Những điểm dừng chân tuyệt đẹp trên cung đường lúa Mù Cang Chải

Vào những ngày tháng 9, tháng 10, quốc lộ 32 chạy xuyên tỉnh Yên Bái, từ Nghĩa Lộ đến Tú Lệ lên Mù Cang Chải là cung đường yêu thích nhất của những kẻ thích đi “săn lúa”.

Người dân tộc vùng cao Yên Bái mỗi năm chỉ làm một vụ lúa duy nhất. Người Thái lập bản dưới vùng thấp, trồng nếp nương trong thung lũng. Còn người Mông giỏi trèo đèo vượt núi, họ đã biến những sườn núi non hiểm trở thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp.

Mùa lúa chín vàng sóng sánh trên mọi ngả đường cũng là lúc cả Yên Bái đắm chìm trong màu vàng rực rỡ.

Thung lũng Mường Lò

Mường Lò nằm tại Văn Chấn, ngay trên quốc lộ 32.

Là vựa lúa lớn thứ nhì vùng Tây Bắc, Mường Lò là nơi chung sống của bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Tày, Nùng, Mông... Công việc đồng áng ở Mường Lò hiện nay vẫn dùng sức người là chính, vẫn "con trâu đi trước, cái cày theo sau".

Mường Lò nằm tại Văn Chấn, ngay trên quốc lộ 32. Cứ theo con đường ấy, sẽ thấy thung lũng chín vàng hai bên đường, trong ánh nắng vàng ruộm và làn gió mát trong lành của mùa thu. Ai đi qua đây cũng phải dừng lại trầm trồ.

Nếp Tú Lệ

Dưới mặt đất là những bản lang người Thái và trên núi cao là những bản làng Mông. Sự giao hòa giữa các dân tộc anh em chủ yếu vào những ngày chợ phiên cuối tuần.

Tú Lệ là điểm dừng chân tiếp theo trên chặng đường xuyên đất Yên Bái. Tú Lệ nổi tiếng với gạo nếp và gà đồi. Ai qua đây cũng ghé lại ăn bát xôi nếp nương với thịt gà vừa chín tới và mang dăm ba cân gạo về làm quà.

Truyền thuyết kể rằng xa xưa tổ tiên người Thái được các vị tiên giáng trần ban cho một loại thóc giống với lời dặn phải tìm nơi khí hậu, đất đai phù hợp gieo trồng để có loại lúa nếp thơm ngon đặc biệt. Vâng lời, người Thái đã du cư khắp các vùng Tây Bắc tìm đất gieo hạt mà không nơi nào như ý.

Chỉ đến khi gặp thung lũng phì nhiêu dưới chân đèo Khau Phạ, nhờ dòng nước mát trong từ con suối Mường Lống nuôi dưỡng, giống lúa nếp “trời ban” ấy mới khoe hết những phẩm chất của mình. Người ta còn kháo nhau gạo nếp Tú Lệ phải ngâm và đồ bằng nguồn nước trong vắt chảy ra từ những con suối đầu nguồn trên đỉnh Khau Phạ mới là thứ xôi nếp ngon nhất...

Giữa hương thơm của lúa, dưới ánh trăng mơ màng của vùng núi, ăn xôi nếp với gà đồi là tuyệt phẩm không thể nào quên. Xong rồi thủng thẳng đi chợ, làm ít cốm xanh xanh. Cốm Tú Lệ không mềm như cốm dưới Hà Nội nhưng thơm dịu, ăn thấy hay hay.

Thung lũng Cao Phạ

Bức tranh lúa vàng trong thung lũng Cao Phạ.

Những đôi bàn tay tài hoa, cần mẫn của người Dao, người Mông, người Hà Nhì… đời này nối tiếp đời kia kiến tạo nên những kiệt tác. Đắp đập, ke bờ suốt mùa đông dài khô lạnh, những cơn mưa rào mùa hè tưới nước là lúc những thửa ruộng bậc thang trữ đầy nước. Sang mùa gieo mạ tháng 6, một màu xanh non mơn mởn phủ kín mọi đồi thấp đồi cao. Qua những tháng hè nắng, nóng và mưa, để rồi sang thu tháng 9 tháng 10, cả con đường được phủ một màu vàng của lúa chín vào mùa thu hoạch.

Từ phía bên lưng của đèo Khau Phạ, con đèo hiểm trở mà ngày nay có rất ít xe cộ qua lại, dừng lại giữa lưng chừng trời là có thể chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của thung lũng lúa chín vàng phía dưới chân đèo. Trời chiều thoáng đãng và nắng ấm nên khung cảnh nhìn được rõ hơn mọi khi. Mùa sắc của đất và của nước hòa quyện thành những mảng màu sẫm.

La Pán Tẩn - Chế Cu Nha

Nấc thang lên trời.

Đường qua La Pán Tẩn và Chế Cu Nha - hai xã có những thửa ruộng đẹp nhất toàn Mù Cang Chải, chẳng ai có thể đi qua ngay mà không dừng lại ngắm nhìn những kiệt tác của người Mông đang rực rỡ chờ ngày thu hoạch. Những cô cậu bé chăn trâu sát đường quốc lộ, đùa nghịch bên những hàng rào.

Cả huyện Mù Cang Chải có 2.200ha ruộng bậc thang, trong đó tính cả ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình thì diện tích ruộng bậc thang là 500ha. 500ha ruộng này chính là di sản của người Mông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng vào ngày 18.10.2007, một danh thắng có lẽ là đặc biệt và độc đáo vào bậc nhất của Việt Nam. Trong vòng bán kính trải rộng 20km, các thửa ruộng được xếp đặt giữa hai bên lưng chừng núi, thấp dần xuống tận dòng sông biếc xanh phía dưới.

Mù Cang Chải

Cảnh sắc huy hoàng.

Nhấm nháp một tách cà phê thơm trước khi đổ đèo là cái thú đầy thi vị. Tiếng nước reo vui trong chiếc xoong nhỏ. Khói mây lẫn với khói hương café. Chiều sẽ buông trên thung lũng óng ả, những cánh chim lạc trôi tìm về tổ ấm, sương sẽ giăng khắp mặt đất và cả trên mí mắt. Giữa đất trời mênh mông, cùng nhau nhâm nhi vị đắng ngọt nơi cuống lưỡi, để rồi con đường cứ trôi qua những thung lũng lúa ngút ngàn cho đến tận chân đèo. Tất cả những cảnh ruộng bậc thang đẹp nhất đều nằm trên con đường này và cuối bên kia đèo là xứ Mù Cang Chải.

Lam Linh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/du-lich-kham-pha/nhung-diem-dung-chan-tuyet-dep-tren-cung-duong-lua-mu-cang-chai-594489.bld