Những di sản công nghiệp Hà Nội đã từng 'vang bóng một thời'

Các công trình di sản công nghiệp Hà Nội từng một thời là biểu tượng của Thủ đô như nhà máy bia Hà Nội, nhà máy xe lửa Gia Lâm, giày Thượng Đình... đã cùng tạo ra một bức tranh công nghiệp đầy sôi động những năm tháng thế kỷ trước của Thủ đô.

Ảnh

Di sản công nghiệp Hà Nội gồm những nhà máy, khu công nghiệp từng là biểu tượng của Thủ đô. Nhà máy bia Hà Nội (Tổng công ty cổ phần bia - rượu - nước giải khát Hà Nội) thành lập năm 1890 với diện tích hơn 52.000m2, vẫn đang hoạt động tại 183 Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Ban đầu nhà máy mang tên Hommel, sản xuất chỉ 150 lít bia một ngày, đến năm 1954 đổi tên là Nhà máy bia Hà Nội. Theo quy hoạch phân khu đô thị H1-2 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tháng 3/2021, khu đất của nhà máy bia hiện nay sẽ trở thành đất hỗn hợp, công cộng, trường THPT, cây xanh, nhà ở, bãi đỗ xe.

Năm 1960, khu công nghiệp Thượng Đình là khu công nghiệp quy mô đầu tiên ở Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) được khánh thành với các nhà máy chủ lực như thuốc lá Thǎng Long, cao su Sao Vàng, xà phòng Hà Nội (thường được gọi là khu Cao Xà Lá), cơ khí Hà Nội và một số nhà máy khác.

Nhà máy thuốc lá Thăng Long nằm tại số 235 Nguyễn Trãi thành lập đầu năm 1957, được xem là đơn vị tiên phong của ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam.

Theo Nghị định số 167 của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công thì nhà máy phải di dời khỏi nội đô trong vòng 5 năm tới. Khu vực này đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt sẽ là đất công cộng và phần hỗn hợp dịch vụ thương mại, nhà ở, nhà trẻ, trường tiểu học, cây xanh.

Nhà máy cao su Sao Vàng được thành lập năm 1960, diện tích khoảng 62.000m2. Nhiều năm trước, nhà máy nằm trong kế hoạch di dời ra khỏi nội đô vì ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nhà máy xà phòng Hà Nội được thành lập năm 1960, chuyên sản xuất chất tẩy rửa tổng hợp như xà phòng, nước rửa bát, nước giặt, xà bông, kem đánh răng, xà phòng thơm… Hiện khu vực này là đất trống khi nhà máy di dời ra khỏi nội đô.

Nhà máy Công ty cổ phần bánh kẹo Hải Châu trên phố Mạc Thị Bưởi (quận Hai Bà Trưng) được thành lập năm 1965, sản xuất bánh, kẹo, thực phẩm, lương khô, kem xốp và bột canh. Thương hiệu bánh kẹo Hải Châu là một trong những tên tuổi thuộc về tuổi thơ của nhiều thế hệ với lương khô, bánh quy cam và bột canh i ốt Hải Châu.

Công ty TNHH một thành viên dệt kim Đông Xuân (trước đây là nhà máy dệt kim Đông Xuân) với tên giao dịch DOXIMEX, được thành lập năm 1959. Ban đầu nhà máy có trụ sở ở phố Nguyễn Công Trứ, Hòa Mã, sau chuyển về đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Từ cuối năm 1964 đến năm 1979, nhà máy chủ yếu sản xuất các mặt hàng phục vụ lực lượng vũ trang như áo lót, áo chống rét cào bông, dây đai quân dụng, dây đeo bi đông nước, dây băng đạn, dây túi lựu đạn, túi cơm, thắt lưng đai, găng tay, tất chống muỗi, vắt, màn cá nhân, chăn.

Năm 1961, nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân) chính thức được thành lập, trở thành cơ sở đầu tiên sản xuất hai sản phẩm này ở Việt Nam và Đông Dương.

Trong những năm sau thống nhất và bao cấp, những vật dụng của Rạng Đông đã từng là các món quà quý để mừng đám cưới của các cặp đôi.

Giày Thượng Đình là một trong số những thương hiệu có tuổi đời hàng chục năm của Việt Nam. Được thành lập từ năm 1957, giày Thượng Đình tiền thân là xưởng X30 thuộc Cục quân nhu, Tổng cục Hậu cần, chuyên sản xuất mũ cứng, dép cao su phục vụ quân đội. Năm 1978, xưởng đổi tên thành Xí nghiệp giày vải Thượng Đình, và năm 1993 chính thức mang tên Công ty giày Thượng Đình. Những đôi giày bata xanh, trắng thời bao cấp và sau đổi mới đã từng là lựa chọn không thể thiếu của nhiều gia đình. Thời kỳ hoàng kim đi qua, giày Thượng Đình đang phải "chật vật" tìm lại chỗ đứng trước sức cạnh tranh quyết liệt của thị trường giày dép tại Việt Nam.

Nhà máy xe lửa Gia Lâm - Công ty Vận tải Hành khách đường sắt Hà Nội, tại số 551 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên), được thành lập năm 1905, diện tích hơn 200.000 m2, bao gồm trụ sở công ty, nhà xưởng sửa chữa toa xe. Năm 1988, chính phủ Ba Lan tài trợ xây dựng đồng bộ nhà xưởng. Nhà máy là cơ sở duy nhất tại Việt Nam đáp ứng khổ ray 1.435 mm vào tận xưởng.

Nơi đây tạo ra những biểu tượng của đường sắt Việt Nam như đầu máy hơi nước Tự lực, đầu máy diesel... Hiện nhà máy còn hệ thống nhà xưởng với khung thép lớn, máy móc, cẩu siêu trường, siêu trọng, cầu trục, máy nâng... Dự kiến khu vực này được quy hoạch là đất công cộng và sẽ di dời trong 5 năm tới.

Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển (tiền thân là công ty phân lân nung chảy Văn Điển) được thành lập năm 1960, thuộc huyện Thanh Trì. Nhà máy xây dựng trong thời gian hơn một năm gồm 2 lò cao, mỗi lò có công suất 10.000 tấn mỗi năm và một dây chuyền sấy nghiền.

Di sản công nghiệp là các nhà máy, công xưởng được xây dựng từ thời Pháp cho tới giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa, một số đã trở thành biểu tượng của Thủ đô thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Ngoài những công trình kể trên, còn có nhà máy rượu Hà Nội ở số 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 nhà máy được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ, nay là công ty cổ phần rượu và nước giải khát Hà Nội (HALICO). Và Nhà máy điện Yên Phụ (quận Tây Hồ), nay vẫn còn giữ lại một phần máy phát điện và bên cạnh là tòa tháp EVN. Nhà máy Pin Văn Điển là một nhà máy sản xuất pin thuộc Tập đoàn Vinacomin, có trụ sở tại xã Văn Điển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Nhà máy được thành lập vào năm 1962, là nhà máy sản xuất pin đầu tiên ở Việt Nam với sản phẩm đã quen thuộc với nhiều thế hệ cho tới nay là pin con thỏ.

Khánh Huy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//nhung-di-san-cong-nghiep-ha-noi-da-tung-vang-bong-mot-thoi-362374.html