Những chuyến xe lam xưa

Ngày xưa, đường Nha Trang - Thành (tức thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) và ngược lại, phương tiện giao thông chủ yếu là xe lam, xe ngựa, xe đạp hoặc đi bộ. Từ Nha Trang lên Thành, bến xe lam xuất phát từ chợ Đầm, rất tiện cho người dân đi chợ mua bán, trao đổi hàng hóa. Xe lam có thể ngừng ở bất cứ đâu, miễn là hành khách báo xuống hoặc có khách bên đường đứng vẫy tay đón xe. Vì vậy, đi xe lam rất thuận tiện.

Ảnh: Internet

Phủ Diên Khánh từng là tỉnh lỵ của tỉnh Khánh Hòa một thời gian dài. Từ sau năm 1945, tỉnh lỵ mới dời xuống thị xã Nha Trang. Phần lớn cư dân gốc của Nha Trang có gốc gác là dân Diên Khánh, thường được gọi là dân Thành. Không hiếm những gia tộc, gia đình sinh sống, làm việc ở Nha Trang nhưng từ đường hương hỏa vẫn ở Thành. Vì thế, đường Nha Trang - Thành là đường về quê quen thuộc của không ít gia đình, không ít người. Giỗ chạp, về quê tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ; Tết, về quê thắp nhang giẫy mả, chúc Tết người thân, bà con nội ngoại; cuối tuần, ngày nghỉ, về quê thăm nhà, thư giãn, hưởng thú nhà quê… Thành ra, đường từ Nha Trang về Thành và ngược lại thường không bao giờ vắng bóng người và xe, nhất là xe lam.

Từ trung tâm Nha Trang về trung tâm Diên Khánh hơn mười cây số, khoảng cách không phải ngắn đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là ngày xưa, nhà đông con, mỗi bà mẹ về thăm quê, thăm nhà, dắt vài ba đứa con về theo là điều bình thường. Những lúc như thế, xe lam thật hữu dụng và an toàn. Đứng dọc đường đón cũng được nhưng thường đi từ bến tiện hơn, vì có đủ chỗ ngồi. Đứa nhỏ nhất ngồi trong lòng mẹ, không tính thêm tiền. Những đứa lớn hơn thường hai tính một. Nhưng cũng không hiếm những vị khách muốn đi nhanh, không phải chờ chuyến sau, sẽ ôm một đứa vào lòng, đứa nhỏ đó cũng không phải tốn tiền.

Sở dĩ gọi là xe lam vì nó bắt nguồn từ dòng xe Lambretta sản xuất ở Ý. Xe có 3 bánh, gồm một cabin cho tài xế và một thùng xe phía sau để chở khách hoặc chở hàng. Muốn khởi động xe, tài xế sẽ đạp vài cái vào cái cần ngay dưới chỗ mình ngồi lái. Lúc đó, hành khách ngồi phía cần khởi động phải leo xuống, khi nào xe nổ mới leo lên và xe bắt đầu chạy.

Xe lam có 2 băng ghế sau dọc theo thân xe, mỗi băng thông thường có 5 chỗ ngồi. Có những bác tài muốn thêm thu nhập, đón thêm khách ngồi dưới sàn. Vị trí ngồi ngay cửa xe, quay lưng về bác tài, chân gác lên bậc lên xuống, nhìn cảnh chạy ngược cũng khá thú vị. Nhưng vị trí ngồi đó nguy hiểm, phải là đàn ông khỏe mạnh, có khi còn giúp bác tài lấy gióng gánh trên nóc xe hoặc móc phía sau cho một ai đó cần xuống giữa đường. Ở băng trước, hai bên bác tài có hai chỗ cho vị nào đến trễ hoặc thích ngắm cảnh bên đường.

Lúc nhỏ, mỗi lần được thông báo sắp về Thành chơi, ăn giỗ, chúc Tết, tôi lại háo hức có khi không ngủ được. Cái cảm giác đi xe lam thật thích vì rất mát, do thoáng. Hai bên đường về Thành ngày xưa là những cánh đồng lúa xanh ngút ngát. Đến mùa, lúa chín vàng ruộm và thoảng thơm mùi lúa chín. Trẻ em thành phố biết phân biệt con trâu với con bò, biết cánh cò chao liệng xuống đồng lúa, biết mùa nào cấy, mùa nào gặt… có thể nhờ đi xe lam. Ngồi ở vị trí trong cùng của băng ghế sau, nhìn qua khoảng trống sau lưng vị khách cạnh bác tài càng thú. Lắm khi gió từ cánh đồng thổi lên, ngủ gật là chuyện thường.

Con đường về Thành ngày xưa có 3 cái dốc khá cao. Giờ thì 3 cái dốc ấy vẫn còn nhưng chúng không cao nữa. Phần do người ta nâng đường, phần do không còn dấu ấn trẻ con thấy cái gì cũng cao, to, rộng, sâu hơn thực tế. Mỗi lần đi xe lam, lúc xe lên dốc thường nín thở vì hồi hộp, xe xuống dốc lại có cảm giác rất thú vị, mỗi khi nhớ lại mỉm cười ngây thơ, vui sướng.

Từ trung tâm thị trấn Diên Khánh muốn đi về các xã, thôn vùng ven, vùng xa lại có mạng lưới xe lam đi tiếp. Quê ngoại tôi ở xã Diên Lạc, cách thị trấn vài ba cây số. Nếu không gặp chuyến thì đi bộ, còn gặp đúng chuyến lại được leo lên xe lam. Ngày xưa, cây cầu Hà Dừa vẫn còn là cầu gỗ, mỗi lần xe lam chạy qua, các thanh ván cầu kêu lên rầm rập, rầm rập. Có một lần, mấy mẹ con đi bộ từ nhà ngoại xuống đến gần nhà thờ Hà Dừa, lòng đã run run vì sợ phải đi qua cây cầu gỗ Hà Dừa, bởi nhìn xuống chân, qua các kẽ ván, thấy rõ nước đang cuộn trôi. May quá, tiếng xe lam từ xa nghe âm âm, rồi nghe rõ dần. Đến khi bác tài ngừng xe cho mấy mẹ con leo lên mới mừng ra mặt. Giờ đây, mỗi lần đi qua cầu Hà Dừa đã bê tông hóa, kỷ niệm xưa lại ùa về cay cay mắt.

Ngày nay, giao thông tuyến Nha Trang - Thành, xe máy là phương tiện chủ yếu vì tiện lợi. Xe buýt Nha Trang - Diên Khánh đã thay thế xe lam. Đường sá mở rộng, trải nhựa êm ái, đèn đường sáng choang, xe buýt chuyến cuối trong ngày có thể kéo dài đến đầu buổi tối nên rất thuận lợi cho học sinh, sinh viên tan học, công chức, người lao động tan ca… Xe lam chỉ còn trong hoài niệm của những thế hệ 7x, 8x trở về trước. Đôi khi, vào một vài tiệm cà phê trang trí theo phong cách cổ điển, một thùng xe lam đã được sơn phết lại được đặt trong một góc vườn để trang trí cũng tạo được sự thích thú hoặc rưng rưng hồi cố. Cảnh tượng một nhóm bạn không còn trẻ nữa, hết người này leo lên rồi leo xuống để chụp hình lưu niệm trong sự thích thú ngập tràn cũng có thể gây cảm động như gặp lại cố nhân.

CHẾ DIỄM TRÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/nhung-vung-ky-uc/202401/nhung-chuyen-xe-lam-xua-61e5b36/