Những điểm nổi bật kinh tế vĩ mô năm 2013

CafeLand - Kinh tế vĩ mô năm 2013 nổi lên nhiều điểm sáng đáng chú ý như lạm phát được kiểm soát, tỷ giá duy trì ở mức ổn định và lãi suất giảm đáng kể và đang ở mức khá thấp. Ngoài ra, xuất nhập khẩu cũng tăng khá mạnh và dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nhìn sâu xa hơn vào cấu trúc của nền kinh tế thì Việt Nam vẫn có rất nhiều điểm đáng lo ngại.

Chất lượng tăng trưởng vẫn rất thấp, hệ thống tài chính thiếu bền vững và tái cơ cấu nền kinh tế còn quá chậm chạm. Nếu những yếu tố nền tảng này không được cải thiện thì kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài.

Tăng trưởng kinh tế tích cực hơn

Theo số Tổng Cục Thống kê, GDP năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với năm 2012. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Điểm khá bất ngờ là tăng trưởng GDP trong quý 4 có mức tăng khá cao so với các quý trước đó.

So với năm trước khu vực nông nghiệp và công nghiệp đều tăng trưởng thấp hơn. Trong khi đó, khu vực dịch vụ lại tăng vọt lên mức 6,56%, cao hơn mức tăng 5,9% của năm 2012, đóng góp 2,85 điểm phần trăm.

Một điểm đáng lưu ý là do điều chỉnh lại cách tính GDP đã làm cho tổng GDP tính theo giá hiện hành năm 2012 tăng thêm hơn 300.000 tỷ đồng. Sản phẩm bình quân đầu người năm 2013 của Việt Nam lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Ngoài sự bất ngờ GDP, thì chỉ số sản xuất công nghiệp trong quý IV tăng tới 8%, trong khi 3 quý trước đó chỉ lần lượt tăng 5%, 5,5% và 5,4%. Nếu chỉ căn cứ vào số liệu này thì dường như sản xuất công nghiệp năm 2013 có dấu hiệu phục hồi, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tỷ trọng lớn trong toàn ngành công nghiệp đã có sự chuyển biến rõ nét qua các quý.

Tăng trưởng GDP Việt Nam qua một số năm

Nguồn: TCTK

Vốn đầu tư trong nền kinh tế khá thấp

Tổng vốn đầu tư trong nền kinh tế năm 2013 ước tính đạt 1.091 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước và bằng 30,4% GDP. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 440,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,4% tổng vốn và tăng 8,4% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước 410,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,6% và tăng 6,6%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 240,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 22% và tăng 9,9%.

Như vậy, so với năm trước tỷ lệ đầu tư so với GDP đã tăng tăng nhẹ. Tuy nhiên, đây vẫn là một tỷ lệ rất thấp so với những năm trước đó khi tỷ lệ đầu tư luôn trên 40% GDP. Con số này cho thấy việc đầu tư của toàn bộ nền kinh tế đang thu hẹp đáng kể. Cả người dân, doanh nghiệp và khu vực nhà nước đang rất thận trọng trong việc đầu tư.

Vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tích cực

Vốn FDI đăng ký năm 2013 đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54,5% so với cùng kỳ năm trước. FDI năm qua chủ yếu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,6 tỷ USD, chiếm 76,9% tổng vốn đăng ký. Trong năm 2013 cả nước có 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó Thái Nguyên có số vốn đăng ký lớn nhất với 3,38 tỷ USD, tiếp đến là Bình Thuận 2,03 tỷ USD, chiếm 14,2%.

Trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp phép mới vào Việt Nam năm nay, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 3,75 tỷ USD, tiếp theo là Sigapore và Trung Quốc lần lượt là 3,01 và 2,27 tỷ USD.

Vốn FDI thực hiện năm này đạt 11,5 tỷ USD tăng 9,9% so với năm 2012. Việc FDI giải ngân tăng là một dấu hiệu khá tích cực trong lúc đầu tư trong nước suy giảm.

Vốn FDI đăng ký và thực hiện qua các năm

Nguồn: TCTK

Xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh

Năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 132,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (gồm cả dầu thô) đạt 88,4 tỷ USD, tăng 22,4%.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với các mặt hàng như: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép...

Nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện thoại và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD, tăng 69,2%; hàng dệt, may đạt 17,9 tỷ USD, tăng 18,6%; điện tử máy tính và linh kiện đạt 10,7 tỷ USD, tăng 36,2%. Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng giảm khá mạnh. Chẳng hạn, dầu thô đạt 7,2 tỷ USD, giảm 11,9%; gạo đạt 3 tỷ USD, giảm 18,7%; cao su đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11,7%.

Về thị trường, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 24,4 tỷ USD tăng 20,4 %. Hoa Kỳ đứng thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 20,3% (4 tỷ USD).

Nhập khẩu hàng hóa chủ yếu là từ Trung Quốc

Năm 2013, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 131,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó, nhập khẩu khu vực kinh tế trong nước đạt 56,8 tỷ USD, tăng 5,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74,5 tỷ USD, tăng 24,2%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2013 tăng 18,3% so với năm 2012.

Kim ngạch một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,6 tỷ USD, tăng 16%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 17,7 tỷ USD, tăng 34,9%; vải đạt 8,4 tỷ USD, tăng 19,4%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 8 tỷ USD, tăng 59,5%. Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm như xăng dầu đạt 7 tỷ USD, giảm 22,1%; phân bón đạt 1,7 tỷ USD, giảm 1,6%; cao su đạt 0,7 tỷ USD, giảm 13,9%.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này năm 2013 ước tính đạt 36,8 tỷ USD, tăng 26,7%, đây là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng từ Trung Quốc tăng so với năm 2012 như móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tinh sản phẩm điện từ và linh kiện. Thị trường ASEAN ước tính đạt 21,4 tỷ USD, tăng 2,8%.

Việt Nam bất ngờ xuất siêu

Năm 2013, Việt Nam xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 13,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 14 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu năm nay hoàn toàn thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài.

Việt Nam nhập siêu 23,7 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi đó xuất siêu sang Mỹ và châu Âu.

Lạm phát tiếp tục được kiềm chế

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2013 tăng 0,51% so với tháng trước và tăng 6,04% so với tháng 12/2012. Đây là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong rổ mặt hàng thì nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng nhiều nhất với mức tăng 18,97%, tiếp theo là nhóm Giáo dục tăng 11,71%. Nhóm lương thực chỉ tăng nhẹ, còn bưu chính viễn thông tiếp tục giảm.

Như vậy, so với mức tăng khủng trước đây thì lạm phát gần như đã được kiềm chế. Tuy vậy, so với các nền kinh tế khác thì lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức tương đối cao.

Nguyên nhân, khiến CPI giảm khá mạnh trong năm vừa qua do chính sách tiền tệ thặt chặt. Tín dụng trong năm 2013 chỉ tăng chưa đến 10%. Bên cạnh đó, cầu tiêu dùng và đầu tư trong nền kinh tế suy giảm. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khác là giá cả hàng hóa thế giới cũng chững lại.

Biến động lạm phát quá các năm

Nguồn: TCTK

Tăng trưởng tín dụng thấp, huy động khá tốt

Theo báo cáo của TCTK, tính đến ngày 12/12/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64%; huy động vốn tăng 15,61%; tăng trưởng tín dụng tăng 8,83% so với cuối năm 2012. Trong khi đó theo số liệu của NHNN thì tính đến 31/12, tín dụng đã bất ngờ tăng hơn 12%

So với những thời kỳ trước đó tín dụng tiếp tục có một năm tăng trưởng rất thấp bất chấp việc lãi suất đã giảm và NHNN có nhiều chính sách để đẩy tín dụng ra nền kinh tế. Nguyên nhân, của tính trạng này là do sự rủi ro của nền kinh tế và nợ xấu cao. Điều này khiến cho ngân hàng lẫn người vay tiền hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính.

Điểm tích cực, là bất chấp lãi suất huy động giảm khá mạnh, tăng trưởng huy động vẫn khá cao. Điều này làm tăng thêm tính thanh khoản và an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất giảm

Một điểm tích cực khác, trên thị trường tiền tệ là lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng đều giảm khá mạnh. Lãi suất kỳ hạn dưới 1 năm của các ngân hàng đang huy động dưới mức 8%, còn các kỳ hạn dài hơn quanh mức 9-10%. So với đầu năm lãi suất huy động đã giảm 2-3%. Trong khi đó lãi suất cho vay cũng giảm ở mức tương ứng với kỳ hạn dài chỉ quanh mức 10-13%, còn lãi suất cho vay phục vụ vốn lưu động dưới 10%. Nhiều khoản vay cũ với lãi suất rất cao trước đó cũng được tổ chức tín dụng cơ cấu lại đưa về dưới 13%.

Về chính sách trong năm 2013, NHNN đã 2 lần giảm lãi suất tái cấp vốn đưa lãi suất này từ mức 9% đầu năm về 7%, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2009. Tương tự như vậy, lãi suất tái chiết khấu cũng giảm từ 7% đầu năm xuống chỉ còn 5%, đây cũng là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009 đến nay. Việc giảm lãi suất chính sách này có vai trò rất quan trọng trong chính sách tiền tệ, giúp các ngân hàng tiếp cận được vốn giá rẻ hơn và từ đó làm giảm lãi suất trên thị trường.

Hoàng Nam

Nguồn CafeLand: http://cafeland.vn/phan-tich/nhung-diem-noi-bat-kinh-te-vi-mo-nam-2013-43216.html