Những cơn mưa ám ảnh

Một tác phẩm văn chương đích thực thể hiện trước hết ở việc tạo ra sự ám ảnh trong tâm trí người đọc. Tiểu thuyết Mưa đỏ (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016) của Chu Lai có thể chưa vươn tới những biểu trưng văn hóa nhưng đã thành công ở phương diện văn chương.

Lấy bối cảnh cuộc chiến đấu dữ dội và khốc liệt trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, Chu Lai đã tái hiện một phần lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước oai hùng của nhân dân và quân đội ta. Tên tiểu thuyết là ẩn dụ ám ảnh “mưa đỏ” khiến người đọc liên tưởng những cơn mưa máu của những người con ưu tú hy sinh thân mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nội dung tiểu thuyết mang tính thời sự, như nhắc nhở những người đang sống rằng, lịch sử vẻ vang của dân tộc ta hôm nay được thế hệ đi trước viết lên và tô thắm bằng máu của họ. Dòng sông Thạch Hãn đỏ mầu phù sa hay đỏ một mầu máu chảy từ 81 ngày đêm? Trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, dân tộc này từng có bao nhiêu sự kiện như ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972?... Sự kiện ấy không chỉ đi vào lịch sử dân tộc ta mà còn đi vào lịch sử của các cuộc chiến tranh giải phóng của nhân loại, để khẳng định chủ nghĩa anh hùng cách mạng là vô địch, sức mạnh ý chí của một dân tộc yêu hòa bình, chính nghĩa sẽ làm nên mọi chiến thắng.

Chu Lai từng là người lính trực tiếp cầm súng. Văn hay nhờ trái tim và vốn sống, dĩ nhiên cả tài năng nữa, điều ấy có thể đúng với nhà văn chuyên về tiểu thuyết sử thi, với các tác phẩm Nắng đồng bằng (1978), Ăn mày dĩ vãng (1991), Phố (1992), Ba lần và một lần (1999), Cuộc đời dài lắm (2001), Khúc bi tráng cuối cùng (2004),... và Mưa đỏ (2016). Người lính đặc công nước Chu Lai xưa đã giúp nhà văn Chu Lai nay miêu tả thật sinh động hình ảnh anh lính thông tin giữa dòng Thạch Hãn nối hai đầu dây điện thoại bị đứt. Không đủ chiều dài dây để nối anh đã “quyết định đưa hai đầu dây vào giữa hai hàm răng, nghiến chặt để tạo thành sự liền mạch, thành mối nối qua thân thể… Một trái pháo nổ gần, toàn thân anh tung lên, dập xuống nhưng răng vẫn không rời mối dây” (Mưa đỏ). Đó chỉ là một trong vô vàn những tấm gương chiến đấu anh dũng đến giây phút cuối cùng: chiến sĩ Hải một mình đánh nhau với cả đại đội hắc báo; anh lính mới tênTú mới 16 tuổi, đang học phổ thông đã xung phong vào chiến trường... Vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, Tú cùng đồng đội đánh giáp lá cà đẩy lui cả đội hình tập kích của quân địch. Là Cường - chàng trai hào hoa đất Hà thành vào bộ đội khi đang học năm thứ tư Nhạc viện, trong hoàn cảnh bố vừa mất và người anh trai hy sinh ngay từ những ngày đầu đánh giặc Mỹ. Tạm gác cơ hội đi du học ở Nhạc viện Trai-cốp-xki, từ bỏ giấc mơ sẽ trở thành nhạc sĩ, Cường muốn “được làm một người lính thực thụ ngoài chiến hào”. Tiểu thuyết kết lại bằng sự hy sinh anh dũng của Cường; trang sách cuối cùng tuy khép lại nhưng ý nghĩa của cuốn sách lại mở ra, nhức nhối: để có ngày độc lập hôm nay đã có biết bao chiến sĩ dũng cảm và trong sáng như vậy nằm xuống? Đó là những bi kịch nhân văn, khi cái chết cao cả gieo mầm cho sự sống, cho độc lập tự do của xứ sở và mầm thiện trước nguy cơ một bộ phận giới trẻ có xu hướng lãng quên quá khứ.

Chảy suốt trong tiểu thuyết Mưa đỏ là dòng sông Thạch Hãn, hay nói cách khác, tác phẩm kết cấu theo dòng chảy của thời gian 81 ngày đêm, khi thẳng băng khi gấp khúc, khi chảy ngoài không gian vật lý, khi chảy trong không gian tâm trạng… góp phần làm cho nhịp tiểu thuyết linh hoạt, phong phú, đa dạng như trên chiến trường thật vậy.

Vượt lên sự miêu tả hiện thực khốc liệt “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thật sự là một mét vuông máu”, Mưa đỏ còn ngập tràn chất thơ. Hình như cái chất thơ ấy đã làm cân bằng lại hiện thực dữ dội kia. Đúng thế, chỉ có chất thơ của khát vọng và niềm tin mới xua tan đi hơi nóng hầm hập của chiến tranh. Đó là dòng thư trong sáng, chân thành đến hồn nhiên thánh thiện của Cường gửi mẹ; là hình ảnh cô gái tên Hồng chèo thuyền trên dòng Thạch Hãn, trong tâm trí chàng lính trẻ thì không phải là cô gái bình thường mà đích thực là một nàng tiên… Những hình tượng ấy giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về chiến tranh, về tình người và tình đời hôm qua và hôm nay. Thì ra, những người lính làm nên chiến thắng không chỉ nhờ sức mạnh ý chí, ngoài đạo lý (yêu nước), công lý (chính nghĩa) còn là phẩm hạnh con người. Phẩm hạnh không chỉ nằm ở sự gan dạ, thông minh, quyết tâm, táo bạo... mà có khi lại là nỗi niềm trắc ẩn, rất đời trong trái tim người lính. Chu Lai trong Mưa đỏ đã đẩy ngòi bút lách sâu, hóa thân vào nhân vật, gọi ra ở nhân vật những trăn trở, dằn vặt rất con người không chỉ ở phía ta mà cả ở phía địch. Từ đây, một chủ đề mới mở ra: hãy cùng yêu thương, gắn kết, hóa giải hận thù, để dân tộc này mãi mãi trường tồn, đất nước này mạnh mẽ, thịnh vượng.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/item/32398502-nhung-con-mua-am-anh.html