Những cuộc đời phía sau song cửa sắt (bài 1)

Luật Thi hành án hình sự được Quốc hội thông qua năm 2010, sửa đổi năm 2019 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thi hành án hình sự, kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời. Thực hiện các quy định của luật, Bộ Công an và các cơ quan chức năng giáo dục, cải tạo phạm nhân, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, tạo cho họ có việc làm, phòng ngừa tái phạm. Việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội; khẳng định rõ nét quyết định của Quốc hội khi thông qua dự án Luật Thi hành án hình sự hoàn toàn đúng đắn, khoa học, đem lại hiệu quả cao trong thực tế.

Hiện nay, các trại giam trên toàn quốc đang quản lý, giam giữ khoảng 100 nghìn phạm nhân. Trong số họ, có người từng học hành bài bản, hiểu biết pháp luật nhưng vì lòng tham nên đã vướng vòng lao lý. Cũng có nhiều người không biết chữ, chưa từng đi học, không hiểu biết pháp luật nên phạm tội. Cũng có người chỉ vì phút nông nổi không kiềm chế được bản thân dẫn đến phạm tội.

Để giúp họ hiểu rõ chính sách khoan hồng của nhà nước đối với người phạm tội, giúp họ vượt lên lỗi lầm để làm lại cuộc đời, CBCS lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã không ngừng nỗ lực với công việc giáo dục, cải tạo, gieo những mầm thiện để dẫn lối đưa những người lầm lỗi trở về với nẻo thiện.

Người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội lên đến 100 triệu đồng/người.

Chúng tôi đến Trại giam Quảng Ninh những ngày cuối năm, nắng vàng nhuộm trên những cánh đồng sau mùa gặt. Bên trong cổng trại, vườn hoa hướng dương đang nở rộ óng ả trước ánh mặt trời. Khu giam, khu lao động của phạm nhân được đánh giá giống như tòa nhà làm việc của một công ty bởi trông khá hiện đại và đẹp mắt. Các phạm nhân đội trồng trọt đang cần mẫn tưới vườn rau cải sắp đến kỳ thu hoạch. Thấy chúng tôi, họ chào khách với thái độ trân trọng rồi tiếp tục làm việc.

Phạm nhân Bế Tuấn Anh, SN 1992, ở Trùng Khánh, Cao Bằng cho biết, khi mới đến trại, anh ta và các phạm nhân khác được phổ biến, học tập về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; nội quy cơ sở giam giữ; quy định nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử; các tiêu chí chấp hành án phạt tù; được hưởng các chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế; chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động.

“Sau giờ lao động, buổi tối chúng tôi được xem truyền hình, ngày nghỉ được chơi bóng đá, bóng chuyền, đọc sách trong thư viện. Ở đây có rất nhiều sách, tôi thường đọc về chủ nghĩa Mác - Lênin. Nói vậy chắc chị và những người khác sẽ cười, thậm chí không tin nhưng khi ở nhà, còn trẻ, tôi ít có dịp đọc sách này. Lúc đầu, tôi đọc cho vui nhưng càng đọc càng thấm, càng thấy giá trị” – phạm nhân Bế Tuấn Anh cho biết.

Được biết, Bế Tuấn Anh sinh ra trong gia đình cơ bản, bố mẹ đều là công chức nhà nước. Sau khi học đại học ở Hà Nội, Tuấn Anh cưới vợ rồi đưa vợ về Cao Bằng kinh doanh. Có bố làm một Trưởng phòng ở huyện Trùng Khánh, mẹ cũng là công chức, Tuấn Anh đã dễ dàng kiếm những hợp đồng tiền tỷ, thậm chí, hàng chưa giao nhưng tiền đã được thanh toán. Cũng vì kiếm tiền dễ quá nên Tuấn Anh ăn chơi, tiêu tiền không tiếc tay. Sự việc bị bại lộ khi Cơ quan điều tra phát hiện, bố ký hợp đồng mua hàng của con, con chưa giao hàng đã thanh toán tiền, quyết toán. Cả nhà Tuấn Anh gồm bố, mẹ và 2 người là kế toán của huyện đã vướng vòng lao lý. Trong phút chốc, Tuấn Anh mất hết, từ gia đình đến công danh sự nghiệp, đẩy cả bố mẹ vào tù. Chính vì vậy, anh ta chán nản, buông xuôi. Biết hoàn cảnh của Tuấn Anh như vậy, các cán bộ đã động viên, giáo dục, chỉ bảo, Tuấn Anh dần hiểu rằng, chỉ có cải tạo thật tốt mới sớm được trở về với gia đình. Chính vì vậy, Tuấn Anh đã viết thư động viên mẹ (hiện đang thi hành án tại Trại giam Xuân Nguyên), tự hứa với chính mình sẽ nỗ lực làm lại cuộc đời để không còn phải xa con, không để bố, mẹ phải tiếp tục buồn lòng.

Trại giam Vĩnh Quang - nơi có nhiều phạm nhân người nước ngoài đang thi hành án, vào sáng thứ Hai hằng tuần đều tổ chức cho các phạm nhân chào cờ, hát Quốc ca. Chính vì vậy, dù là người nước ngoài, chưa sõi tiếng Việt nhưng họ đều hát Quốc ca Việt Nam rất nhuần nhuyễn, đúng nhạc, đúng lời. Nghe tôi thắc mắc tại sao họ lại có thể hát tròn vành rõ chữ bằng tiếng Việt những bài hát ca ngợi quê hương đất nước Việt Nam như vậy, Thượng tá Tạ Văn Lương, Phó Giám thị cho biết, nhiều người biết nói tiếng Việt.

Không chỉ giao tiếp, họ còn hát, đọc thơ, trình diễn tiểu phẩm… Điển hình như trường hợp phạm nhân Chimechidike Ben, người Nigeria bị án chung thân vì tội mua bán trái phép chất ma túy, đã có hơn 14 năm chấp hành án phạt tù tại Trại giam Vĩnh Quang. Anh ta khá thông minh, dí dỏm khi nói chuyện với chúng tôi. Ben cho biết, anh ta từng học đại học, biết nhiều ngoại ngữ nên sang Việt Nam để buôn bán, xuất khẩu cafe, quần áo từ năm 2008.

Ben lấy vợ người Việt Nam, đi dạy tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ. “Vì tôi nhận vận chuyển hàng hóa nên người ta đưa ma túy vào. Sau khi bị bắt, vợ ly hôn, tôi buồn và tiêu cực lắm. Nhưng các cán bộ đã động viên tôi. Dần dần, tôi lấy lại tinh thần. Tôi cải tạo khá nên hi vọng sẽ được đặc xá. Nếu được đặc xá, tôi sẽ ở lại Việt Nam, bởi đây là quê hương thứ 2 của tôi. Tôi thấy yêu Việt Nam như quê hương của mình”, Ben cho biết. Nhờ lao động, cải tạo tốt, với tinh thần tích cực, Ben đã 2 lần được giảm án, anh ta hi vọng sẽ được đặc xá trong một ngày không xa.

Các phạm nhân người nước ngoài đang tham gia lao động trong trại giam.

Trung tướng Lê Minh Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng cho biết, công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài và quan trọng của lực lượng Cảnh sát Quản lý trại giam. Trong thời gian qua, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, sự phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các bộ, ngành, chính quyền và nhân dân địa phương cùng với sự chủ động, đoàn kết, tích cực phấn đấu, khắc phục khó khăn của CBCS, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện. Theo đó, các đơn vị giam giữ đã thực hiện tốt các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Các phạm nhân được phổ biến thông tin thời sự, chính sách, tổ chức các lớp giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, dạy văn hóa, giáo dục chung, giáo dục riêng, các lớp giáo dục, tư vấn cho phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù…; tỉ lệ phạm nhân có kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù khá, tốt luôn đạt trên 80%. Thông qua các hoạt động giáo dục đã giúp phạm nhân nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt nội quy cơ sở giam giữ, tích cực học tập, lao động để khi có điều kiện được hưởng chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước, sớm được trở về với gia đình, xã hội.

Được biết, quá trình giáo dục cải tạo phạm nhân được chia thành các giai đoạn khác nhau, mỗi giai đoạn là những chương trình giáo dục phù hợp, linh hoạt. Phạm nhân được giáo dục các kiến thức về pháp luật, được giáo dục nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử phù hợp giúp phạm nhân nhận thức rõ hơn điều kiện, hoàn cảnh bản thân, những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng khi chấp hành xong án phạt tù. Có nhiều phạm nhân khi vào các trại giam chấp hành án không biết chữ nên Trại đã tổ chức các lớp học xóa mù, phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện để dạy chữ, cấp chứng chỉ cho phạm nhân. Giáo viên cũng chính là cán bộ giáo dục của trại. Biết chữ, phạm nhân mới hiểu được các nội quy, quy định của pháp luật, được hoàn thiện bản thân mình. Những điều mà trước đây, họ chưa từng biết tới.

Ngoài giờ lao động, học tập, phạm nhân được tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, tham gia các phong trào thi đua do trại giam tổ chức... Các trại giam đã có các mô hình sáng tạo, phong phú, như tủ sách hướng thiện, phát triển văn hóa đọc tại các trại giam và lan tỏa tình thương cảm hóa từ những trang sách; tổ chức cho các phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi, gửi lời cảm ơn tới những người mình yêu thương, được gặp gỡ gia đình. Hằng năm, các trại giam tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân. Theo đó, người nhà các phạm nhân được trại mời cơm, được gặp gỡ, cùng ăn cơm với thân nhân của mình như ở nhà, cùng động viên nhau vượt qua khó khăn để sớm trở về.

Những phạm nhân cải tạo tiến bộ, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được xem xét, đề nghị cho hưởng các chính sách như: Đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù..., qua đó tạo điều kiện cho nhiều người đã từng một thời lầm đường, lạc lối, sớm được trao cơ hội trở về với gia đình, xã hội, làm lại cuộc đời.

Đây được xem như là một dấu ấn mang giá trị nhân văn, phản ánh rõ việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Thực hiện Luật Đặc xá, trong hai năm 2021 và 2022, các trại giam trên toàn quốc đã đặc xá tha tù trước thời hạn cho trên 5.000 phạm nhân, trong đó có 37 phạm nhân quốc tịch nước ngoài.

(còn nữa)

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/nhung-cuoc-doi-phia-sau-song-cua-sat-bai-1--i715841/