Những cuộc đua nóng trong băng giá

'Chúng tôi nói với cả thế giới: Chúng tôi đang tuần tra ở khu vực này. Và có những điều, chúng tôi không muốn bạn thực hiện ở đây'. Đó là lời của Kenneth Boda, một chỉ huy thuộc Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, được tờ Thời báo Phố Wall (The Wall Street Journal/WSJ) trích dẫn, trong bài báo có tiêu đề 'Quân đội Mỹ bám sát Nga và Trung Quốc, trong cuộc đua giành giật một Bắc Cực đang tan chảy' (Americas Military Trails Russia and China in Race for the Melting Arctic), đăng tải ngày 30/7/2023.

Cái tiêu đề hầu như đã nói lên những điểm chính của câu chuyện, một cách rõ ràng.

1. Thế nhưng, kể cả khi cố gắng thể hiện sự tự tin (qua việc trích dẫn lời Kenneth Boda), thực tế, màu sắc chủ đạo trong thông điệp của WSJ vẫn nhuốm sự lo lắng.

Bởi lẽ, nguyên nhân đích thực của việc Chính phủ Mỹ tăng cường hạm đội tàu phá băng ở Bắc Băng Dương lại bắt nguồn từ nhu cầu bảo đảm rằng nước Mỹ có lợi thế vững chắc trong cuộc chơi, và để đảm bảo việc các đối thủ như Trung Quốc và Nga không vượt quá giới hạn.

Quân đội Mỹ đang cố gắng theo dõi các tàu Nga, điều chỉnh cẩn thận các hoạt động của chúng trong và gần khu vực.Vấn đề là, trước quyết định tăng cường sự hiện diện nêu trên, nước Nga đã có tới hơn 30 tàu phá băng, những con tàu được chế tạo đặc biệt được thiết kế để di chuyển trong vùng nước băng giá, trong khu vực, so với tàu phá băng duy nhất của Mỹ mang tên Healy (tải trọng 16.000 tấn), vốn chỉ hiện diện ở một quãng thời gian trong năm.

Một máy bay vận tải Nga tại Bắc Cực.

Bên cạnh đó, WSJ còn dẫn lời các quan chức quân sự, hé lộ rằng trước đây, mặc dù không có khả năng gửi tàu đến Bắc Cực, nhưng Trung Quốc đã chia sẻ thông tin tình báo với Moscow.

Còn hiện tại, hay chính xác hơn là từ mùa thu năm ngoái, khi tuần tra ở vùng biển Bering, tàu tuần duyên Kimball của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đã phát hiện 7 tàu của Nga và Trung Quốcđang di chuyển qua vùng biển lạnh giá gần quần đảo Aleutian, ngoài khơi bang Alaska.

Thủy thủ đoàn của Kimball xác định con tàu chính của Trung Quốc là Nanchang, một trong những lớp tàu chiến mơícó thể phóng hơn 100 tên lửa dẫn đường. Theo các quan chức quân sự và chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ, các tàu Nga và Trung Quốc đang tập trận chung đã đi về phía Bắc và phía Đông “vào vùng biển của Mỹ”, gửi một thông điệp rõ ràng về giá trị chiến lược của khu vực, đối với cả Moscow lẫn Bắc Kinh.

Cuộc tập trận chung ấy cũng kích hoạt “Chiến dịch Biên giới Sentinel”, một kế hoạch được xây dựng nhằm ứng phó với các phương pháp tiếp cận bất ngờ của các tàu quân sự nước ngoài đối với Mỹ trong khu vực.

Rõ ràng, chẳng có lý do gì để Washington tin tưởng tuyệt đối vào tuyên bố từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ: “Trung Quốc sẽ không và không có ý định sử dụng các vấn đề ở Bắc Cực để thúc đẩy lợi ích địa chính trị của mình”, sau các biến động dồn dập trong những năm gần đây.

2. Nhìn về quá khứ, từ rất lâu rồi, giới quan sát quốc tế đã tiên liệu: Bắc Cực sẽ trở thành điểm nóng tranh chấp ảnh hưởng mới, giữa các cường quốc (cho dù đến tận bây giờ, câu chuyện này vẫn bị che khuất bởi những điểm nóng khác, trên “spotlight” vũ đài chính trị thế giới).

Từ tháng 1/2021, chính hải quân Mỹ cũng đã thực hiện tuần tra ngoài khơi bờ biển Nga quanh Vòng cực Bắc, động thái mà theo Washington là nhằm ngăn chặn việc Nga củng cố các vị trí ở Bắc Cực. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng đã lên tiếng về việc tàu chiến Mỹ tăng cường hiện diện quanh Bắc Cực. Ông nhận xét: Tình hình quân sự - chính trị trong khu vực hiện đã trở nên phức tạp do các quốc gia hàng đầu thế giới đang giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên và giao thông vận tải.

Làm rõ hơn các khía cạnh, vào tháng 8/2022, bà Diane Francis – nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Á-Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương – bày tỏ sự lo lắng trên tạp chí The Hill, với lập trường một công dân Mỹ: “Vùng biển Bắc Băng Dương đóng băng, với diện tích bằng một nửa nước Mỹ, đã bị bỏ quên trong một thời gian dài”, trong khi Nga đang đặt cược nghiêm túc vào tuyến đường biển phía Bắc - hải trình mới nối liền giao thông hàng hải giữa châu Âu và châu Á. Ngoài ra, Nga đã bắt đầu thăm dò dầu khí, và tuyên bố rằng thềm lục địa của nước này kéo dài phần lớn bờ biển Bắc Băng Dương.

Đi xa hơn, từ trước đó, tờ Times đã đăng một bài viết trích dẫn báo cáo của công ty tư vấn Civitas, nhận định: Nga có thể tận dụng băng tan để kích hoạt tuyến đường biển phía Bắc, và cũng đang gia tăng khai thác các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực, chẳng hạn như khí đốt và kim loại đất hiếm, cũng như đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại đây nhằm biến nó thành “chiến trường” trong tương lai.

Theo cách nghĩ của nhà phân tích Robert Clark thuộc Civitas, “Nếu phương Tây không có hành động khẩn cấp, Bắc Cực sẽ sớm trở thành chiến trường địa chính trị trong tương lai”. Bởi lẽ, chỉ trong vài năm qua, Nga đã xây dựng 50 căn cứ quân sự ở Bắc Cực, đồng thời tập trung tiềm năng hạt nhân của mình vào khu vực này, như số liệu Civitas cung cấp.

Chưa hết, song song với tiến trình băng tan ở Bắc Cực, tuyến đường biển phía Bắc có thể rút ngắn hành trình của tàu chở hàng từ cảng Rotterdam (Hà Lan) đến cảng Thượng Hải (Trung Quốc) trong 2 tuần - một tiền đề mới cho sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thương mại (và kèm theo đó là sự xác lập quyền lực của nhà nước, đối với bất cứ quốc gia nào có thể kiểm soát hàng nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại trên tuyến hàng hải mới ấy).

Tàu phá băng Healy của Mỹ ở gần Oliktok, Alaska, năm 2015.

Không chỉ vậy, khu vực Bắc Cực rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm các kim loại đất hiếm như kẽm, chì và niken. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng khoảng một phần ba trữ lượng khí đốt chưa được khám phá của thế giới nằm ở Bắc Cực.

Đó là thời điểm những cuộc giao tranh trong phạm vi chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở Ukraine vẫn đang diễn ra ác liệt, kéo theo nhiều hệ quả từ phản ứng của phương Tây. Và vì vậy, giới phân tích cũng có cơ sở để phán đoán rằng trong bối cảnh bất ổn tài chính, Nga sẽ tăng cường hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên quanh Vòng cực Bắc.

3. Ngày 7/10/2022, Nhà Trắng công bố một bản chiến lược mới của nước Mỹ tại khu vực Bắc Cực. Theo đó, Washington sẽ “thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ và bảo vệ lãnh thổ có chủ quyền”.

Cũng như phía Nga tuyên bố: Bắc Cực không phải là nơi thực hiện những mưu toan địa chính trị, mà là cơ hội để phát triển hợp tác bền vững (nhưng lưu ý rằng: Khó có thể hình dung một hình thức hợp tác Bắc Cực hoặc liên Bắc Cực mà không có sự tham gia của Nga với tư cách là quốc gia lớn nhất ở Bắc Cực, trong khi Nga vẫn mở cửa hợp tác, kể cả với các quốc gia không nằm ở khu vực), Washington thể hiện mong muốn một khu vực Bắc Cực "hòa bình, ổn định, thịnh vượng và hợp tác".

Mặc dù vậy, chiến lược mới của Nhà Trắng "cũng tính đến việc cạnh tranh chiến lược ở Bắc Cực gia tăng, "đồng thời tìm cách thiết lập vị thế của Mỹ để vừa cạnh tranh hiệu quả vừa quản lý căng thẳng". ‘Và có thể nói, tuy tụt hậu so với liên minh Nga – Trung ở khu vực lạnh lẽo này, nhưng trong thời gian gần đây, ở những khía cạnh khác về củng cố vị thế, Washington đã thu hẹp khoảng cách đáng kể.

Không gì khác, chúng ta đang đề cập tới việc tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhân cơ hội xung đột bùng nổ tại Ukraine, nhanh chóng thúc đẩy và sớm hoàn tất việc kết nạp hai quốc gia nằm rất gần Bắc Cực: Phần Lan và Thụy Điển.

Ngày 23/7, chuyên gia Nga Jeremy Kuzmarov phân tích cùng hãng tin Sputnik: “Việc ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cùng mối quan hệ gần gũi hơn với Na Uy (đề xuất mở lãnh sự quán đầu tiên của nước Mỹ ở thành phố Tromso của Na Uy – cơ quan ngoại giao Mỹ đầu tiên hiện diện trong Vòng cực Bắc), đã thể hiện rõ chính sách của Mỹ ở Bắc Cực. Mỹ đã củng cố các mối quan hệ đó trong cuộc Chiến tranh Lạnh mới này. Liệu đây có phải chiến lược của Mỹ mà chúng ta đã thảo luận? Đó là nhắm vào Nga, cô lập và làm suy yếu Nga”. Theo ông Kuzmarov, chiến lược của Mỹ ở Bắc Cực từng bước sẽ là mở rộng NATO sang Thụy Điển và Phần Lan, triển khai sức mạnh ở Bắc Cực và cố gắng thống trị khu vực này về mặt quân sự.

Điều này hoàn toàn không có gì bất ngờ, bởi cách đây đúng 1 năm, ngày 26/8/2022, sau cuộc hội đàm với Tổng thống Canada Justin Trudeau, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định: "Khái niệm chiến lược mới của NATO xác định năng lực của Nga tại vùng cực Bắc là thách thức chiến lược đối với cả liên minh". Ông chỉ ra: Tuyến đường ngắn nhất mà tên lửa và máy bay Nga có thể bay tới Bắc Mỹ là qua Bắc Cực.

Hiển nhiên, vì thế, và cả vì những lợi ích khổng lồ vẫn còn tiềm ẩn trong nghìn năm băng tuyết, NATO (với vai trò dẫn dắt của nước Mỹ) sẽ phải tăng cường hiện diện ở Bắc Cực. Cuộc đua, do đó, đã bắt đầu thực sự tiến vào chặng tăng tốc…

Thiên Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nhung-cuoc-dua-nong-trong-bang-gia-i703310/