Những điều mắt thấy, tai nghe ở bản Cột Mốc

Là bản giáp biên duy nhất của xã Tân Xuân (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), bản Cột Mốc nhìn thật yên bình với những nóc nhà của người Mông dưới chân núi Pha Luông. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ai cũng tin rằng, con đường phía trước vẫn rộng mở khi những người lính Biên phòng luôn trong tâm thế chia sẻ, đồng hành cùng người dân.

Thiếu tá Đặng Văn Đông và Đại úy Lường Văn Đại vận động gia đình Thào A Ly trồng tre bát độ. Ảnh: Trúc Hà

Thiếu tá Đặng Văn Đông và Đại úy Lường Văn Đại vận động gia đình Thào A Ly trồng tre bát độ. Ảnh: Trúc Hà

Bản Cột Mốc đặc biệt không chỉ vì là bản giáp biên, mà còn vì nằm ở ngã ba của đường biên giới tỉnh Hủa Phăn (Lào) với tỉnh Sơn La, Thanh Hóa (Việt Nam). Cái tên Cột Mốc được đặt bởi đoạn biên giới dài gần 2,5km (có cột mốc 269) của xã Tân Xuân đều đi qua địa phận của bản. Khó khăn, xa xôi nhưng bản Cột Mốc được chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư với đường bê tông chạy tới tận nơi. Bản khá khang trang bởi nhiều gia đình được nhận nhà đại đoàn kết.

Dẫn đường cho chúng tôi là Đại úy Lường Văn Đại và Thiếu tá Đặng Văn Đông (Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn). Hai anh sinh ra, lớn lên ở Sơn La và có nhiều năm gắn bó với Tân Xuân, thế nên, ở bản Cột Mốc, từ người già đến trẻ nhỏ đều biết đến. Ngày hè, những đứa trẻ không đến trường, tập trung chơi ở khoảng đất giữa bản. Thấy những người lính Biên phòng, lũ trẻ đều khoanh tay chào và càng vui hơn khi các anh cùng chơi bập bênh, hướng dẫn cách chăm sóc những chú chim mới mang từ rừng về.

Chúng tôi cảm nhận được tình quân dân càng trở nên ấm áp khi chứng kiến ông Thào A Háng đang vội lên nương nhưng vẫn dừng xe, mở túi lấy những bắp ngô mới luộc còn nóng hổi mời khách, xong lại tất tả đi tiếp. Gia đình ông Háng được biết đến là khá nhất bản, tân tiến khi xây dựng nhà vệ sinh tự hoại, mua máy giặt. Ông luôn là tấm gương cho mọi người học tập, noi theo.

Cũng như nhiều bản vùng cao biên giới khác, vấn đề phát triển kinh tế cho người dân luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương và những người lính Biên phòng. Trước đây, người dân ở Cột Mốc chỉ trồng ngô và lúa một vụ. Người dân cũng mày mò, học hỏi nơi khác, trồng cây ăn quả, nhưng vì không trở thành hàng hóa, nên cuộc sống của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2022, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn vận động nhà hảo tâm ủng hộ 1.000 gốc tre bát độ giống và thông qua UBND xã Tân Xuân cấp cho 10 gia đình có đất canh tác để chuyển đổi giống cây trồng. Tre bát độ sau 3 năm đã cho thu hoạch, không mất nhiều công chăm sóc, phân bón, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được kì vọng sẽ giúp người dân ở Cột Mốc xóa đói, giảm nghèo .

Thiếu tá Đặng Văn Đông thấy vợ chồng Thào A Ly ở nhà thì ghé vào thăm. Khách tới, anh Thào A Ly tỏ ra vồn vã, nhưng không giấu được vẻ mặt ngượng ngùng, biết bộ đội đến nhà mình vì việc gì. Vừa rồi, Ban quản lý bản Cột Mốc họp và bàn về việc phân chia tiền chi trả dịch vụ môi trường từ rừng. Mọi năm, bản chia tiền cho từng gia đình, nhưng năm nay chọn cách khác. Theo đó, bản sẽ quy đổi số tiền mỗi gia đình nhận bằng tre bát độ cho người dân trồng. Cây tre dễ trồng, khi măng cho thu hoạch sẽ được công ty bao tiêu luôn. Thế nhưng, trong khi các hộ dân khác đều vui vẻ trồng thì Thào A Ly không đồng ý, mặc dù “không trồng măng cũng không nhận được tiền mặt”.

Trái ngược với lo lắng của Thào A Ly, Thiếu tá Đông kéo ghế ngồi lại gần, giọng anh đều đều: “Sao em không nhận cây giống để trồng trong khi nhà vẫn có đất? Em nhìn trong nhà xem, ti vi chưa có, đồ giá trị cũng không nhiều. Vợ chồng có 3 đứa con, lớn lên chúng đi học tốn kém lắm”. Giọng của Ly nhỏ như cố tình cho người đối diện không nghe thấy, để không hỏi thêm nữa: “Em thấy nhiều nhà trồng cây bị chết. Em muốn trồng ngô cho nhanh”. Anh Đông kiên trì giải thích: “Do là mọi người trồng không đúng kĩ thuật. Khi trồng phải gỡ bầu ra một cách nhẹ nhàng để rễ không long ra khỏi đất...”.

Thiếu tá Đặng Văn Đông còn nói nhiều nữa. Giọng anh lúc nhẹ nhàng, lúc lại có chút như gay gắt, chất vấn vì sao ai cũng nhận mà Ly lại từ chối. Và kết quả, thật bất ngờ, từ chỗ Thào A Ly trả lời chống chế chuyển sang lắng nghe và cuối cùng, Thào A Ly nói: “Em sẽ trồng, anh ạ”. Lúc này, gương mặt của Thiếu tá Đặng Văn Đông mới giãn ra, anh thở phào như trút được tảng đá trên vai, rồi nói: “Mấy ngày nữa, chi bộ sẽ họp, anh sẽ ý kiến xin lại cho em 1,6 triệu đồng để mua cây giống. Mai anh về đơn vị họp, anh sẽ hỏi mua cây giống, việc của em bây giờ là chuẩn bị đất. Cứ 3,5 mét đào 1 hố để trồng cây”. Chao ơi, lời nói của người lính “3 bám, 4 cùng” luôn đi với hành động, bảo sao dân không tin, không quý.

Nói những điều hay không có nghĩa là ở bản Cột Mốc chỉ có màu hồng. Cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, có những trường hợp khiến những người lính Biên phòng luôn trăn trở. Mấy năm trước, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn nhận đỡ đầu một cháu học sinh theo Chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng". Tuy nhiên, năm học vừa rồi, không thấy cháu trở lại lớp. Các thầy cô giáo và cán bộ Biên phòng tìm tới nhà thì được biết, bố cháu do sử dụng ma túy nên bỏ đi, mẹ cũng lấy chồng khác. Gánh nặng đặt lên vai cô gái lớp 5 khi chỉ còn ông bà nhưng đã già yếu.

Trẻ em bản Cột Mốc luôn là mối quan tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn. Ảnh: Trúc Hà

Trẻ em bản Cột Mốc luôn là mối quan tâm của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn. Ảnh: Trúc Hà

Theo Thiếu tá Mè Thanh Tùng, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Chiềng Sơn, bản Cột Mốc không phải là địa bàn trọng điểm về ma túy, nhưng có người sử dụng và đang thụ án vì tội danh liên quan đến ma túy. Các đối tượng cũng qua bản Cột Mốc để sang Lào mua ma túy nên gây mất an ninh, trật tự và xáo trộn cuộc sống, làm ăn của bà con trong bản. Thời gian qua, lực lượng nghiệp vụ của đơn vị đã tích cực làm trong sạch địa bàn. Mới đây nhất, ngày 30/5, Đồn Biên phòng Chiềng Sơn bắt quả tang Hà Văn Hưng (sinh năm 1981, trú tại bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân) tàng trữ trái phép 1,62g ma túy tổng hợp. Hưng khai nhận, mua số ma túy trên ở Lào với mục đích sử dụng và đang trên đường từ Lào về Việt Nam qua bản Cột Mốc thì bị bắt giữ.

Chi bộ Cột Mốc chỉ có 2 đảng viên là người trong bản. Đó là Bí thư kiêm trưởng bản Thào A Lông còn rất trẻ và cha của anh là ông Thào A Chông. Trung tá Đỗ Văn Lời (Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Xuân), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vì Văn Dương tham gia sinh hoạt. Những năm trở lại đây, chi bộ luôn quan tâm đến việc phát triển đảng viên mới với phương châm “Đảng viên đi trước” trong việc thay đổi, chuyển biến về nhận thức cũng như phát triển kinh tế.

Ngày 19/5 vừa qua, chàng thanh niên Sồng A Chư đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Chư nguyên là chiến sĩ của Đồn Biên phòng Mường Lèo (BĐBP Sơn La). Khi Chư còn tại ngũ, Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Chiềng Sơn là Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo, bởi vậy, anh hiểu rõ cậu chiến sĩ năng nổ, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc. Chư là một trong số ít chiến sĩ được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tặng Giấy khen và được học lớp cảm tình Đảng. Với một chi bộ đầy “chất lính” nên mọi người rất kì vọng sẽ mang đến sự đổi thay cho vùng đất biên cương xa ngái này.

Trúc Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-dieu-mat-thay-tai-nghe-o-ban-cot-moc-post462755.html