Những dấu ấn trong thực hiện chính sách dân tộc ở Nghệ An

Nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã tham mưu, cụ thể hóa, vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc vào thực tiễn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhiều chương trình ý nghĩa

Thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung của Dự án 1, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ năm 2021 – 2025, người dân ở bản Đông Thọ, xã Thọ Sơn (Anh Sơn) vui mừng phấn khởi. Công trình do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư với số tiền 3,1 tỷ đồng; hiện công trình đã đưa vào sử dụng chạy thử.

Bà Vi Thị Hiền - Trưởng bản Đông Thọ, xã Thọ Sơn cho biết, được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, người dân ai cũng mừng, vì nước về đến tận sân nhà, không chỉ sạch mà còn đủ để phục vụ bà con ăn, uống, tắm giặt… Không chỉ là niềm vui của đồng bào dân tộc ở vùng cao khi nhu cầu cơ bản được đáp ứng, nước sạch còn là điều kiện tiên quyết để địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Còn chị Vi Thị Lợi, ở bản Đông Thọ phấn khởi: “Trước đây, để có đủ nước dùng cho nấu ăn và giặt giũ, có ngày tôi phải vào tận khe để lấy nước. Vào mùa Hè, nhu cầu thiếu nước sinh hoạt trở nên trầm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Từ khi công trình nước sạch được đầu tư, nguồn nước đến tận nhà, người dân trong bản rất phấn khởi, cuộc sống ổn định hơn”.

Cùng chung niềm vui khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, hàng chục hộ dân ở bản Nậm Tột, xã Tri Lễ (Quế Phong) giờ đây sắp có điện lưới quốc gia để sử dụng. Ông Lỳ Tông Xênh, người có uy tín ở bản Nậm Tột cho biết, bản có 37 hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước đây không có điện, việc phát triển kinh tế - xã hội của bản gặp nhiều khó khăn. Đến nay, được Đảng và Nhà nước tạo điều kiện cho người dân trong bản sử dụng lưới điện quốc gia, bà con vô cùng phấn khởi. Dự kiến tháng 6/2024 này sẽ đóng điện.

“Sau hơn 30 năm sinh sống không có điện, mùa Hè năm nay là lần đầu tiên bà con sử dụng điện lưới quốc gia. Khi có điện, bà con sẽ mua sắm ti vi, quạt điện, đèn thắp sáng… để phục vụ trong cuộc sống hàng ngày”, ông Lỳ Tông Xênh nói.

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đón nhận Cờ thi đua của Chính Phủ. Ảnh: Thu Hương

Trong những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu tổ chức thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc.

Nhờ đó mà đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến rõ nét. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn... Bình quân tỷ lệ hộ nghèo vùng miền Tây giảm 3-4%/năm (riêng các huyện 30a, những năm gần đây giảm bình quân 6%/năm).

Công tác giáo dục và đào tạo vùng miền Tây có nhiều tiến bộ tích cực. Đến nay, số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt tỷ lệ 61,8%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi được duy trì ở mức cao. Công tác phòng bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Công tác cấp thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các DTTS cũng được nâng lên rõ rệt.

Một tiết học trải nghiệm của các cháu trường Mầm non cụm Đại Xuân, xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang. Ảnh: PV

Triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm

Trong giai đoạn 2015 - 2023, Trung ương đã có trên 118 chính sách trực tiếp và gián tiếp được triển khai trên địa bàn toàn quốc, tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc và thực hiện có hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng vùng miền Tây bằng các nguồn lực đầu tư từ Chương trình 135, Chương trình 30a, nông thôn mới... và các nguồn lực khác đã tạo ra chuyển biến quan trọng. Hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư xây dựng; hạ tầng thủy lợi được quan tâm đầu tư; hệ thống lưới điện được tiếp tục đầu tư nâng cấp; các công trình y tế được cải tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang hơn...

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025), Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách dân tộc, công tác dân tộc kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Chú trọng công tác triển khai có hiệu quả và đôn đốc giải ngân kịp thời các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được giao.

Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân tộc Nghệ An kiểm tra công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Quỳ Châu. Ảnh: Thu Hương

Là cơ quan tham mưu và quản lý về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đã ghi dấu ấn trong việc triển khai tốt các chương trình, chính sách như: Chương trình 135, Quyết định 755/QĐ-TTg, Quyết định 102/QĐ-TTg, Quyết định 2086/QĐ-TTg... Từ đó, làm thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, miền núi của tỉnh; góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc trong thời gian qua chính là tiền đề, là những kinh nghiệm, điều kiện thuận lợi để tỉnh Nghệ An bắt tay vào triển khai các chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn tới.
Ông Vi Văn Sơn – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về việc thực hiện chính sách dân tộc; Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó Ban Dân tộc là cơ quan Thường trực, đầu mối trong việc tổ chức thực hiện chương trình. Song song với đó, Ban Dân tộc tiếp tục triển khai những chương trình, dự án trọng điểm để tạo “đòn bẩy” cho sự phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh nhà: Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030...”.

Thu Hương

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nhung-dau-an-trong-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-o-nghe-an-post288680.html