Những cô gái 'không bao giờ già đi' ở Hàn Quốc

Với lợi thế luôn trẻ trung, không scandal, không bao giờ mệt mỏi, những người mẫu ảo đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý ở Hàn Quốc, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo.

Lĩnh vực giải trí, thương mại ở Hàn Quốc đang xuất hiện ngày càng nhiều các cô gái trẻ xinh đẹp, đa tài, có khả năng làm hầu hết mọi việc - từ diễn xuất đến thiết kế thời trang.

Dù chỉ mới ở độ tuổi 20, các cô gái này sở hữu những kỹ năng hoàn hảo, đem đến những màn trình diễn vượt quá sự mong đợi. Họ không bị căng thẳng, không cần ngủ và không bao giờ dính scandal.

Tuy nhiên, những cô gái này không phải người thật mà chỉ là sản phẩm được đồ họa máy tính tạo ra và chỉ tồn tại trong thế giới ảo, theo Korea Herald.

 Người mẫu ảo xuất hiện ngày càng nhiều tại Hàn Quốc. Ảnh: Park gee-young.

Người mẫu ảo xuất hiện ngày càng nhiều tại Hàn Quốc. Ảnh: Park gee-young.

Người ảo bùng nổ

Rozy, 22 tuổi, cao 1,71 m hiện là một trong những ngôi sao ảo nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc. Với hơn 125.000 người theo dõi trên Instagram, tài khoản của cô thậm chí có dấu tick xanh.

Vào năm 2021, Rozy gây chú ý khi xuất hiện trong video quảng cáo cho một công ty bảo hiểm nhân thọ. Với lợi thế không bao giờ già đi, giá trị của Rozy tăng vọt, trở thành người mẫu cho các công ty trong nhiều ngành công nghiệp như ôtô, mỹ phẩm hay thời trang.

Ước tính, cô đã kiếm được hơn 1,5 tỷ won (1,2 triệu USD) trong năm 2021. Nữ nghệ sĩ cũng tham gia sự nghiệp ca hát thông qua việc phát hành đĩa đơn đầu tay "Who Am I" vào tháng 2.

Rozy là một trong những người mẫu ảo nổi tiếng với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: @rozy.gram.

Rozy là một trong những người mẫu ảo nổi tiếng với hàng trăm nghìn lượt theo dõi trên mạng xã hội. Ảnh: @rozy.gram.

Hồi đầu tuần, người mẫu ảo Rina của Netmarble đã ký hợp đồng với Sublime, công ty giải trí quản lý diễn viên Song Kang-ho và ca sĩ Rain. Theo Netmarble, sau này Rina sẽ xuất hiện trong các trò chơi và nhiều nội dung đa dạng của công ty liên quan đến thế giới ảo metaverse.

Han Yoo-ah, nhân vật được Smilegate tạo ra cho trò chơi thực tế ảo Focus on You, cũng đã ký hợp đồng với công ty quản lý người mẫu YG KPlus vào tháng 2. Han dự kiến ra mắt dưới tư cách ca sĩ với CJ ENM trong nửa đầu năm nay.

Tập đoàn LG đã tạo ra 2 nhân vật ảo là Reah Keem và Tilda. Keem lần đầu xuất hiện tại Hội chợ Điện tử Tiêu dùng qua một video vào tháng 1/2021. Cô dự kiến phát hành album ra mắt vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Tilda được giới thiệu là nhà thiết kế thời trang ảo, đã ra mắt 200 bộ trang phục tại Tuần lễ thời trang New York vào tháng trước sau khi nghiên cứu khoảng 3.000 hình ảnh và mẫu vẽ.

Tháng 3/2021, Pulse9 đã tạo ra nhóm nhạc nữ ảo Eternity gồm 11 thành viên. Video ca nhạc đầu tay của nhóm trên kênh YouTube chính thức thu về hơn 1,1 triệu lượt xem. Theo Pulse9, thành viên Jaein của Eternity sẽ trở thành diễn viên phụ trong loạt phim hài chiếu trên mạng gồm 4 phần, được phát hành vào tháng 4.

Trong khi đó, nhân vật Lucy của Lotte Home Shopping xuất hiện lần đầu trong chương trình tivi của công ty vào tháng 12/2021 với vai trò giới thiệu sản phẩm được bày bán tiếp theo. Công ty cho biết sẽ nâng cấp công nghệ để Lucy có thể dẫn chương trình toàn thời gian trong năm nay.

Lợi thế

Những nghệ sĩ ảo ở Hàn Quốc đều là phụ nữ trẻ. Theo ông Lee Eun-soo thuộc Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn của KAIST, điều này vì mục đích thương mại của các công ty.

"Nó là sự phản ánh thế giới thực", ông cho biết, đề cập đến hiện tượng phụ nữ thống trị lĩnh vực tiếp thị người có ảnh hưởng trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Theo Lee Kyung-jae, giáo sư tại khoa Trí tuệ nhân tạo của Đại học Chung-Ang, sự phổ biến của phụ nữ ảo trong mục đích thương mại liên quan đến việc khách hàng quen thuộc, dễ gần gũi hơn với các hình ảnh người mẫu nữ.

"Tôi nghĩ việc tạo ra người mẫu ảo là phụ nữ trẻ giúp các công ty thuận tiện hơn trong việc quảng cáo các sản phẩm có người tiêu dùng chủ yếu là nữ. Mẫu nữ ảo cũng dễ tạo sự thân thiết, dễ thương hơn".

 Người mẫu ảo nữ phổ biến hơn nam trong ngành quảng cáo. Ảnh: @reahkeem.

Người mẫu ảo nữ phổ biến hơn nam trong ngành quảng cáo. Ảnh: @reahkeem.

Ngoài ra, sự phát triển của con người ảo nói chung còn cho thấy mong muốn của con người trong việc hiểu rõ bản thân mình hơn.

"Con người chúng ta luôn có mong muốn khám phá và nắm bắt bản thân mình, rằng như thế nào là một con người. Bằng việc tạo ra những thứ phản chiếu các đặc điểm của con người, giống như nhân bản vô tính hay chế tạo người máy, chúng ta có thể nâng cao sự hiểu biết về bản thân", ông nói thêm.

"Con người ảo phản ánh mong muốn tương tự. Chúng thực chất là phiên bản mềm của nhân bản vô tính và người máy. Khi đại dịch ngày càng thúc đẩy mọi người duy trì kết nối trực tuyến, xu hướng về con người ảo sẽ ngày càng phát triển".

Với việc nhiều công ty sẽ cố gắng tạo ra những phiên bản người ảo của riêng mình cho các mục đích kinh tế, giáo sư Lee chỉ ra rằng con người ảo không gây căng thẳng và giảm đáng kể chi phí vận hành vì chúng đơn giản chỉ là dữ liệu.

 Chính yếu tố "ảo" đem lại sự thu hút của những người mẫu được các công ty tạo ra. Ảnh: Lotte Shopping.

Chính yếu tố "ảo" đem lại sự thu hút của những người mẫu được các công ty tạo ra. Ảnh: Lotte Shopping.

Một số người lại cho rằng sự bùng nổ của con người ảo chỉ đơn giản là để thu hút nhiều sự chú ý hơn.

Kim Jae-Yin, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đa văn hóa ở Đại học Kyung Hee, cho biết thuật ngữ "con người ảo" chỉ là một cách diễn đạt phóng đại, thúc đẩy làn sóng tiếp thị AI, thế giới ảo và NFT.

"Nói một cách chính xác, chúng nên được gọi là 'các nhân vật hoạt hình'. Nhưng 'các nhân vật hoạt hình' đã xuất hiện từ cách đây rất lâu, một số thậm chí còn có người hâm mộ.

Nó đã thay đổi thành một thuật ngữ thương mại, tiếp thị. Công nghệ đồ họa máy tính cải tiến được kết hợp với mong muốn giảm thiểu rủi ro tiếp thị, ví dụ như độ lệch thị hiếu của người mẫu", ông nhận xét.

Về lý do đằng sau sự thành công của việc sử dụng con người ảo trong tiếp thị, ông Lee Eun-soo cho biết tính mới lạ của người ảo đã thu hút được sự chú ý của công chúng.

“Sự tươi mới đến từ việc mọi người nhận ra rằng đó không phải là một con người thực sự. Trong khi đó, trọng tâm của quảng cáo là thu hút được sự chú ý của người xem. Vì vậy, điều thu hút ở đây được dựa trên việc nhân vật đó không phải người thật mà là ảo", ông nhận xét.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nhung-co-gai-khong-bao-gio-gia-di-o-han-quoc-post1306494.html