Những cuộc chơi mang tên 'thần chết'

Một bộ phận không nhỏ người trẻ bây giờ chọn lối sống sẵn sàng bước vào những cuộc vui nguy hiểm, mà ở đó họ phải trả một cái giá rất đắt. Họ biết rõ thuốc lắc, nước vui, cỏ Mỹ (một loại ma túy tổng hợp) tai hại ra sao, sẽ làm thần kinh ảnh hưởng như thế nào... nhưng vẫn lao vào. Một trò chơi mang tên 'thần chết'.

“Bóng ma” mê dụ người trẻ

Để thực hiện bài viết này, tôi đã liên hệ với Q.C. (27 tuổi, quê Bình Phước, ngụ Q.4, TP Hồ Chí Minh) một dân chơi “đập đá”, từng bị ngộ độc ma túy phải điều trị một thời gian dài trong bệnh viện và cũng từng đi trại cai nghiện. Trở về làm người tử tế, Q.C. đang cố gắng để hòa nhập, nhưng quá khứ “thác loạn” với những cơn phê “xì ke, đập đá” vẫn còn rất ám ảnh anh ta. Tuy nhiên, hệ lụy để lại cho C. nặng nề hơn cả chính là tàn tích của vụ ngộ độc chất kích thích cách đây gần hai năm. C. thỉnh thoảng rơi vào trạng thái lo âu, sợ hãi, thường xuyên mất ngủ. C. đã phải tìm đến bệnh viện tâm thần để điều trị.

Cô gái ngộ độc “nước vui” đang được cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất, TP Hồ Chí Minh

Sau khi trở về từ cõi chết, Q.C. không không dám qua lại với chúng bạn ăn chơi ngày trước. C. cũng ngại ra ngoài tiếp xúc với xã hội. “Em luôn có cảm giác mặc cảm, không tự tin, luôn sợ người ta biết được quá khứ của mình rồi họ sẽ cười chê, dè bỉu”, C. chia sẻ.

“Nhưng cứ thu mình mãi trong căn gác trọ, anh sẽ rơi vào trầm cảm, cô độc, anh sẽ héo rũ trong chính sự sống của mình”, đó là lời khuyên của bác sĩ tâm lý khi điều trị bệnh thần kinh cho C. Cuối cùng, C. đã tự đứng lên, anh đăng ký làm xe ôm công nghệ. Tuy cuộc sống không khá giả nhưng C. đã tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, biết quan tâm và lo lắng cho gia đình nhiều hơn.

Một nhân vật khác trong cuộc chơi “thần chết” này phải kể đến là M.L. (26 tuổi, quê Bình Thuận, ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Tôi biết L. từ hơn 3 năm trước khi thực hiện bài viết về nghề DJ (người chơi nhạc sàn). Với đặc thù công việc thường xuyên chơi nhạc ở các quán bar, vũ trường, M.L. biết rõ nhiều ly rượu mà khách mời cô uống có chất kích thích trong đó, nhưng vẫn phải uống. Quen dần, mỗi lần chơi nhạc, nếu có chất kích thích thì L. “phiêu” hơn trong những bản nhạc và rồi cô bị nghiện lúc nào không hay.

Trong một đêm giữa tháng 10/2022, M.L. đã uống rất nhiều rượu, cô chơi nhạc bốc lửa và điên cuồng hơn. Nhưng rồi khi tiếng nhạc sàn chưa kịp tắt, M.L. choáng váng, chân đứng không vững và bắt đầu lên cơn nôn dữ dội. Cô ngã nhào xuống sàn và được nhân viên dìu vào phía trong. Những tưởng chỉ là cơn “phê” chóng vánh, khi hết thuốc sẽ trở lại trạng thái bình thường. Nhưng lần này, L. đã “ngậm” quá nhiều chất kích thích khiến cô bị ngộ độc. L. nằm bất động trên băng ghế, nước bọt trào ra khỏi miệng. Cảm thấy tình hình không ổn, quản lý đã cho người chở cô đến bệnh viện.

Dấn thân vào chốn “đèn mờ”, nhiều cô gái chấp nhận vui hết mình với những cuộc chơi nguy hiểm

L. được cấp cứu kịp thời nhưng biến chứng phù phổi và loạn nhịp tim rất nghiêm trọng, cô phải điều trị dài ngày. Một mình ở thành phố, không người thân thích, chúng bạn cũng chỉ lui tới thăm nom được vài lần. M.L. không còn cách nào khác phải cầu cứu mẹ ở Bình Thuận vào chăm sóc. Trải qua hơn một tháng trong bệnh viện, mẹ L. đưa cô trở về quê dưỡng bệnh và muốn con gái cách ly với thế giới “đèn mờ” về đêm. Bẵng đi thời gian, dịp Tết năm 2024 vừa qua, M.L. gọi điện cho tôi mời mua quà Tết do tự tay cô làm. L. cho biết, sau khi sức khỏe ổn định, cô quay trở lại TP Hồ Chí Minh mở một quán ăn vặt gần làng đại học ở TP Thủ Đức. Nhờ khéo tay lại chăm chỉ, L. kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Tết về, cô làm giỏ quà để bán thêm, cũng kiếm được chút tiền về quê biếu cha mẹ.

Nhắc đến những ngày “bán mình” trong bóng đêm, làm bạn với âm thanh chát chúa cùng các loại chất kích thích, M.L. cảm thấy rùng mình sợ hãi. “Nhưng nếu không có vụ ngộ độc suýt chết ấy thì cuộc đời em không biết sẽ đi về đâu, còn sống hay đã chết vùi xác lúc nào rồi”, M.L. tâm sự.

Tuy nhiên, không có quá nhiều những chàng trai cô gái trẻ như Q.C. hay M.L. có thể từ bỏ được những cuộc chơi về đêm chứa đầy hiểm nguy như thế. Không ít giới trẻ bây giờ, dù hiểu rất rõ tác hại của chất kích thích như: Nước vui, cỏ Mỹ, cần sa, bóng cười, nhưng họ vẫn lao thân vào, chỉ bởi đó là thú tiêu khiển mà họ ưa thích.

Cần sa, một loại ma túy nguy hiểm đang trà trộn vào cuộc sống của giới trẻ

Từ nhiều năm nay, các bệnh viện liên tục cấp cứu, điều trị cho những ca ngộ độc chất kích thích. Gần nhất vào chiều 28/2/2024, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận và cấp cứu hai bệnh nhân ngộ độc chất kích thích nặng sau khi tham gia tiệc tùng vui vẻ. Trường hợp thứ nhất là chị N.Y (23 tuổi, ngụ Quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), sử dụng một loại "nước vui" trong một bữa tiệc sinh nhật.

Hai tiếng sau sử dụng, bệnh nhân bị nôn ói, hôn mê, được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp. Các bác sĩ đã đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị nâng đỡ. Người thứ hai cũng đưa vào viện cấp cứu vào tối 27/2 do ngộ độc thuốc lắc là ông H.D (50 tuổi, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh). Sau cuộc nhậu, ông D. đi “ca 2” tại một quán bia. Tại đây, sau khi sử dụng thuốc lắc, ông D. lừ đừ, được đưa đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với Amphetamin trong thuốc lắc. Bệnh nhân được điều trị triệu chứng, bù nước, thở ôxy, theo dõi dấu hiệu sinh tồn. BS Hoàng Ngọc Ánh, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Thống Nhất cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận nhiều ca ngộ độc cấp cứu do sử dụng chất kích thích như ma túy, thuốc lắc, “nước vui”.

Tác hại khôn lường khi ngộ độc chất kích thích

Không chỉ giới trẻ thích khám phá cảm giác mạnh từ các loại chất kích thích, vào năm 2023, tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh), hai học sinh nam sinh lớp 9 đã hút “cỏ Mỹ” bên ngoài nhà trường và bị sốc phải đi cấp cứu. Sự việc đã gióng lên hồi chuông báo động về các loại chất kích thích đang tràn lan trên thị trường, len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, mê dụ, lôi kéo người trẻ có xu hướng sống thoáng, quan niệm “thử một lần cho biết” cảm giác mạnh. Ngộ độc chất kích thích, dù chủ động hay chỉ là tai nạn đều thật sự nguy hiểm.

Bóng cười là một loại chất kích thích, nếu sử dụng nhiều có thể gây ngộ độc

Vào cuối năm 2023, sự việc ba người phụ nữ làm nghề tạp vụ ở TP Thủ Đức bị ngộ độc khi ăn một loại bánh giống bánh quy mà khách để lại trên bàn đã gây bàng hoàng xã hội. Sau khi ăn ít phút, cả ba người đều có triệu chứng lơ mơ, mất kiểm soát, có dấu hiệu bị ngộ độc nên được mọi người đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu. Thực hiện các xét nghiệm, kết quả của cả ba người đều cho thấy dương tính với chất ma túy dạng cần sa. Vụ việc sau đó được Công an TP Thủ Đức vào cuộc điều tra, xác minh. Qua kiểm tra hiện trường, công an phát hiện có khoảng 40 vỏ bong bóng, nhiều loại đồ ăn, thức uống và bánh giống bánh quy.

Đây là một tai nạn, ba người phụ nữ hoàn toàn không biết trong thứ bánh mình ăn có chứa chất kích thích từ một cuộc chơi trước đó. Họ đã được cấp cứu kịp thời, tinh thần ổn định, sức khỏe nhanh chóng hồi phục. Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, ngộ độc chất kích thích nhẹ sẽ hồi phục sức khỏe nhanh chóng và trở lại trạng thái tinh thần bình thường. Riêng với người lạm dụng chất kích thích thường xuyên, khi sử dụng quá liều, người bị ngộ độc sẽ có các biểu hiện: kích động, rét run, nhịp tim nhanh, lú lẫn, ảo giác, mệt mỏi, tăng hoặc giảm huyết áp, buồn nôn, nôn, đau bụng, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong...

Theo thống kê mới nhất, trong số 95% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp có tới 70% đến 75% là giới trẻ, học sinh, sinh viên (độ tuổi từ 17 - 35 tuổi). Một số dạng ma túy mới, đã gây ra các tác hại không nhỏ đến sức khỏe của các em học sinh, sinh viên như chóng mặt, buồn nôn, ngất xỉu… Từ đó có thể thấy học sinh, sinh viên là những đối tượng mới lớn, đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, thích trải nghiệm những cái mới và muốn thể hiện bản thân nhanh chóng trở thành mục tiêu mà tội phạm ma túy hướng tới.

Những cuộc chơi về đêm với âm thanh, ánh sáng và chất kích thích luôn thu hút giới trẻ thích khám phá cảm giác mạnh

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, hình thức ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước uống... đã xuất hiện ở nước ta từ lâu nhưng thời gian gần đây loại ma túy này nở rộ. Nguyên nhân các loại ma túy núp bóng hấp dẫn giới trẻ do mẫu mã rất bắt mắt và mùi vị quyến rũ. Đặc biệt, chúng đánh vào tâm lý của các em 12-13 tuổi, học cấp 2-3, là lứa tuổi thích khám phá, tìm tòi và muốn thể hiện mình. Người sử dụng các loại ma túy này sẽ bị kích thích thần kinh gây ảo giác, thậm chí là tử vong do bị ngộ độc. Bản chất các loại “nước vui” này là ma túy đá, ketamin, tinh cần sa… được phối trộn thêm hương liệu trái cây rất thơm nên nhiều trường hợp uống quá liều gây đột tử, nhẹ thì kích thích thần kinh gây ảo giác, ảnh hưởng đến tim mạch.

Về nguồn ma túy, được nhập khẩu chủ yếu từ nước ngoài, đưa vào Việt Nam dưới dạng tinh dầu, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử… Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Công an các địa phương đã phát hiện và thu giữ nhiều loại ma túy núp bóng này.

Ngọc Hoa

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/nhung-cuoc-choi-mang-ten-than-chet-i724714/