới, hỗ trợ dân sinh đi lại, lên nương xuống rẫy… Xuất phát từ tình hình thực tế của địa bàn, tất cả những tồn tại đều được Đồn biên phòng Đắk Long đưa vào chương trình trọng tâm, xuyên suốt, để cùng đồng hành giúp dân xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm qua.

Không chỉ là lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, những người lính mang quân hàm xanh còn tích cực hỗ trợ những người dân ở đây xóa đói, giảm nghèo. Một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa, dù mới chỉ được triển khai trong khoảng thời gian không dài nhưng lại được được quần chúng đánh giá cao và kết quả thu được nhiều “trái ngọt” đó là chương trình “Nâng bước em tới trường”, sau này còn có thêm “Con nuôi đồn biên phòng”. Cũng giống như nhiều đồn biên phòng khác, Đồn biên phòng Đắk Long cũng nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng nhiều lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

A Quang Tuyền là người dân tộc Giẻ Triêng. Năm 2019, khi ấy Tuyền mới 9 tuổi thì được Đồn Biên phòng Đắk Long nhận làm con nuôi. Ban đầu, Tuyền mới chỉ là một cậu bé nhút nhát, ít nói, khó gần và đầy mặc cảm. Tuyền không có bố, mẹ đi lấy chồng ở xa, Tuyền ở với bà ngoại, nhà thuộc diện hộ nghèo. Gần 4 năm được sự chung tay giúp đỡ, động viên trong cuộc sống và học tập của những người lính ở Đồn biên phòng Đắk Long, Tuyền đã trở thành một chàng trai rắn rỏi, vui vẻ, hòa đồng và chăm học.

Đại úy Br Ol Minh Phong, Đội trưởng Đội vận động quần chúng kể, hồi mới nhận A Quang Tuyền làm con nuôi của đồn, Tuyền ở hẳn tại đồn, nhưng giờ, nhà còn bà ngoại đã già yếu, Tuyền về ở còn tiện chăm sóc bà. Hàng tuần, đơn vị đều phân công cán bộ gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, hướng dẫn học tập. Hàng năm, vào đầu năm học mới, đơn vị đều chuẩn bị đầy đủ quần áo mới, sách vở, dụng cụ học tập. Cùng với đó là những ngày lễ, Tết, đều có những phần quà kịp thời động viên cháu tích cực học tập, rèn luyện. Tháng 11-2021, gia đình Tuyền được nhận một con bò giống trị giá 15 triệu đồng theo chương trình của Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum, đến nay bò phát triển tốt. Chính nhờ mô hình này, đã giúp đỡ được gia đình A Quang Tuyền có đủ điều kiện để học tập và vươn lên trong cuộc sống.

Từ năm 2015 đến nay, Đồn biên phòng Đắk Long luôn tích cực triển khai chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng”, nhiều lượt học sinh nghèo đã được hỗ trợ với nhiều hình thức, kinh phí do cán bộ, chiến sĩ đồn tự nguyện đóng góp, trích từ tiền lương hàng tháng. Tại các làng Đắk Ôn, Đắk Tu, Vai Trang…, cùng với sự quan tâm của chính quyền, bộ đội biên phòng Đồn Đắk Long cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp bà con làm kinh tế, đổi mới trong phương thức canh tác, chăn nuôi như trồng café, nuôi bò, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tăng gia sản xuất…

Thực hiện Đề án “Cán bộ chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” giai đoạn 2021 - 2030, Đồn biên phòng Đắk Long đã phối hợp cùng địa phương, nhà trường, gia đình học sinh, khảo sát thống kê những học sinh có đủ điều kiện quy định, lập danh sách đỡ đầu 21 cháu có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, đơn vị phân công cán bộ thường xuyên gặp gỡ, hỗ trợ, giúp đỡ các em trong học tập, nắm tình hình học tập, rèn luyện, đời sống… để kịp thời động viên, chia sẻ.

Chính trị viên, Thượng tá Đặng Nguyên Hương nhấn mạnh rằng, trên mảnh đất biên cương thấm đẫm những khó khăn này, những người lính biên phòng không chịu khổ thì không thể bám trụ được. Để gắn bó được phải được dân tin, dân hiểu và dân yêu quý, từ đó xây dựng thế trận lòng dân. Mà để được dân tin, dân hiểu thì trước hết phải gần dân, sát dân, làm thật nhiều việc hiệu quả giúp dân…

“Bữa trưa cho em” là chương trình hết sức có ý nghĩa của Đồn biên phòng Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum)

“Bữa trưa cho em” của Đồn biên phòng Đắc Xú

Chúng tôi đến với Đắk Xú vừa đúng bữa trưa, đám trẻ con ào ra từ cổng phụ của trường Tiểu học - Trung học cơ sở Đắc Xú. Thấy người lạ, đứa thì ngơ ngác nhìn vì lạ lẫm, đứa lại ríu rít chào hỏi. Trong gian nhà nhỏ, đối diện cổng trường, hơn 20 đứa trẻ nhanh chóng “ổn định đội hình”, tay thìa, tay đũa, chờ... Bữa trưa hôm đó của các em có rau bắp cải xào cà chua, đậu nhồi thịt cùng xúc xích. Đám trẻ nhận khẩu phần ăn của mình rồi ríu rít mời các chú bộ đội, mời thêm cả những người khách lạ rồi ăn rất ngon lành.

Đã gần 2 năm qua, những bữa trưa như này đều được chuẩn bị bởi chính những cán bộ, chiến sĩ của Đội công tác địa bàn Đồn Đắk Xú (huyện Ngọc Hồi) cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo. Hàng ngày đơn vị phân công cán bộ luân phiên phục vụ nấu bữa trưa cho các cháu với kinh phí 20.000 đồng/bữa. Cùng với đó, đơn vị cũng vận động các nguồn kinh phí, mua thêm ghế xếp cho học sinh nghỉ ngơi sau giờ trưa. Mỗi dịp năm học mới, Ban chỉ huy đồn cũng vận động nhiều tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Hiện tại, cùng với chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn biên phòng Đắk Xú vẫn đang hỗ trợ 3 học sinh, mỗi cháu một tháng là 500.000 đồng. Ngoài số tiền hỗ trợ hàng tháng kéo dài cho tới khi học hết lớp 12, hàng năm vào dịp lễ, Tết, đầu năm học mới, đơn vị vận động thêm từ nhiều nguồn để có những phần quà thiết thực cho học tập hỗ trợ thêm cho các cháu. Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Xú, Trung tá Vũ Đức Phú cho biết, Đắk Xú là địa bàn tiểm ẩn nhiều phức tạp về an ninh, trật tự, cộng đồng dân cư ở đây phần lớn là dân tộc thiểu số, học vấn không đồng đều và cũng có nhiều hạn chế, đời sống của nhiều hộ gia đình còn khó khăn. Chính vì vậy, Ban chỉ huy đồn biên phòng xác định, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, chia sẻ đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người bản địa. Để hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, đồn cũng tham gia mô hình như giúp dân xóa đói giảm nghèo, tặng lợn giống, cây giống, cải tạo vườn tạp, vườn hoang… Cùng với các hoạt động này, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tiếp tục tích cực triển khai thực hiện dự án “Cán bộ chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”, đồn biên phòng đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, nhà trường, gia đình, khảo sát chặt, để đảm bảo cho các cháu có điều kiện đến trường. “Bữa trưa cho em” - sáng kiến thiết thực này cho đến nay chỉ duy nhất có Đồn Biên phòng Đắk Xú triển khai với đối tượng thụ hưởng là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo Trung tá Vũ Đức Phú, việc làm cụ thể này để đảm bảo cho học sinh có đủ dinh dưỡng học hai buổi sáng, chiều trên lớp. Bố mẹ đi nương rẫy không phải lo cơm ở nhà cho con, trẻ con ăn no, đủ chất, đủ sức khỏe để học tập. Hiện tại, trên địa bàn đời sống kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn, khi cái ăn còn chưa đủ thì người ta thường ít khi nghĩ đến chuyện học hành, vì thế, ở đây, nhiều học sinh chỉ học đến lớp 9 là không đi học nữa. Chính điều này tiếp tục ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của địa phương.

Trong bữa cơm trưa hôm đó, tôi gặp Y Vân Trang, một cô bé người Giẻ Triêng đang học lớp 6E, trường Trung học cơ sở Đắk Xú. Cô bé có nước da nâu sậm và một gương mặt vô cùng xinh xắn, đôi mắt sáng, thông minh. Nhà Y Vân Trang có 2 chị em, Y Vân Trang là chị lớn, dưới còn một em nhỏ học lớp 1. Bố mẹ Trang làm nghề hái cà phê, hết mùa cà phê thì đi làm nương rẫy, nói chung ai thuê gì thì làm nấy. Bố mẹ bận rộn, đi làm từ sáng đến chiều mới về, thế nên nhiều khi bữa trưa ở nhà của các em cũng vẫn là có gì ăn nấy. “Từ khi được cùng các bạn ăn những bữa cơm trưa ở trường do các chú bộ đội nấu, cả con và bố mẹ rất vui. Cơm các chú bộ đội nấu rất ngon và món nào con cũng thích” - Y Vân Trang vui vẻ kể.

Hỏi về ước mơ sau này, Trang bảo, con sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ công lao nuôi dạy của bố mẹ, thầy cô và các chú bộ đội biên phòng. Và ước mơ lớn nhất của cô bé người Giẻ Triêng có đôi mắt sáng đầy nghị lực là lớn lên được trở thành một bác sĩ giỏi, chữa bệnh cho buôn làng.

Chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” hay “Nâng bước em tới trường” mà Đồn biên phòng Lý Sơn đang thực hiện là việc làm đặc biệt ý nghĩa đối với huyện đảo còn nhiều khó khăn như Lý Sơn

Ở đảo Lý Sơn, trẻ con mồ côi nhiều lắm!

Bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết, nhiều năm qua, lực lượng biên phòng là cánh tay đắc lực trong việc giải quyết các vấn đề trên tuyến biển và bờ. Đặc biệt, công việc đặc thù của biên phòng là đảm bảo an ninh, trật tự trên biển, cứu hộ cứu nạn kịp thời. Ngoài ra, công tác phối hợp của biên phòng với các lực lượng trên địa bàn huyện để xử lý tình huống trên biển, trên bờ, phá các vụ án liên quan đến tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện cũng rất chặt chẽ. Trong công tác dân vận, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Lý Sơn luôn sâu sát, phân công lực lượng nắm tình hình ở khu dân cư, trên cơ sở đó tham mưu cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, Đảng ủy, UBND huyện đảo Lý Sơn. Đồn biên phòng Lý Sơn hiện đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng, hàng năm các phong trào nhiệm vụ này đều được sơ kết, tổng kết, phong trào mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng thực hiện tốt được nhân rộng, kịp thời khen thưởng, động viên. Nhấn mạnh công tác dân vận, bà Phạm Thị Hương khẳng định, các chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” hay “Nâng bước em tới trường” mà Đồn biên phòng Lý Sơn đang thực hiện là việc làm đặc biệt ý nghĩa đối với huyện đảo còn nhiều khó khăn như Lý Sơn.

Hôm chúng tôi tới đảo Lý Sơn đúng vào ngày cuối tuần, được nghỉ học nên Phan Thị Thu Thảo và Nguyễn Thị Mỹ Tiên (2 trong số 4 em thuộc danh sách “Con nuôi đồn biên phòng” và “Nâng bước em tới trường”) hôm nay không tới đồn ăn cơm như mọi bữa. Thượng úy Lưu Thành Luân, Phó đội trưởng Đội vận động quần chúng, Phó Bí thư chi đoàn Đồn biên phòng Lý Sơn dẫn tôi tới nhà Thảo. Đó là một ngôi nhà nhỏ, nằm sâu trong một con ngõ rất nhỏ. Căn nhà nhìn qua không có bất cứ thứ gì giá trị, ngoài mảng tường dán rất nhiều Giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến mà Thảo đã đạt được qua những năm học.

Thảo và bà ngoại cùng người cậu ruột vừa ăn cơm tối xong. Thấy có chú Luân cùng người lạ đến, Thảo vội thu dọn bát đĩa vào chậu, bê ra ngoài sân rồi trở vào nhà rót nước mời khách. Bà Võ Thị Đại - bà ngoại của Thảo năm nay đã hơn 75 tuổi, như bao người nông dân khác sống ở Lý Sơn, bà chỉ có một ít đất ruộng để trồng tỏi. Nhưng vài năm trở lại đây, bà trở nên yếu dần đi, gần như không đủ sức trồng tỏi nữa. Từ nhiều năm trước, bố mẹ Thảo đã không còn ở với nhau nữa. Mẹ ở xa, lâu lâu mới về thăm con một lần. Thảo lớn lên, thiếu vắng tình cảm của bố mẹ, nhưng bù lại được sự yêu thương của bà ngoại rất nhiều. Thảo càng lớn càng thông minh, xinh xắn và ham học. Lúc còn sức khỏe, bà ngoại cũng gắng sức nuôi cháu đủ ăn, đủ mặc và đủ để đi học. Nhưng bây giờ, bà già yếu rồi. Tỏi thì vốn nhà cũng chả có mấy đất mà canh tác, lại thêm năm được mùa, năm mất mùa, đời sống hai bà cháu nói chung vô cùng bấp bênh. Bên hiên ngôi nhà cũ chắc được xây từ rất lâu, bà Đại vừa ngồi nhặt tỏi vừa nói chuyện. Bà bảo, năm nay mưa nhiều, tỏi mất mùa, mã xấu, nhà trồng được ít thì phơi khô để ăn thôi chứ bán buôn gì được đâu. Năm 2017, Thảo được các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng nuôi, bà mừng lắm. Vì như vậy là Thảo sẽ có đủ điều kiện để tiếp tục đi học. Nói chuyện với chúng tôi, thi thoảng bà lại quay ra nắm tay Thượng úy Lưu Thành Luân rồi cứ nói mãi lời cảm ơn với các cán bộ, chiến sĩ của Đồn biên phòng Lý Sơn.

Ở Lý Sơn, trẻ con mồ côi nhiều lắm. Đa số là mồ côi bố, vì những người đàn ông ở đảo Lý bao đời nay mưu sinh bằng nghề biển. Mà nghề biển thì như ca dao vẫn gọi “hồn treo cột buồm”. Sóng yên biển lặng thì không sao, phải ngày trời phong đất cuồng thì thế nào cũng có tin dữ báo về… Những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn là minh chứng rõ ràng nhất cho nhọc nhằn của cuộc sống của ngư dân nơi này. “Cuộc sống của bọn trẻ ở đây khó khăn hơn lính đảo chúng em gấp nhiều lần” - Thượng úy Lưu Thành Luân nói với tôi như vậy. Và vì thế, những người lính đảo đã thay cha, thay mẹ, thay cả người thân chăm sóc “những đứa con của đồn biên phòng” từ miếng ăn, giấc ngủ, quan tâm tới tâm tư tình cảm để kịp thời động viên, định hướng. Những đứa con nuôi của đồn biên phòng ấy dù có học hết lớp 12 đi chăng nữa, nhưng nếu đủ lực thi vào đại học thì các cán bộ đồn biên phòng vẫn tiếp tục đồng hành để con có thể an tâm học hành, theo kịp chúng bạn cùng trang lứa.

“Những người cha mang quân hàm xanh”

Những ngày cuối năm, trong chuyến công tác tới Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, tôi đã được Thiếu tá Cao Tấn Vương, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất cho xem tin nhắn và cả bức thư của Nguyễn Tấn Thành, sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng. Thành viết: “Con cảm ơn chú, luôn bên cạnh và giúp đỡ con trong suốt thời gian qua. Nay con cũng hoàn thành được chương trình và gặt hái được những điều tốt đẹp nhất đều nhờ sự động viên và tình yêu thương của chú dành cho con. Con rất biết ơn chú!”.

Kể từ khi bắt đầu triển khai mô hình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” đã có rất nhiều những “đứa con của đồn biên phòng” lớn lên trưởng thành và không bao giờ quên “những người cha mang quân hàm xanh” đã chắp cánh, vun đắp và nuôi dưỡng ước mơ, để khiến chúng có thêm động lực để không bao giờ bỏ cuộc, vươn lên dẫu số phận có nhiều thiệt thòi.

Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất kể, ở cái huyện Bình Sơn này, trẻ con mồ côi, nhiều lắm. Đứa có cha thì không có mẹ, đứa có mẹ thì không có cha, có đứa còn không có cả cha lẫn mẹ, chỉ ở với ông bà. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận. Chính vì thế, từ năm 2014 đến nay, Đồn Dung Quất đỡ đầu được 6 cháu, 3 đứa nay đã thi đỗ đại học. Cậu bé Phan Văn Khải học đến đại học năm 2 thì tình nguyện nhập ngũ, nay đang học máy tàu ở Hải quân vùng 4. Tiếp đến là Bùi Thị Thắm, Nguyễn Thị Vy đang học đại học ở Đà Nẵng năm 2.

Thiếu tá Cao Tấn Vương kể, anh vẫn động viên cán bộ, chiến sĩ ở đồn rằng cứ làm đúng với lòng mình thôi, anh em trong đơn vị tiết kiệm, chắt bóp một tí để giúp đỡ cho những đứa trẻ có tương lai.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhung-dua-con-dac-biet-cua-don-bien-phong-post565832.antd