Những chuyến xe than đong đầy kỷ niệm

Những năm của thập niên 1980, xăng dầu cực kỳ khan hiếm, phải phân phối theo lệnh. Cái khó ló cái khôn, không có xăng thì những người thợ tài hoa đã độ chế xe ô tô chạy bằng than củi. Những chiếc xe đò chạy bằng than bây giờ đã lùi vào dĩ vãng, nhưng đối với nhiều người thì hình ảnh những chiếc xe này mãi mãi là kỷ niệm không phai mờ trong ký ức.

Thập niên 1960, xe Renault của Pháp được các nhà xe nhập máy móc thiết bị về, rồi đóng thùng làm xe đò chở khách. Khắp cả miền Nam đâu đâu cũng thấy bóng dáng xe Renault với tông màu vàng đỏ lưu thông khắp nẻo. Sau giải phóng, đặc biệt thập niên 1980, đất nước ta bị bao vây, cấm vận, xăng dầu cực kỳ khan hiếm, là mặt hàng chiến lược phải phân phối theo lệnh. Cái khó ló cái khôn, xe đò Renault được những người thợ tài hoa độ chế thành động cơ chạy bằng than với nguyên lý sử dụng than củi được hầm cho nóng trong thùng kín yếm khí, tạo ra khí “ga”. Từ khi bỏ than củi vô thùng, nung nóng lên cho tới lúc bốc ra khí ga mất khoảng 1 giờ. Thực ra đây không phải là phát minh gì mới. Đây chính là công nghệ Wood gas đã phát triển ở châu Âu từ sau thế chiến thứ hai, khi cả thế giới bị tàn phá nặng nề, bước ra khỏi cuộc chiến với tình trạng kiệt quệ.

Những chiếc xe độ chế, thùng nhiên liệu đằng sau xe được làm bằng sắt có đường kính từ 40 - 50cm, cao bằng 2 thùng phuy được đặt treo đứng phía sau xe. Lơ xe bám đuôi xe, vừa làm nhiệm vụ bắt khách, thu tiền vừa kiêm làm thợ lò, bỏ thêm than vào thùng khi than tàn. Có người hài hước, thấy bình than độ phía sau xe nên gọi là xe hỏa tiễn.

Nha Trang ngày ấy có 2 bến xe trong nội thành. Bến xe liên tỉnh nằm cuối đường Ngô Gia Tự, hiện nay chính là chung cư Ngô Gia Tự. Bến xe này dành cho xe chạy Nha Trang đi các tỉnh, là xe ca 50 chỗ ngồi chạy máy dầu, loại xe của hãng Phi Long, Phi Hổ ngày xưa. Bến xe nội tỉnh nằm ở đầu đường Sinh Trung giáp với đường 2-4, dành cho các xe chạy đi các huyện, thị xã trong tỉnh Phú Khánh. Bến xe này toàn xe Renault chạy than.

Hồi đó, tôi thường xuyên phải đi công tác ở thị xã Tuy Hòa và các huyện thuộc Phú Yên bây giờ. Mỗi khi đi công tác, hôm trước tôi phải xin giấy giới thiệu của cơ quan để 5 giờ sáng hôm sau ra cửa ưu tiên mua vé cho chắc ăn bởi khi đó người đông xe ít, xếp hàng tới nơi hết vé là chuyện thường. Tới 6 giờ, xe lèn chặt khách, mui chở đầy hàng mới khật khừ khởi hành. Ngày ấy đường xấu, xe than chạy chậm rì rì. Đằng sau đuôi xe, anh lơ xe lo dùng que sắt dài khều than, chọc tro để cho than củi cháy tiếp. Than vụn cùng tro rơi vãi dọc đường, anh nào ngồi đuôi xe, gần thùng than cứ gọi là giống như... mực nướng. Xe ra tới Đại Lãnh, bác tài dừng xe cho khách giải lao trước khi vượt đèo Cả. Anh lơ xe tranh thủ châm thêm than, đổ nước mui cho đầy (khi ấy xe làm mát bằng thùng nước trên mui, nước chảy trực tiếp xuống đường). Các trạm đổ nước mui ngày ấy mọc như nấm hai bên đường.

Hành trình qua đèo Cả là một trải nghiệm không thể nào quên. Chiếc xe rền rĩ chầm chậm bò lên đèo, anh lơ xe cầm lăm lăm cục căn, khi thấy xe yếu quá đi giật cục thì nhảy xuống sẵn sàng chèn bánh xe cho khỏi tuột dốc. Sau khi lấy lại hơi, xe lại bò lên, anh lơ xe cũng nhảy lên xe, chuẩn bị cho lần… nhảy xuống tiếp theo. Hành khách mặt mày phờ phạc vì lo, xe bò được qua đèo phải mất hơn một giờ. Cứ vậy khoảng 2 - 3 giờ chiều xe mới ra tới Tuy Hòa. Nhảy khỏi xe, tôi chui vào chợ Tuy Hòa (nay là siêu thị trung tâm ngay trên đường Trần Hưng Đạo) kiếm tô bún nguội ngắt nguội ngơ cho lại sức rồi đi bộ về cơ quan. Đấy là ra Tuy Hòa, còn những chuyến đi công tác đến Tuy An, Đồng Xuân… hành trình hành xác còn kéo dài hơn nữa, chiều tối mới ra tới nơi bởi còn thêm quãng đường, thêm những con đèo.

Thế hệ 9X ngày nay chả có mấy người biết có một thời xe than và hành trình quá vất vả ngày xưa. Nhưng chả sao, những gì trải qua đầy khó khăn trong quá khứ mới trở thành những kỷ niệm sâu nặng trong tâm thức. Chợt nhớ câu thơ của một nhà thơ nữ người Nga: “Năm tháng đắng cay hơn, năm tháng ngọt ngào hơn”. Quá khứ quá đủ đầy thì có gì để nhớ? Để ai còn nhớ những chuyến xe than đong đầy kỷ niệm?

THỦY NGÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202309/nhung-chuyen-xe-than-dong-day-ky-niem-2a92f79/