Những cô giáo miền núi đi đầu trong chuyển đổi số

Tiên phong về chuyển đổi số, các cô giáo góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở miền núi...

Lớp học miễn phí do cô Sen vận động các nhà hảo tâm tài trợ máy vi tính. Ảnh: NTCC

Cô Hồ Thị Sen (Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, xã Ea Kuêh, huyện Cư M'Gar) và cô Bùi Thị Lương (Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Ea Pil, huyện M’Drắk) của Đắk Lắk là những người tiên phong về chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở miền núi.

Dấu chân không mỏi

Thầy Nguyễn Tự Do - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cư M'Gar cho biết, rất trân trọng tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề của cô Hồ Thị Sen.

“Dáng người bé nhỏ thế thôi, nhưng năng lượng làm việc của cô Sen ít ai theo kịp. Bằng tình yêu nghề, thương trò vất vả thiếu thốn, cô đã vận động, giúp nhiều học sinh vượt qua khó khăn đến trường. Nổi bật nhất là sự tìm tòi, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vào dạy học”, ông Do chia sẻ.

Học sinh nào gặp vấn đề trong học tập, cô Sen và đồng nghiệp không quản đường sá xa xôi, đến tận nhà hỗ trợ. Nhiều em có nguy cơ bỏ học, bằng nhiều cách các cô đã vận động học sinh đến trường duy trì sĩ số lớp học, đồng thời xin sách vở, đồ dùng học tập cho những gia đình học sinh khó khăn.

“Học sinh tại đây vốn thiệt thòi hơn so với nhiều vùng miền khác. Nên trong khả năng của mình, tôi luôn cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các em học tập. Điều này kéo gần khoảng cách kiến thức cho học sinh ở vùng sâu”, cô Sen tâm sự.

Cô Lương với học sinh sau tiết học ứng dụng phần mềm đánh giá trực tuyến - Ảnh: NTCC

Đặc biệt, trong thời gian Covid-19, thông qua việc dạy trực tuyến, cô Sen đã duy trì việc học, đảm bảo kiến thức cho học sinh bằng nhiều hình thức hiệu quả. Trong đó, phương pháp tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ giúp học sinh hào hứng với việc học trực tuyến. Những học sinh không có thiết bị, đường truyền, sẽ chia nhóm học tại nhà cô. Đến nay cô Sen đã vận động mở 1 lớp học vi tính miễn phí với 18 máy tính tại buôn Xê Đăng, xã Ea Kuêh.

Cô Bùi Thị Lương cũng để lại nhiều ấn tượng trong hành trình “gieo chữ” của mình ở M’Drắk.

Ông Tạ Hồng Diện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện M’Drắk cho biết, rất trân quý tinh thần tự học và dấn thân vì học sinh của cô Lương. Những năm dạy ở Cư Króa, hầu hết học sinh là người Mông di cư tự do. 5 năm tăng cường ở Krông Jing thì 100% là học sinh người Ê-đê.

Vượt qua những khó khăn, cô giáo Bùi Thị Lương luôn hăng say cống hiến, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đóng góp của cô, những năm qua nhiều học sinh miền núi được tiếp cận với máy tính, Internet.

Cô Lương và cô Sen (thứ 2 và 3 từ trái qua) nhận khen thưởng của Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk tại Ngày hội chuyển đổi số khu vực Tây Nguyên năm 2023. Ảnh: Thành Tâm

Không để học sinh bị bỏ lại phía sau

Để có quả ngọt trên vùng đất khó là nỗ lực không biết mệt mỏi của những cô giáo trẻ. Trong mỗi dấu chân thầm lặng là một câu chuyện đầy xúc động của người đi gieo hạt nơi vùng cao.

Nhắc đến cô giáo Hồ Thị Sen, gia đình cậu học trò Lô Văn Thương (SN 2009, trú ở buôn Thái, xã Ea Kuêh) vẫn rưng rưng xúc động. Thương là học trò khá đặc biệt, em mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo Thalassemia (thiếu máu tán huyết bẩm sinh). Khi vào lớp 1, bố Thương gặp nạn rồi qua đời.

Không có nương rẫy, hai mẹ con Thương bám víu vào số tiền mẹ đi làm thuê góp nhặt mỗi ngày. Việc học của Thương cũng xa vời hơn. Biết được hoàn cảnh của Thương, cô Sen cùng tập thể Trường Tiểu học Bế Văn Đàn đã chăm sóc, giúp đỡ Thương hoàn thành chương trình tiểu học (năm học 2019 - 2020). Do bệnh tật nên hiện nay Thương tạm thời dừng việc học để đi điều trị.

“Gia đình tôi rất biết ơn sự giúp đỡ của cô giáo Sen và tập thể nhà trường. Nếu không có sự giúp đỡ ấy, Thương có khi chẳng biết chữ chứ đừng nói là hoàn thành hết lớp 5”, mẹ của Thương xúc động cho biết.

Câu chuyện của Giàng Seo Hồ, thôn 7 xã Cư Króa, học sinh của cô Lương khi dạy ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn lại khiến cho bao người nể phục. Nhà của Hồ ở cách xa trường hơn 4km. Hàng ngày, em cuốc bộ qua suối, qua khe để đến trường. Hồ chăm học và học giỏi. Hồ cho biết, cô Lương đã giúp em biết đến vi tính, Internet và học online.

Nhắc đến những việc mình làm, cô Lương khiêm tốn nói: “Chính nghị lực của em Hồ đã trở thành động lực để tôi luôn nỗ lực hơn trong công việc. Tôi muốn động viên, hỗ trợ những em chưa may mắn được đến trường học tập trong điều kiện tốt nhất”.

Mục đích của chuyển đổi số trong dạy học là tạo ra những tác động tích cực đến nhận thức, hành động của giáo viên và học sinh. Trước hết, giáo viên cần chủ động thay đổi phương pháp giảng dạy. Sử dụng các công nghệ số giúp giáo viên tạo ra trải nghiệm học tập, tương tác hấp dẫn. Điều này cũng giúp việc theo dõi tiến trình học tập của học sinh tốt hơn.

“Để học sinh vùng khó Đắk Lắk không bị bỏ lại phía sau, chúng tôi xây dựng mạng lưới hỗ trợ cho học sinh, phụ huynh và cộng đồng vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số. Thông qua nền tảng trực tuyến và cộng đồng học tập cho phép học sinh và phụ huynh kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng và nguồn lực giáo dục. Điều này giúp xây dựng cộng đồng học tập mở rộng và cung cấp hỗ trợ cho nhau”, cô giáo Bùi Thị Lương.

“Cô giáo Hồ Thị Sen và Bùi Thị Lương đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong đó có bộ môn Tin học tại các đơn vị công tác. Trong những năm qua, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn có 105 học sinh đạt giải Tin học trẻ cấp trường, cấp huyện. Trong đó, có 9 giải Nhất; 9 giải Nhì; 11 giải Ba; 76 giải Khuyến khích.

Ngoài ra trường còn giành 1 giải Ba cấp tỉnh; 1 giải Ba và 2 giải Khuyến khích cấp huyện Cuộc thi Sáng tạo dành cho Thanh Thiếu niên Nhi đồng. Năm học 2022 - 2023, ở bộ môn Tin học, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có 6 học sinh đạt giải cấp tỉnh và 6 em đạt giải cấp huyện”.

Thành Tâm

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nhung-co-giao-mien-nui-di-dau-trong-chuyen-doi-so-post658326.html