Những đối tượng nhiễm COVID-19 nào nên lưu ý khi sử dụng thuốc 'đặc trị'?

m bảo sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã khuyến cáo người dân cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng thuốc 'đặc trị' để điều trị COVID.

Hiện nay, có 3 loại thuốc kháng virus được Bộ Y tế đưa vào hướng dẫn gồm: Remdesivir dùng cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình, nặng; Favipiravir dùng cho bệnh nhân không triệu chứng, triệu chứng nhẹ trung bình và Monulpiravir dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ với lưu ý liều dùng theo đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

1. Molnupiravir 400mg

- Phác đồ hướng dẫn thuốc chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ, chống chỉ định với phụ nữ có thai 3 tháng đầu, phụ nữ đang có kế hoạch có thai.

- Molnupiravir đang thử nghiệm giai đoạn tại Việt Nam, đồng thời được Bộ Y tế đưa vào túi thuốc điều trị F0 tại nhà triệu chứng nhẹ. Kết quả thử nghiệm giữa kỳ giai đoạn 3 được Hội đồng Đạo đức y sinh học đánh giá thuốc "an toàn và hiệu quả" làm giảm tải lượng virus, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân nặng và tử vong.

1. Favipiravir 200mg

- Thuốc dùng cho bệnh nhân nhẹ, chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng.

- Về liều dùng, ngày đầu uống 2 lần, mỗi lần 1.600 mg; các ngày sau mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần uống 600mg. Thời gian điều trị 7-14 ngày. Bệnh nhân dùng thuốc chú ý ít nhất hai ngày đầu do có thể gây rối loạn tâm thần. Người tiền sử gout càng cần chú ý theo dõi sức khỏe khi dùng thuốc vì có thể tăng acid uric và làm nặng thêm bệnh.

3. Remdesivir

- Thuốc chỉ định đối với bệnh nhân nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập. Thuốc này được Bộ Y tế khuyến cáo phối hợp với thuốc corticoid (ưu tiên dexamethason).

- Nhóm bệnh nhân được dùng Remdersivir là người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người béo phì (BMI > 25). Thuốc không sử dụng cho người bệnh Covid-19 cần thở máy xâm nhập, can thiệp ECMO. Các trường hợp đã được điều trị bằng remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng cho đủ liệu trình.

- Thuốc do Gilead Sciences sản xuất, ban đầu được thử nghiệm để điều trị Ebola và viêm gan C nhưng không thành công. Trong dịch Covid-19, các nhà khoa học phát hiện nó có thể ngăn nCoV sinh sôi trong tế bào. Thử nghiệm lớn sau đó cho thấy Remdesivir giúp giảm thời gian hồi phục của người bệnh từ 15 ngày xuống còn 11 ngày.

Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, ngay cả khi đã tiêm vaccine, luôn có những đối tượng có nguy cơ bệnh nặng, tử vong cao hơn, đặc biệt là nhóm người tuổi cao và có các bệnh nền về chuyển hóa. Mặc dù phần lớn mọi người sẽ không cần phải dùng tới thuốc kháng virus trong quá trình điều trị do chỉ cần đủ thời gian để hệ miễn dịch nhận biết và đào thải virus, nhưng các chỉ thị tiên lượng bệnh nặng mà chúng ta đã biết hiện nay chưa nhiều để có thể khẳng định chắc chắn chiều hướng tiến triển của bệnh.

Ngoài ra, người có tuổi, sức khỏe yếu, có bệnh nền mà nằm trong nhóm ít bị ảnh hưởng bởi các tác dụng phụ của thuốc thì nên sử dụng thuốc càng sớm càng tốt. Các thuốc này đều có các tác dụng phụ, chống chỉ định hoặc nguy cơ tương tác thuốc cần phải lưu ý, nên người bệnh không nên tùy tiện sử dụng mà phải có chỉ định, tư vấn kỹ càng từ bác sỹ mới được dùng thuốc.

Duy Chung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-doi-tuong-nhiem-covid-19-nao-nen-luu-y-khi-su-dung-thuoc-dac-tri-post185302.html