Những cựu binh và cuộc kết nối ấm tình Trường Sa

Nha Trang, đêm 20 tháng Chạp. Chúng tôi ngồi trên nền nhà mang dáng vóc một con tàu hướng ra biển. Dưới chân, biển vẫn thầm thì bài ca muôn thuở của mình, hát về những khúc tình ca. Nhiều năm nay, cứ độ cuối năm âm lịch, những người lính Trường Sa năm xưa lại họp mặt ở đây, Lữ quán Thiên Phước. Người đứng ra tổ chức là Giám đốc Công ty TNHH Du lịch sinh Thái Thiên Phước Nguyễn Văn Dũng, là lính thông tin Trường Sa, thương binh bậc 2/4, tỷ lệ mất sức 61%.

Thương binh Nguyễn Văn Dũng (thứ ba từ phải sang) tặng quà gia đình liệt sĩ Trường Sa. (Ảnh: VĂN TÀI)

Xin được nói qua một chút, dù bận rộn trăm việc, lo mua bán, kinh doanh, nhưng cựu binh Nguyễn Văn Dũng không nguôi nhớ về những đồng đội cũ. Anh tìm cách liên lạc rồi tham gia tổ chức kết nối anh em và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Biết con em của đồng chí, đồng đội chưa có việc làm, anh nhận các em vào làm việc với thu nhập ổn định. Anh coi các cháu như con trong nhà, tận tình và nghiêm khắc chỉ bảo từng li từng tí.

Dường như, đêm nay, biển có vui hơn, khi có vô số những vòng hoa, những ngọn nến lung linh thắp sáng. Ấy là những vòng hoa, ngọn nến đồng đội hôm nay tưởng nhớ những anh em đã ngã xuống, đã nằm lại phía chân trời.

Sử sách ghi rằng, trước họng súng, lưỡi lê của quân thù, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kết thành một vòng tròn, lấy thân mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Để bây giờ, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa sừng sững một cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, tưởng niệm những cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cựu binh Nguyễn Đức Khôi đại diện ban liên lạc bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa xúc động ôn lại những kỷ niệm hào hùng một thời của người chiến sĩ Trường Sa. Ở đó, nơi đầu sóng, ngọn gió, người lính đêm ngày canh gác, giữ vững miền phên dậu phía Đông của Tổ quốc mà lòng canh cánh nhớ về đất liền, nhớ về quê nhà.

Đêm qua trong giấc chiêm bao

Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng

Lời ru tha thiết bên sông...

Thả hoa đăng tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sa. (Ảnh: VĂN TÀI)

Tri ân những anh em, đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển xanh, những cựu binh Trường Sa cùng mặc niệm, thả hoa đăng. Giai điệu Hồn tử sĩ hòa cùng tiếng sóng, trong khói hương ngào ngạt khiến tôi cứ ngỡ mình như đang ở Trường Sa. Một Trường Sa gần gũi, thân thương quá! Tôi thấy nhiều người lặng lẽ rút khăn tay.

Cựu binh Nguyễn Đức Khôi khẳng định sự hy sinh dũng cảm của các Anh hùng liệt sĩ luôn nhắc nhở chúng ta phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống bộ đội Trường Sa, “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, và đặc biệt phải có trách nhiệm cao trong giáo dục các thế hệ đi sau về chủ quyền Trường Sa của Việt Nam.

Trong niềm xúc động khó tả, cựu binh Lê Hành hát ca khúc anh vừa sáng tác. Anh hát về liệt sĩ Trần Văn Phương, người con anh hùng giữ đảo Gạc Ma mà hướng mắt về cháu Trần Thị Thủy, con gái của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương.

Trần Văn Phương

Người con anh hùng giữ đảo Gạc Ma

Anh còn đó, với Quảng Bình đất Mẹ

Anh còn đó, với đồng đội Trường Sa

Khi anh Phương hy sinh, cháu Thủy mới chỉ là một thai nhi hai tháng tuổi. Một người cha ra đi không kịp về nhìn thấy mặt con. Một đứa trẻ chưa chào đời đã hóa cút côi. Một người mẹ đương kỳ trăng mật đã vội thành quả phụ. Quả thật, ấy là những nỗi đau khó có thể nguôi ngoai!

Theo học ngành du lịch ở Quảng Bình quê nhà, nhưng bây giờ Đại úy Trần Thị Thủy lại công tác tại chính đơn vị của bố cháu ngày xưa: Lữ đoàn 146, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong bộ quân phục, nhìn cháu rắn rỏi lắm!

Thương binh Nguyễn Văn Dũng (thứ năm từ phải sang) tặng quà thương binh Trường Sa (Ảnh: VĂN TÀI)

Đã hơn 20 năm, tôi gặp lại Thiếu tá Từ Công Tào, nguyên bác sĩ Quân y Lữ đoàn 146. Chúng tôi quen biết nhau trên chuyến tàu đi Trường Sa năm 2002. Hồi ấy, ngồi trên boong cao, bằng chất giọng Quảng Bình anh kể tôi nghe những câu chuyện Trường Sa bằng... thơ, mộc mạc, chất phác và rất mực chân thành. Đạn lạc tên bay, mà gà cứ ung dung gáy sáng. Gió giật mưa cuồng, mà chim cứ rộn ràng gọi bạn. Tôi nghe trong đó có một bản lĩnh Trường Sa, với sức sống kiên cường của những cây phong ba, bão táp.

Tôi nhớ, thơ anh Từ Công Tào có câu:

Đụn mây giăng ở chân trời

Nhấp nhô như thể núi đồi quê hương...

Có nỗi nhớ nào thẳm sâu hơn thế? Nhìn mây trên biển, mà như thể núi non quê nhà.

Đêm nay, cùng đồng đội anh lại đọc thơ.

Ấy là những dòng thơ về người lính thông tin:

Gặp tín hiệu quen quen

Lòng bừng hớn hở

Bức điện thu về là chiến thắng và niềm tin...

Hoặc là những dòng thơ đầy tâm trạng khi phải chia tay Trường Sa trở về đất liền; đong đầy kỷ niệm với tình yêu, nỗi nhớ khôn cùng.

Nửa cuộc đời gắn bó với Trường Sa...

Ngoài kia, hoa đăng trôi xa. Những ngọn nến vẫn cứ lung linh, như anh linh những người lính quyến luyến cùng đồng đội.

Những người cựu binh hát về Trường Sa. (Ảnh: VĂN TÀI)

Ở đây, những người cựu binh vẫn chưa vơi tâm tình.

Tôi nghe người lính, nghệ sĩ Lê Hành vẫn hát:

Biển hát mãi ngàn năm

Đảo hát mãi ngàn năm, những người anh hùng...

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhung-cuu-binh-va-cuoc-ket-noi-am-tinh-truong-sa-post794633.html