Những cử nhân bằng đỏ nhọc nhằn đi 'mua việc'

Người ta nói vui, giờ hết thời đi xin việc rồi, phải đi "mua" việc mà làm, tức là phải mất tiền. Ấy vậy nhưng, "mua việc" cũng đâu phải dễ dàng gì. Những cử nhân bằng đỏ trong bài viết này gặp phải bi kịch đó.

Các công nhân đứng trò chuyện trước công Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương)

Ba lần ám ảnh

Nhìn cô con gái cầm bằng tấm Đại học Ngân hàng loại giỏi đỏ chót trong tay, ông Hoàng Đăng Quân (*), xã Thái Tân (huyện Nam Sách, Hải Dương) thấy lo hơn là mừng vui.

Ông thở dài, lo tiền học hành đã khó, học xong rồi, tiền xin việc giờ lấy đâu ra. Biết bao giờ, “nghĩa vụ” này mới hoàn thành đây?

Gia đình ông Quân có ba người con, tuổi sàn sàn nhau. Vậy nên, đứa lớn học năm 2 đại học thì đứa giữa ngấp nghé vào năm nhất. Vừa vui mừng đứa thứ 2 thi đỗ đại học, đứa út lại sắp bước vào năm cuối cấp phổ thông. Xong đâu đấy, ông Quân lại được địa phương cử đi học thêm lấy bằng luật, về giúp việc chính quyền.

Ông Quân tếu táo, nhà có 5 người thì 4 cử nhân, còn vợ tôi thì một mình cày cuốc, lo toan tất cả. Ba đứa con học đại học đã là một gánh nặng, nay lại thêm một “ông” cử nhân tóc lấm tấm hoa sương.

Ông Quân nhẩm tính, mỗi tháng gửi cho con 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Trung bình một năm học, mỗi đứa “ngốn” của vợ chồng ông khoảng hơn 30 triệu đồng.

Nhà ông Quân trồng 1,5 mẫu ruộng, số thóc thu được không thấm so với chi phí cho con học hành. Toàn bộ học phí hằng tháng, gia đình ông Quân làm đơn xin vay quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

Con gái cả gia đình ông Quân học chuyên ngành điện tử, sau bốn năm cũng ra trường với tấm bằng loại Khá. Chưa kịp thở phào vì hoàn thành “nghĩa vụ”, ông lại vắt tay lên trán lo “chạy” việc cho con. Con gái ông cũng tự cầm bằng, chạy ngược xuôi khắp cái đất Thủ đô những vẫn… không ăn thua. Về Hải Dương, đến lượt ông, cơm đùm, cơm nắm đi nhiều nơi, gõ cửa nhiều cơ quan, đơn vị nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.

“Bố mẹ nào chẳng thương con, kẹt nỗi nghèo, làm gì có tiền mà xin việc. Tiền ăn học, ở trọ hằng tháng còn phải đi vay, trong nhà nhiều khi tiền mặt không có nổi vài triệu nấy đâu ra mấy chục, mấy trăm”, ông Quân than phiền.

Nuốt nước mắt vào trong, cất tấm bằng vào chiếc balo cũ, con gái ông Quân xin vào làm công nhân ở một KCN thuộc huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Mỗi tháng, cả tăng ca, công ty cũng chỉ trả mức lương 3 triệu đồng.

Ông Quân bảo, biết làm sao được, lương lậu thế chỉ mong nó đủ ăn là tốt lắm rồi, có dư ra thì để làm vốn. Vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ nó phải cho chúng tôi cái gì”.

Đến lượt cậu con trai thứ 2 ra trường, “chạy” việc tiếp tục là nỗi ám của vợ chồng ông Quân. Cậu thứ 2 tốt nghiệp ngành luật, cũng bằng khá, chẳng kém người chị. Cả nhà có mỗi thằng con trai, chẳng lẽ lại để nó về làm công nhân. Nhiều đêm, vợ chồng ông Quân lo lắng đến mất ngủ.

Suy nghĩ mãi, ông Quân mới nhớ ra, bên đằng ngoại có một ông anh cũng làm khá to trong ngành luật. Ông Quân liền gọi điện đánh tiếng nhờ “chạy” việc cho con trai. Người anh kia gật đầu. Ông Quân đôn đáo khắp nơi vay tiền.

Cuối cùng, con trai ông cũng xin được vào một cơ quan ở Hà Nội với thu nhập ổn định. Ông Quân bảo, cũng trầy trật lắm, những bây giờ cũng coi như là ổn. Tuy đặc thù công việc, nó ít về thăm nhà, nhưng ai nấy đều thấy mừng.

Giờ tan ca tại nhà máy thuộc KCN Cẩm Giàng (Hải Dương)

Nói rồi, ông Quân lại kể tiếp chuyện cô con gái út tên Hoàng Minh Thuận. Thuận học giỏi nhất nhà, thi đỗ thừa điểm vào Đại học Ngân hàng, Khoa Quản trị -Tài chính. Ngày cầm giấy báo nhập học, cả làng, cả xã đến chia vui, lấy đó làm niềm hãnh diện.

Ra trường, Thuận tự tin cầm tằng bằng loại Giỏi đỏ chót trên tay đi xin việc. Nhưng đến đâu, trước mắt cô gái trẻ cũng là một cánh cửa im lìm. Thuận thẫn thờ trở về quê với tấm bằng trên tay. Suốt một năm sau đó, nhiều lần ông Quân cùng con gái đi khắp nơi dò hỏi xin việc nhưng đều bất thành.

Quá chán nản, Thuận xin vào làm công nhân lắp ráp chíp điện tử ở KCN Nam Sách. Làm quần quật từ 8h sáng đến 8h tối cũng chỉ nhận được số tiền hơn 3 triệu đồng/tháng.

“Mãi rồi nó cũng quen, chứ lúc đầu đi làm nhìn nó như người mất hồn. Vợ chồng tôi thương con đến phát khóc, nhiều đêm trăn trọc không ngủ nổi mà đành chịu”, ông Quân giọng buồn rười rượi.

Ra đi để trả nợ

“Nói ra thì buồn, nhưng đúng là con em trong xã bây giờ học đại học, cao đẳng ra trường đi làm công nhân ở các khu công nghiệp rất nhiều. Nhiều nhà còn nợ ngân hàng, nợ anh em rất nhiều nhưng vì tự ái, họ giấu biệt. Ngay cả cán bộ xã, nhiều con em tốt nghiệp đại học bằng Giỏi, không xin được việc vẫn phải đi làm công nhân thôi”, ông Hoàng Ngọc Hưởng, Chủ tịch UBND xã Thái Tân chia sẻ.

Bi đát hơn cả gia đình ông Quân, nhà bà Trần Thị Mạnh, thôn Thượng, xã Thái Tân có ba người con đều tốt nghiệp đại học nhưng tất cả đều không xin được việc. Nợ chồng nợ, nợ từ ngân hàng cho tới anh em, họ hàng. Đến mức, cô con gái út phải bỏ quê hương, đi xuất khẩu lao động Đài Loan kiếm tiền gửi về trả nợ.

Ở thôn Thượng, gia đình bà Mạnh từng là điểm sáng, là tấm gương về sự hiếu học cho dân làng. Giờ thì, ngay chính bà Mạnh lại coi đó là một nỗi buồn, chẳng dám tỏ cùng ai. Người con trai cả sinh năm 1986, tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tử.

Hai năm trời, anh này đi lại Hà Nội, xuống cả Hải Phòng biết bao lần những vẫn không tìm được việc. Cuối cùng xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương), mức lương 4 triệu đồng/tháng.

Cô con gái thứ hai sinh năm 1988, học chuyên ngành Kỹ thuật dệt may cũng trầy trật xin việc khắp nơi nhưng đều bị từ chối. Cất tấm bằng đại học, cô cử nhân đại học xin vào làm công nhân ở khu công nghiệp Tân Trường (Cẩm Giàng - Hải Dương). Với tấm bằng cấp ba,vị trí công nhân may chỉ được trả 3,5 triệu đồng/tháng.

Bà Mạnh rưng rưng kể, đứa con gái út tên Thanh, học ngành Kế toán sinh năm 1990, thấy “gương” anh chị, nhiều lần có ý định bỏ học đi làm, vì đằng nào cũng thất nghiệp.

Tấm biển tuyển lao động luôn được trưng tại các khu công nghiệp

Năm 2012 tốt nghiệp, sang đầu năm 2013, Thanh bàn với bố mẹ sẽ đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan kiếm tiền trả nợ. Số tiền gia đình bà Mạnh vay cũ của ngân hàng gần 200 triệu, chưa kể vàng, tiền mặt vay của người quen nay lại cộng thêm gần 150 triệu cho Thanh đi Đài Loan. Kinh tế gia đình kiệt quệ.

Thương con lắm, nhưng gia đình bà Mạnh vẫn phải để Thanh ra đi theo ý nguyện. Bà Mạnh bảo, nhiều lúc cảm thấy có lỗi với con lắm, lo cho chúng ăn học tử tế, ra trường lại để chúng vật vờ đi làm công nhân, lương ba cọc ba đồng chẳng đủ sống. Đứa thì tha hương hàng vạn cây số, kiếm tiền trả gánh nợ cho anh chị, bố mẹ. Bà Mạnh than rằng, cũng bởi bố mẹ nghèo nên con cái mới khổ.

Ngoài gia đình ông Quân, bà Mạnh, gia đình ông Tấn (cùng xã Thái Tân), nhà hai con gái đều cử nhân đại học nhưng rồi cũng “đầu quân” cho các khu công nghiệp. Vài năm thì cũng lấy chồng, sinh con. Ông Tấn vốn là thợ mộc, nhưng nay sức khỏe yếu đành ở nhà quanh quẩn ao vườn.

“Đứa con gái đầu nhà tôi học sư phạm tiểu học, ra trường bằng giỏi hẳn hoi. Tôi cầm tấm bằng của nó đi xin việc khắp nơi từ xã cho tới huyện nhưng chỗ thì đủ người, chỗ thì đòi hỏi abc… Cũng chỉ vì tôi không có tiền nên chúng phải đi làm công nhân!”.

* Theo yêu cầu, nhân vật trong bài đã được đổi tên

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-cu-nhan-bang-do-nhoc-nhan-di-mua-viec-post168286.html