Những điều có thể bạn chưa biết về thị trường vàng Việt Nam

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên sau 11 năm dự kiến vào sáng nay 22/4 đã không thể diễn ra vì nhiều nguyên nhân. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo lùi phiên đấu thầu sang 10h sáng mai 23/4. Xung quanh câu chuyện về giá vàng nói riêng, hay thị trường vàng ở Việt Nam nói chung, có những điều mà không phải ai cũng biết.

1. Một năm Việt Nam tiêu thụ bao nhiêu tấn vàng?

Theo báo cáo của Hội đồng vàng thế giới (WCG), nhu cầu tiêu dùng vàng tại Việt Nam trong hai năm gần nhất là 2022 và 2023 lần lượt là 59,1 tấn/năm và 55,5 tấn/năm. Vàng miếng và vàng xu đã có mức giảm nhẹ 2% trong năm 2023 so với cùng kỳ, ở mức 40 tấn. Đáng chú ý, đầu tư vàng tại Việt Nam tăng mạnh trong quý 4/2023 nhờ sự điều chỉnh giá. Từ năm 1991-2021, cả nước sản xuất và tiêu thụ ước gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ mỗi năm.

Trên phạm vi toàn cầu, WGC cho biết mức tiêu thụ vàng năm 2023 là 4.899 tấn - mức cao nhất kể từ năm 2010, nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường giao dịch vàng phi tập trung (OTC), hay giao dịch ngoài sàn giao dịch, cũng như từ hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương. 3 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới lần lượt là Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

Báo cáo xu hướng vàng năm 2023 của WGC

2. Việt Nam đã từng nhập khẩu bao nhiêu tấn vàng?

Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng, bao gồm cả vàng nguyên liệu, vàng ký, vàng hạt trong 21 năm, từ năm 1991-2012. Riêng TP.HCM tiêu thụ khoảng 80% số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam, ước khoảng 800 tấn. Từ tháng 5/2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 9999 nhằm chống nhập siêu, chống lạm phát.

Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1.000 tấn vàng, bao gồm cả vàng nguyên liệu, vàng ký, vàng hạt trong 21 năm, từ năm 1991-2012.

3. Việt Nam vẫn đang xuất khẩu vàng?

Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Từ 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, nên vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đá quý, kim loại quý và sản phẩm năm 2019 là 2,1 tỉ USD (tăng 231,2% so với cùng kỳ năm 2018), năm 2020 là 2,6 tỉ USD, chủ yếu là mặt hàng đồ kỹ nghệ và các bộ phận của đồ kỹ nghệ bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng dưới 95%.

Hiện, Việt Nam là một trong 5 nước khu vực ASEAN xuất khẩu kim loại quý, đá quý lớn.

4. Những hàng hóa nào đang được giao dịch trên thị trường vàng ở Việt Nam?

Tại Việt Nam, hàng hóa được giao dịch trên thị trường vàng đã được quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, bao gồm:

- Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 8 kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật.

- Vàng miếng là vàng được dập thành miếng, có đóng chữ, số chỉ khối lượng, chất lượng và ký mã hiệu của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được NHNN Việt Nam cho phép sản xuất hoặc vàng miếng do NHNN tổ chức sản xuất trong từng thời kỳ.

- Vàng nguyên liệu là vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng và các loại vàng khác.

5. Phân biệt vàng "4 số 9" và "3 số 9"

Vàng ta/ vàng 9999 là loại vàng sở hữu độ tinh khiết cao tới 99.99% vàng nguyên chất. Vì vậy, vàng 9999 là tên gọi khác của vàng 24K (ngoài ra còn có thể gọi là vàng ròng, vàng ta, vàng 4 số 9). Vàng 9999 là dạng vàng chất lượng cao nhất trên thị trường và không bị mất giá. Vàng 9999 được người dùng ưa chuộng đầu tư.

Vàng ta/ vàng 9999 là loại vàng sở hữu độ tinh khiết cao tới 99.99% vàng nguyên chất

Vàng 999 là loại vàng có cấu tạo 99,9% hàm lượng vàng nguyên chất, chỉ lẫn 0,1% tạp chất. Vàng 999 có đặc tính khá mềm và dễ bị biến dạng khi tác động lực. Do đó, loại vàng này chủ yếu được sử dụng để tích trữ, đầu tư sinh lời với thiết kế dạng miếng, thỏi.

6. Vàng SJC là gì?

Vàng SJC là thương hiệu vàng được sản xuất bởi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Vàng SJC đại diện cho một loại vàng là vàng đúc nguyên miếng hình chữ nhật, theo trọng lượng. Trên mặt miếng vàng SJC có in hình con rồng và 4 số 9 biểu thị cho vàng nguyên chất 99,99%. Mặt còn lại của miếng vàng là thông tin và công ty sản xuất (SJC). Vàng miếng SJC có giá trị về mặt tích trữ và đầu tư hơn là giá trị về mặt trang sức.

Vàng miếng SJC có giá trị về mặt tích trữ và đầu tư hơn là giá trị về mặt trang sức

Đặc điểm của vàng SJC là mềm hơn các loại vàng khác, dễ bị trầy xước, bóp méo khi bị cọ xát. Do là vàng nguyên chất nên vàng SJC không bị đen hay xỉn màu qua thời gian.

Về bản chất, vàng SJC vẫn thuộc vàng 9999. Tuy nhiên, vàng SJC là loại vàng được sản xuất bởi một đơn vị sản xuất vàng miếng. Do đó, có thể xem vàng SJC là vàng 9999 nhưng vàng 9999 thì không phải là vàng SJC.

7. Vì sao vàng SJC đắt hơn vàng 9999?

Các cửa hàng, công ty kinh doanh vàng đều bày bán vàng 9999 nhưng giá của mỗi thương hiệu vàng khác nhau.

Vàng SJC thường đắt hơn vàng 9999 vì được sản xuất bởi thương hiệu nổi tiếng SJC. Hơn nữa, SJC còn là nhãn hiệu do Nhà nước quản lý nên đây được coi là nguyên nhân chính khiến giá vàng SJC luôn cao hơn hẳn giá của các loại vàng miếng khác.

Bên cạnh đó, vàng SJC luôn được bảo đảm về chất lượng, dễ thanh khoản (có thể mua bán được từ tiệm vàng nhỏ đến tiệm vàng lớn).

8. Biến động giá vàng ở Việt Nam

Từ 2006 đến năm 2018, giá vàng "đủng đỉnh" tăng và giữ giá nhiều năm ở mức xoay quanh 40 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, đỉnh giá vàng vào khoảng 42,75 triệu đồng/lượng, nhưng năm 2020 vọt lên 60,32 triệu đồng/lượng (ngày 9/8/2020). Vào đầu năm 2021, vàng có giá 57,32 triệu đồng/lượng và cuối năm này chỉ nhích lên 61 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, năm 2022 giá vàng vọt lên 74 triệu đồng/lượng. Đầu năm 2023, giá bán vàng SJC có lúc đạt tới 69 triệu đồng/lượng. Từ tháng 2-7, giá SJC giao dịch ở mức 67 triệu đồng/lượng, nhưng cuối năm ngoái, đã có thời điểm giá bán vàng SJC ở Hà Nội vượt qua mốc 80 triệu đồng/lượng.

Sáng ngày 22/4, giá vàng miếng SJC được Công ty vàng SJC niêm yết mua vào ở 80,3 triệu đồng/lượng, bán ra ở 82,8 triệu đồng/lượng

“Tôi nghĩ vàng hóa không còn là mối lo ngại của Việt Nam do vị thế kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay đã khác rất nhiều 15 năm trước. Điều quan trọng là Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lòng tin vào đồng nội tệ. Chừng nào nền kinh tế vẫn tăng trưởng, đồng nội tệ vẫn ổn định thì sẽ không có nguy cơ vàng hóa”.

Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-dieu-co-the-ban-chua-biet-ve-thi-truong-vang-viet-nam-233803.htm