Những cống hiến thầm lặng

Cũng như bao ngành nghề khác trong xã hội, ngành điện luôn nhận được sự quan tâm bởi đối tượng tác động và những hoạt động mang tính đặc thù. Vậy nhưng ít người biết đến sự gian lao vất vả của những người thợ điện để có được ánh điện thắp sáng trong mỗi ngôi nhà.

 Vượt suối, băng rừng sửa điện cho dân

Vượt suối, băng rừng sửa điện cho dân

Một lần tôi cùng Phó Giám đốc Điện lực Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cùng đoàn công tác của Tổng Công ty Điện lực miền Trung vào đóng điện cho người dân ở thôn Trỉa, xã Hướng Sơn (Hướng Hóa). Trỉa là thôn cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được cấp điện trong chiến lược “xóa bản trắng điện” của ngành điện tỉnh nhà. Đường vào thôn Trỉa mùa mưa lầy lội nhão nhoét. Từ trung tâm xã Hướng Sơn phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ mới vào đến thôn Trỉa. Ăn vội bát mì tôm lót dạ trước lúc đóng điện, những công nhân trong ngành điện đã sẵn sàng nhập cuộc. Lúc ánh điện sáng lên thì người dân vỡ òa niềm vui nhưng để có được niềm vui đó ngành điện đã vượt qua bao khó khăn thử thách.

Anh Thái Tăng Đạo ở Điện lực Khe Sanh lưng ướt đẫm mồ hôi kể lại: “Gian khổ nhất là việc vận chuyển vật tư thiết bị vào tận nơi bởi giao thông cách trở. Vật tư phải “tăng bo” từng chặng giữa đường rừng nên đoạn nào xe đi được thì đi nếu không anh em công nhân phải mang vác nên vất vả lắm”. Sau nhiều lần vượt rừng đến với người dân thôn Trỉa để lắp đặt thiết bị đóng điện, anh Đạo cũng như nhiều công nhân ngành điện đã quen thuộc từng lối mòn, gần gũi với người dân nên sự thân thiện hợp tác giữa các bên đã góp phần tháo gỡ những khó khăn mà công nhân ngành điện phải đối mặt. Sau niềm vui có điện của người dân thôn Trỉa là chặng đường trở về mà tôi không thể nào hình dung được và chỉ mong muốn chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời. Vượt hơn 15 km đường rừng lầy lội bùn đất giữa đêm khuya giá rét là hành trình “vượt ải” mà trong đoàn chúng tôi chưa có ai một lần trải nghiệm. Cứ mỗi bước chân đặt xuống lòng đường là phải mất vài giây để nhấc chân lên, đoàn người mò mẫm đi trong đêm tối dưới ánh sáng lờ mờ từ những chiếc điện thoại cầm tay. Một bên là cây rừng rậm rạp, một bên là vực sâu và phải vượt qua không ít những thác nước tràn qua đường đầy hiểm nguy nếu lỡ trượt chân là bị cuốn ngay xuống vực. Đó là chưa nói đến những mối nguy hại khác như thú rừng, rắn rết tấn công…

Dẫu biết mạng sống của mình là quan trọng nhất nhưng thực tế công việc của những người thợ điện lại không lường trước được những hiểm nguy đang rình rập ở phía trước. Ngoài các yếu tố nguy hiểm về điện, các anh còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác mà đôi khi chỉ một sơ suất nhỏ là đánh đổi cả tính mạng của mình. Vậy nên ngoài việc luôn đảm bảo những quy định, quy trình an toàn điện, mỗi người luôn trang bị cho mình những kinh nghiệm riêng để bảo vệ bản thân.

Tôi đã cùng những người thợ điện rong ruổi trên nhiều tuyến đường, ngõ xóm xử lí sự cố trong đợt nắng nóng kéo dài hay mưa bão mới thấm thía hết những gian nan, vất vả mà các anh đã trải qua. Bất kể lúc nào, dù sáng sớm hay đêm khuya, dù là ngày thường hay lễ tết, khi có tin báo khách hàng bị mất điện hay sự cố đường dây hoặc trạm biến áp là các anh nhanh chân lên đường. Gian khổ nhất là ở những địa bàn miền núi xa xôi cách trở như vùng Lìa (Hướng Hóa) hay Tà Rụt, A Vao (Đakrông). Anh Trần Văn Tuấn, Đội trưởng Đội quản lí điện tổng hợp A Túc đã có lần kể cho tôi nghe những hiểm nguy mà anh em công nhân trong đội phải vượt qua trong những lần đi xử lí sự cố điện cho người dân trong mùa mưa bão bởi không chỉ vượt đường xa mà phải đối mặt với nhiều hiểm nguy khác. Anh Tuấn nhớ nhất là lần xử lí sự cố mất điện do bão cho mấy hộ ở dân nằm ở bên kia sông Sê pôn mùa nước lũ. Vì không thể để người dân thiếu điện lâu ngày nên anh em phải nhanh chóng khắc phục. Nhưng để qua được khúc sông anh em phải bám vào một sợi dây thừng ngâm mình trong nước lũ để kéo sang bờ bên kia. Nguy hiểm là thế bởi chỉ cần tuột tay hay đứt dây là công nhân đó trôi theo dòng nước lũ. Khi qua được khúc sông thì công việc tiếp theo cũng không kém phần gian khó là tìm kiếm, xác định vị trí gây ra mất điện trong hệ thống đường dây và trạm biến áp. Thế là công nhân phải lần mò từng đoạn dây giữa rừng sâu, vực thẳm để nhanh chóng sửa chữa, kịp thời cấp điện trởi lại cho người dân.

Có thể nói những người thợ điện lúc nào cũng sẵn sàng, khẩn trương vì sự an toàn, thông suốt của dòng điện. Cho dù công việc có nhiều khó khăn, vất vả và hiểm nguy nhưng những người thợ điện luôn hăng say nhiệt huyết với công việc, luôn tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc của mình khi hoàn thành công việc, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng quê hương.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=143045