Những doanh nghiệp nào vào tầm ngắm của Thanh tra Bộ Công Thương

Theo kế hoạch thanh tra năm 2024, Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc sẽ tiến hành thanh tra nhiều doanh nghiệp và đơn vị thuộc bộ quản lý.

Cụ thể, các doanh nghiệp có trong danh sách thanh tra gồm: Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco); Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC); Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV; Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE); Nhà máy Đúc Veam (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam).

Ngoài các doanh nghiệp nói trên, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thanh tra tại 3 đơn vị khác gồm Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp; Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp và Cục Quản lý thị trường TP.HCM.

Habeco là 1 trong những doanh nghiệp nằm trong kế hoạch thanh tra của Bộ Công Thương năm 2024.

Theo kế hoạch, Thanh tra Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tiến hành thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình điện; duy trì điều kiện của giấy phép hoạt động điện lực và hoạt động điện lực trong các lĩnh vực an toàn điện, chất lượng dịch vụ khách hàng; kiểm định thiết bị điện, dụng cụ điện tại EVNSPC. Thời gian thanh tra trong quý I và II năm 2024, thời kỳ thanh tra từ năm 2022 đến thời điểm thanh tra.

Trong khi đó, Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV, Thanh tra Bộ Công Thương sẽ thanh tra những nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động vật liệu nổ công nghiệp; về an toàn trong khai thác, chế biến than.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Vụ Kế hoạch tài chính thanh tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước trong quản lý sử dụng vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị tại MIE và Nhà máy Đúc Veam.

Tại Habeco, Bộ Công Thương sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn; hoạt động sản xuất, kinh doanh; công tác đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản và thực hiện dự án.

Tương tự, Bộ Công Thương cũng sẽ thanh tập trung vào thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng vốn, ngân sách; công tác đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa, mua sắm, quản lý tài sản công; hoạt động dịch vụ và sự nghiệp có thu tại Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Công nghiệp và Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cũng sẽ bị thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/nhung-doanh-nghiep-nao-vao-tam-ngam-cua-thanh-tra-bo-cong-thuong-84122.html