Những điểm 'vênh' cần sửa đổi

Trong số báo trước, báo Lao Động đã ghi nhận ý kiến một số luật sư về những khoảng trống cần bổ khuyết trong Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012. Trong số này, Báo Lao Động tiếp tục giới thiệu một số ý kiến của các luật sư về những điểm còn “vênh” nhau giữa Bộ luật Lao động (BLLĐ) 2012 và các văn bản pháp luật khác.

Luật sư Nguyễn Văn Kha (phải) tư vấn pháp luật cho người lao động.

´ Hiện nay, NLĐ có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên thì cả NLĐ và NSDLĐ đều phải đóng BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2014: “NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng…” và quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 12, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014: “NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; NLĐ là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức”. Nhưng khi NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên thì cũng được tham gia BHXH bắt buộc thì có sự khác nhau giữa BHXH và BHYT. Ý kiến của luật sư về vấn đề này thế nào?

- Luật sư Nguyễn Văn Kha - Văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu & cộng sự: Đúng là có “độ vênh” giữa việc thực hiện Luật BHXH 2014 từ 1.1.2018 và Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2014, khi NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, nhưng chưa thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc. Vì thế, ý kiến của tôi là nên xem xét sửa đổi lại điểm a, khoản 1, Điều 12, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung 2014 để những NLĐ có HĐLĐ từ đủ 1 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, để bảo đảm quyền lợi của NLĐ. Hiện nay, cơ quan BHXH căn cứ vào HĐLĐ đang thu BHXH, BHYT bắt buộc cùng một lúc cho những NLĐ có HĐLĐ từ đủ 3 tháng trở lên. Điều 16, BLLĐ 2012 quy định về hình thức HĐLĐ như sau: HĐLĐ phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 2 bản, NLĐ giữ 1 bản, NSDLĐ giữ 1 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này (đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết HĐLĐ bằng lời nói - PV). Theo tôi, BLLĐ cần sửa đổi việc giao kết HĐLĐ từ 1 tháng trở lên phải được lập thành văn bản, mỗi bên giữ một bản để làm cơ sở cho cơ quan BHXH thu BHXH, BHYT cùng một lúc như hiện nay và để làm cơ sở giải quyết tranh chấp nếu có.

´ Cũng liên quan đến vấn đề BHXH, BHYT của NLĐ, hiện có nhiều NLĐ giao kết HĐLĐ với những NSDLĐ khác nhau cùng một lúc. Theo quy định tại khoản 1, Điều 4, Nghị định 44/2013/NĐ-CP, nếu NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ và cả hai thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN thì NLĐ và NSDLĐ của HĐLĐ giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN. Khoản 2, nghị định này quy định về trách nhiệm tham gia BHYT bắt buộc của NSDLĐ và NLĐ như sau: “NLĐ giao kết HĐLĐ với nhiều NSDLĐ mà NLĐ và NSDLĐ thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì NLĐ và NSDLĐ của HĐLĐ có mức tiền lương cao nhất có trách nhiệm tham gia BHYT”. Trong khi đó, việc thu BHXH, BHYT, BHTN (nếu có) là cùng một lúc như đã nêu trên. Khảo sát của PV Báo Lao Động với một số cơ quan BHXH cấp huyện và chính BHXH TPHCM cũng cho thấy, không có ai thực hiện theo quy định này. Việc này sẽ cần khắc phục thế nào?

- Luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường - Đoàn luật sư TPHCM: Thực tế đã cho thấy, việc tách đóng BHXH và BHYT với NLĐ đang giao kết nhiều HĐLĐ như quy định tại Nghị định 44/2013/NĐ-CP ra như trên sẽ rất khó thực hiện. Một quy định không được thực hiện trong thực tế thì cần phải được sửa đổi. Do đó, tôi cho rằng, cần có quy định, trong trường hợp NLĐ giao kết nhiều HĐLĐ và đều thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, BHTN, thì NLĐ được quyền chọn HĐLĐ nào có mức tiền lương cao nhất để đóng BHXH, BHYT, BHTN. Như vậy sẽ thuận tiện cho cả NSDLĐ và NLĐ lẫn cơ quan BHXH.

´ Một điểm “vênh” khá lớn là khoản 1, Điều 167, BLLĐ 2012 quy định: “Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể thỏa thuận với NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn HĐLĐ hoặc giao kết HĐLĐ mới...”. Khoản 1, Điều 166, BLLĐ 2012 quy định: “NLĐ cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại Điều 187 của bộ luật này”. Điều 187 BLLĐ 2012 quy định về tuổi nghỉ hưu: “NLĐ bảo đảm điều kiện về thời gian đóng BHXH theo quy định của pháp luật về BHXH được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”. Thế nhưng, Điều 2, Luật Người cao tuổi năm 2009 lại quy định: “Người cao tuổi được quy định trong luật này là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Ý kiến của luật sư thế nào?

- Luật sư Trần Phi Đại - Văn phòng luật sư Minh Vũ, Đoàn luật sư TPHCM: Như vậy ở đây đã có độ “vênh” về khái niệm người cao tuổi đối với lao động nữ giữa BLLĐ 2012 và Luật Người cao tuổi 2009. Xin thông tin thêm, khoản 1, Điều 5, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH hướng dẫn về HĐLĐ với NLĐ cao tuổi quy định như sau: “NLĐ cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi quy định tại Điều 187 của BLLĐ”. Như vậy, có thể hiểu NLĐ cao tuổi theo quy định của pháp luật lao động là đủ 55 tuổi với nữ và đủ 60 tuổi với nam. Nếu dự kiến tới đây, sẽ nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với nam lên đủ 62 tuổi và đủ 60 tuổi với lao động nữ ở một số nhóm đối tượng, thì sẽ tiếp tục có độ “vênh” về khái niệm người cao tuổi đối với lao động nam giữa BLLĐ và Luật Người cao tuổi. Do đó, tôi cho rằng, phải có quy định rõ ràng khi sửa đổi, bổ sung BLLĐ tránh sự “vênh” với quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi.

NAM DƯƠNG thực hiện

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/nhung-diem-venh-can-sua-doi-611075.bld