Những đóa hoa hồng tháng Bảy

Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) vừa tổ chức lễ tri ân các liệt sĩ và vinh danh những người trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí phục vụ chiến đấu đêm 13-7-1972, tại thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Các nhân chứng lịch sử xúc động ôn lại nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và sự hy sinh anh dũng của 23 đồng chí trong đêm 13-7-1972, tại mảnh đất Nam Sơn máu lửa năm xưa.

Dâng hương tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh tại thôn Nam Sơn, đêm 13-7-1972. Ảnh: Lê Văn Thơm

Dâng hương tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh tại thôn Nam Sơn, đêm 13-7-1972. Ảnh: Lê Văn Thơm

Ông Trần Nhật Bằng, Trưởng ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang bồi hồi chia sẻ: Sự kiện đêm 13-7-1972 là một trong những sự kiện không thể nào quên trên quê hương vành đai diệt Mỹ. Máu xương của các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh tại Nam Sơn, đêm 13-7 năm ấy góp phần làm cho Hòa Vang trở thành một dấu son trên bản đồ Tổ quốc.

Ngược dòng thời gian, vào tháng 7-1967, để tạo khu vực bàn đạp cho huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định sáp nhập xã Điện Sơn vào Khu II Hòa Vang. Từ đó, Đảng bộ và nhân dân xã Điện Sơn đã nỗ lực xây dựng nơi đứng chân của nhiều cơ quan Khu II Hòa Vang, thực hiện tốt vai trò bàn đạp để các lực lượng của ta tấn công vào Đà Nẵng. Điện Sơn trở thành hậu phương nuôi giấu cán bộ, phục vụ chiến đấu.

Riêng trong Chiến dịch Hè 1972, hàng trăm dân công Điện Sơn xung phong đi tải đạn phục vụ cho bộ đội pháo kích vào sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn và các mục tiêu quan trọng khác trong nội thành Đà Nẵng (sau năm 1975, xã Điện Sơn được sáp nhập vào xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Bà Nguyễn Thị Minh, 87 tuổi, ở thôn Thái Sơn, xã Điện Sơn, thành viên đoàn dân công hỏa tuyến năm xưa kể lại: Đoàn dân công có 58 người, hầu hết là phụ nữ xã Điện Sơn, một số ít ở các nơi khác trong tỉnh Quảng Nam và bộ đội từ miền Bắc vào. Tối 13-7-1972, đoàn bí mật vận chuyển vũ khí tại một vị trí trung chuyển từ đường Trường Sơn để đưa về xóm Bầu thuộc xã Hòa Lợi, phục vụ Đoàn Pháo binh 575. Khoảng 21 giờ cùng ngày, đoàn đi đến khu vực thôn Nam Sơn thì bị máy bay địch phát hiện. Chúng bắn xối xả vào đội hình, đồng thời huy động thêm máy bay ném bom và nhiều xe tăng, bộ binh, dồn dập tấn công vào đoàn dân công.

“Trong đêm máu lửa ấy, 23 đồng chí đã hy sinh, 4 đồng chí bị bắt” - Bà Nguyễn Thị Minh bùi ngùi nhớ lại.

Cả 23 đồng chí hy sinh đã nêu tấm gương sáng ngời về tinh thần xả thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong đó, vợ chồng bà Phạm Thị Bình (xã Điện Tiến) cùng tham gia dân công hỏa tuyến và đều hy sinh trên đường làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí. Con của bà Phạm Thị Bình cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bà đã được truy tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Còn hai chị Nguyễn Thị Yên và Nguyễn Thị Hồng (xã Điện Tiến) hồi đó đang sinh sống tại Sài Gòn về quê có công việc gia đình, tự nguyện tham gia vào đoàn dân công hỏa tuyến và đều đã ngã xuống trên mảnh đất Nam Sơn trong đêm 13-7-1972. Đặc biệt, chị Phạm Thị Hoa (xã Điện Tiến), năm ấy mới 14 tuổi, tình nguyện tham gia đoàn dân công hỏa tuyến và cũng đã anh dũng hy sinh. Trong khi đó, 4 đồng chí bị địch bắt, dù chịu nhiều cực hình tàn khốc vẫn không khai báo, son sắt một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng. Chị Nguyễn Thị Xinh (xã Điện Tiến) - một trong 4 đồng chí bị địch bắt cho biết, quân thù đày ải các chị qua nhiều nhà lao, dùng nhiều thủ đoạn tra tấn nhưng vẫn không khai thác được gì. Cuối cùng, chúng đành phải trả lại tự do cho các chị. Ra tù, các chị tiếp tục hoạt động cách mạng...

Tại buổi lễ tri ân các liệt sĩ, các đại biểu, cựu chiến binh và đông đảo nhân dân đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh ở thôn Nam Sơn trong đêm 13-7-1972. Ban tổ chức tiến hành nghi lễ tôn vinh 23 liệt sĩ, tặng quà thân nhân các liệt sĩ và vinh danh những người trực tiếp tham gia vận chuyển vũ khí phục vụ chiến đấu đêm 13-7-1972.

Phát biểu tại buổi lễ tri ân các liệt sĩ, đồng chí Lê Văn Hùng Vương, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang bày tỏ sự trân trọng, tôn vinh, tri ân các liệt sĩ và đồng bào đã cống hiến, hy sinh trong khi vận chuyển vũ khí phục vụ chiến đấu tại thôn Nam Sơn trong đêm 13-7-1972. Đồng chí đề nghị Đảng bộ xã Hòa Tiến đề xuất phương án quy hoạch, tôn tạo khu vực bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hy sinh ở thôn Nam Sơn trong đêm 13-7-1972 thành công trình văn hóa và khu lưu niệm những tấm gương hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cũng tại buổi lễ, cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, thành viên Ban liên lạc cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang, hiện ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đã sáng tác và diễn ngâm bài thơ “Những đóa hoa hồng tháng Bảy”, với những câu thơ nghẹn ngào niềm thương tiếc: “48 năm – Tổ quốc khắc ghi/ Mười ba tháng Bảy trở thành ngày lịch sử/ Các chị, các anh thành những người bất tử/ Trong vòng tay Tổ quốc yêu thương/ Hỡi những người con đất Việt kiên cường/ Hai mươi ba trái tim ngời sắc đỏ/ Các chị, các anh ngàn năm sống mãi/ Những người đã ngã xuống cho đất nước đứng lên...”.

Lê Văn Thơm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-doa-hoa-hong-thang-bay-post431122.html