Những cuộc cứu nạn đáng nhớ của 'thần hộ mệnh' trên biển

Hình ảnh những thủy thủ và con tàu cứu nạn màu da cam đã trở nên thân thuộc với các ngư dân. Họ cảm mến gọi là 'thần hộ mệnh' giữa biển khơi mênh mông.

Những ngày giáp Tết, bên trong Trung tâm Phối hợp, tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II – Danang MRCC (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) mọi việc vẫn diễn ra như thường ngày. Các thành viên tại trung tâm chia nhau kiểm tra thiết bị cứu nạn, sẵn sàng ra khơi khi có lệnh.

Những cuộc cứu nạn đáng nhớ

Trong cuộc trò chuyện nhiều lần bị ngắt quãng bởi tiếng chuông điện thoại reo, Trưởng phòng phối hợp, tìm kiếm cứu nạn Danang MRCC Hồ Xuân Phong (trú quận Sơn Trà) điểm lại những cuộc cứu nạn đáng nhớ trong suốt quá trình làm nghề.

Hơn 20 năm gắn bó với đơn vị, anh Phong đã cùng đồng đội vượt hàng nghìn hải lý, cứu sống hàng nghìn người. Kỷ niệm nghề gắn liền với anh là những cuộc “hành quân” thần tốc trên biển, tranh thủ từng giây phút để giành giật mạng sống cho ngư dân. Theo anh, trong quá trình cứu nạn nếu thiếu kỹ năng, dũng cảm và quyết đoán thì sẽ thành “họa”.

Các thủy thủ vượt sóng lớn cứu ngư dân gặp nạn bất kể thời điểm nào

Anh kể, vào năm 2017, đơn vị nhân thông tin tàu cá Quảng Bình chở 6 thuyền viên bị chìm trên vùng biển tỉnh Quảng Trị, không còn thông tin liên lạc. Ngay lập tức tàu cứu hộ nổ máy, di chuyển tốc độ nhanh nhất để tiếp cận cứu các ngư dân.

“Khi chúng tôi ra đến vị trí tàu gặp nạn thì trời cũng vừa tối rồi, không còn thấy dấu vết tàu cá gặp nạn. Phán đoán tình hình, thuyền trưởng quyết định cho tàu chạy chếch hướng, tầm 30 phút sau thì phát hiện 5 thuyền viên đang ngồi trong một chiếc thúng chai thả trôi, kéo theo 1 người ngồi trên miếng xốp trôi lênh đênh giữa thời tiết sóng rất lớn.

Chúng tôi tiếp cận, đưa các thuyền viên lên tàu cứu hộ, những người này ôm nhau khóc như mưa khi thoát được lưỡi hái tử thần”, anh Phong nhớ lại.

Hay mới đây, vào tháng 9/2022, khi đang chuẩn bị dùng bữa trưa tại đơn vị, anh nhận được thông tin tàu CHINA BOARD 1 (quốc tịch Panama) di chuyển đến gần khu vực biển tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thì bị hỏng máy chính, trôi dạt dưới thời tiết xấu do chịu ảnh hưởng bởi bão số 4 (NORU). Tàu chở theo 5 thuyền viên người Việt Nam và 9 người Trung Quốc.

Trưởng phòng phối hợp, tìm kiếm cứu nạn Danang MRCC Hồ Xuân Phong người có hơn 20 năm gắn bó với công việc cứu nạn trên biển

Trên đường di chuyển, tàu cứu nạn đi trúng vào vùng tập trận của tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong điều kiện thời tiết xấu, tàu phải đi đường vòng để tránh ảnh hưởng, cố gắng tiếp cận tàu bị nạn nhanh nhất có thể.

“Sau đó, chúng tôi đã kịp cứu thành công 14 thuyền viên này. Sau vụ này, đơn vị cũng nhận được bằng khen của tỉnh Thừa Thiên - Huế”, anh Phong kể.

Hay cách đây hơn 2 năm, anh Phong cùng đồng đội bất chấp hiểm nguy, thậm chí có thể hy sinh tính mạng, lao ra vùng sóng dữ ở Cửa Việt (Quảng Trị) tiếp cận tàu bị nạn Vietship 01 mắc cạn, cứu sống 4 người.

Mưa bão, sóng to, chúng tôi đều sẵn sàng...

Với thuyền trưởng Trần Quang Thanh, tàu SAR 412 là “người bạn” đồng hành cùng ông trong suốt những năm tháng vượt sóng, đón gió trên biển. Mỗi chuyến ra khơi cứu nạn không chỉ là kỷ niệm mà ở đó còn khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Dù đối mặt với bao hiểm nguy, vất vả, nhưng ông Thanh cùng đồng nghiệp luôn tự hào về công việc của mình, nhất là khi công việc ấy là điểm tựa vững chắc của ngư dân. Họ luôn nhắc nhớ khẩu hiệu “tàu là nhà, biển là quê hương”, “tính mạng con người là trên hết”.

Những thủy thủ áo màu da cam và tàu cứu hộ được ngư dân ví như thần hộ mệnh bảo vệ họ yên tâm bám biển

“Đối với thủy thủ trên tàu cứu nạn, tính mạng của người đi biển luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nên, khi nhận được tín hiệu cấp cứu, thì dù là trong đêm khuya, lễ tết, hay thời tiết mưa bão, sóng to, chúng tôi đều sẵn sàng vượt sóng ứng cứu. Với ngư dân khi thấy con tàu cứu hộ màu cam xuất hiện đó chính là thần hộ mệnh để họ yên tâm bám biển”, ông Thanh tâm sự.

Hơn 10 năm cứu nạn, anh Võ Văn Trường (quê Nghệ An) không có một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Số lần anh về quê ăn Tết chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Trường cho biết, các thuyền viên ở đây một năm chỉ có thời gian nghỉ phép. Còn tất cả các Chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ vẫn trực, làm việc bình thường.

“Việc cứu nạn nếu chậm một phút sẽ phải trả bằng mạng người. Các anh em trong đơn vị luôn đảm bảo túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, ngày lễ tết cũng như thế.

Mỗi năm cứu hàng trăm thuyền viên trong và ngoài nước

Trong năm đầu nhận nhiệm vụ, Tết không được về quê mình buồn lắm nhưng giờ thành quen rồi. Năm mới chỉ biết gọi điện chúc Tết ba mẹ sức khỏe, ra năm rồi xin nghỉ phép về bù. Công việc khó khăn, rất nhiều ngư dân cần mình”, anh Trường nói.

Tết không vì thế mà trở nên lạ lẫm, những người lính cứu nạn tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II vẫn mua bánh mứt, tổ chức đón giao thừa trên tàu.

Theo ông Bùi Tân Nguyên - Giám đốc Danang MRCC cứu nạn trên đất liền đã khó, nhưng cứu nạn giữa trùng khơi còn khó khăn gấp trăm ngàn lần, đặc biệt trước sóng to, bão lớn. Mỗi năm trung tâm đã cứu hàng trăm thuyền viên trong và ngoài nước.

“Cứ dịp đầu năm mới, anh em thủy thủ đều tập trung trên tàu cùng nhau đón giao thừa. Các thuyền viên sau khi đón chờ khoảnh khắc năm mới, chúc tụng nhau vài câu rồi lại tập trung nhiệm vụ, sẵn sàng cho nhiệm vụ cứu nạn bất kể ngày đêm. Với chúng tôi, đón Tết đầm ấm, hạnh phúc là khi ngư dân luôn bình an...”, ông Nguyên tâm sự.

Hồ Giáp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nhung-cuoc-cuu-nan-dang-nho-cua-than-ho-menh-tren-bien-2101154.html