Những chuyện thú vị về Việt Nam trên báo nước ngoài năm 2014

Tranh cãi về sở thích ăn thịt chó, mèo và những điểm thú vị trong lối sống tại Hà Nội và TP.HCM là những chủ đề về Việt Nam mà báo chí thế giới quan tâm nhiều trong năm.

Hàng trăm khán giả tham dự đêm nhạc trong chuỗi chương trình nghệ thuật đường phố diễn ra tại khu vực quảng trường chợ Đồng Xuân, Hà Nội hồi tháng 9. Ảnh: Q.M/Zing.vn

Những năm gần đây, Việt Nam không chỉ thu hút khách du lịch quốc tế mà cả những người nước ngoài đến sinh sống và làm việc lâu dài. Kết quả khảo sát 20 quốc gia đáng sống nhất với người ngoại quốc do ngân hàng HSBC công bố tháng 11/2014 cho thấy Việt Nam hạng 16/20. Những trang tin quốc tế uy tín như Bloomberg, Forbes hoặc TripAdvisor thường xuyên đăng tin, bài giới thiệu các điểm đến phổ biến tại Việt Nam. Do vậy, văn hóa, lối sống ở các vùng miền Việt Nam trở thành một trong những chủ đề xuất hiện nhiều trên báo chí quốc tế trong năm 2014.

Thịt chó, mèo: ăn hay không ăn

Thịt chó, mèo từ lâu đã là món ăn ưa thích của rất nhiều người dân Việt Nam dù ở nông thôn hay thành thị. Nhiều người chuộng thịt chó cho rằng chúng "bổ" hoặc "mát". Ông Duc, một doanh nhân 43 tuổi, nói với tờ Daily Mail (Anh): "Tháng nào tôi cũng ăn một bữa thịt chó với mấy người bạn thân. Đây là món ăn truyền thống, giúp tăng cường sức khỏe và may mắn".

Theo quan sát của hãng tin AFP (Pháp), người dân Việt Nam thích ăn thịt chó vào cuối tháng âm lịch, nhưng họ thường chọn thịt mèo vào đầu tháng. Trong ngày bận rộn nhất, một quán chuyên bán thịt "tiểu hổ" phục vụ khoảng 100 khách. "Thịt mèo ngọt và mềm hơn thịt chó", đầu bếp tại một quán thịt mèo ở Hà Nội nhận xét.

Chó bị làm lông và thiêu trụi tại một quán thịt chó ở Hà Nội. Ảnh: AFP

Bác sĩ Hoang Ngoc Bau, một chuyên gia thú y Hà Nội, lý giải trong một bài báo của hãng tin AFP: "Đất nước chúng tôi từng rất nghèo. Chúng tôi đã trải qua một cuộc chiến tranh dài. Khi đó chúng tôi đã ăn mọi thứ để sinh tồn, từ côn trùng, thịt chó, thịt mèo, thịt chuột". Tuy nhiên, khi cuộc sống tại Việt Nam đang trên đà phát triển, mức sống của người dân tăng cao hơn trước thì lời giải thích trên có vẻ không còn hợp lý. Những người phản đối cũng có lập luận vững chắc của mình. "Chẳng ai nuôi chó, mèo để chế biến chúng thành món ăn. Đối với tôi và những người yêu quý vật nuôi khác, chó và mèo chính là bạn tốt nhất", bác sĩ Bau tâm sự.

Mặt khác, nhu cầu ăn thịt chó, mèo dẫn đến nạn bắt trộm vật nuôi hoành hành. Một nữ phóng viên Anh ghi nhận khu nhốt chó trong một chợ ở Hà Nội có khoảng 500 con bên trong. Dân buôn cân chúng trước khi bỏ vào các lồng chật chội. Trong những ngày cao điểm, số lượng chó ở đây có thể lên tới hơn 2.000 con.

Táo tợn hơn, trang Global Post (Mỹ) cho biết những kẻ trộm chó tại Việt Nam tự chế súng điện để bắt con vật nhanh chóng và hạn chế gây ra tiếng động. Bọn chúng không ngại đe dọa tấn công cả gia chủ nếu chẳng may bị phát hiện.

Tình hình trộm chó nghiêm trọng đến nỗi cả những người nước ngoài sống tại Việt Nam cũng lo sợ. Cô Hisui Kobayashi, một người nước ngoài sống tại Hà Nội, chia sẻ trên tờ Diplomat (Nhật Bản) rằng: "Tôi khuyên các gia đình phải canh chừng vật nuôi thật chặt chẽ. Những tên trộm hành động rất nhanh, bạn chỉ sơ sẩy vài giây là chú chó của bạn đã bị bắt".

Sở thích "bia bọt"

Euromonitor International, tổ chức nghiên cứu thị trường tại Anh, cho biết Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia nhiều thứ 3 châu Á. Theo hãng tin AP, người dân Việt Nam tiêu thụ đến 3 tỷ lít bia trong năm 2013, tức là mỗi người uống 33,3 lít. Ngồi trong những quán bia hơi ven đường và thưởng thức ly bia cùng đồ nhắm với bạn bè là sở thích của người Việt Nam được phản ánh trên New York Times, tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ.

Phần lớn người Việt thích uống bia trong những hàng quán có không gian mở vì họ bán bia lạnh giá rẻ, đặc biệt vào những ngày hè nóng bức. Ông Pete Wilkes, chủ một quán bia ở quận Tây Hồ, Hà Nội, khẳng định: "Cốt lõi của thú vui uống bia hơi là họ ngồi trên những chiếc ghế nhựa nhỏ, uống bia, gặm chân gà nướng và trò chuyện cùng bạn bè".

Người dân Hà Nội ăn, uống trong một quán bia. Ảnh: AP

Thời gian gần đây, trang Nikkei Asia Review (Nhật Bản) ghi nhận những "câu lạc bộ bia" (beer club) đang mọc lên nhiều tại các thành phố ở Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành khác. Các câu lạc bia không bình dân như quán vỉa hè, nhưng cũng không quá sang trọng như nhà hàng đắt tiền, do vậy chúng thu hút nhiều khách hàng từ tầng lớp trung lưu. Hương vị bia đa dạng hơn, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ khiến khách hàng an tâm. Trên hết, điểm khác biệt lớn nhất giữa beer club và các quán bia khác là âm thanh sôi động như trong quán bar.

Nguyen Thai Lan lý giải sở thích đến câu lạc bộ bia: "Những người trẻ thích không khí náo nhiệt. Mọi người cư xử văn hóa, tôn trọng những người xung quanh, khác hẳn như khi bạn ngồi tại những quán vỉa hè, ồn ào mất trật tự". Còn bà Phan Vi, quản lý một nhà hàng tại quận 1, TP.HCM, cho biết: "Câu lạc bộ bia tạo ra phong cách sống mới cho người Việt. Họ đến thưởng thức những món ăn ngon, uống bia và khám phá những hình thức giải trí mới mẻ. Nhân viên trẻ trung, xinh đẹp, nhiệt tình, nhanh nhẹn chiếm được cảm tình của thực khách".

Yêu Hà Nội hay Sài Gòn?

Sự khác biệt về văn hóa, lối sống giữa thủ đô Hà Nội cổ kính và thành phố Hồ Chí Minh năng động cũng là một chủ đề gây tranh luận trong một thời gian dài. Trong bài viết trên tờ Telegraph (Anh), nhà báo Nicola Graydon khẳng định TP.HCM là nơi có thể đem lại cảm giác về một tương lai tươi sáng. Những tòa nhà chọc trời đang mọc lên thay thế cho những khu dân cư cũ. Tuy nhiên, dưới chân những khối bê tông khổng lồ là một cụ bà bán phở bên cạnh gánh hàng cũ. "Như thể không gì thay đổi trước sự bứt phá dữ dội của dòng chảy phát triển công nghệ", Graydon nhận định.

Bức ảnh được nhiều chia sẻ trên mạng xã hội về sự tương phản giữa nét hiện đại và sự cũ kỹ của Sài Gòn. Ảnh: David H/Zing.vn

Lời khuyên của nhà báo Anh dành cho những người lần đầu đến TP.HCM là phải học cách sang đường. "Đó thực sự là một thử thách đầy cam go. Nó đòi hỏi phải kết hợp nhuần nhuyễn nhiều kỹ năng như quan sát, bình tĩnh và di chuyển tiến hay lùi". Theo Grayden, cách tốt nhất để thưởng thức sự nhộn nhịp của Sài Gòn là ngồi trên ban công của một quán cà phê, thưởng thức ly cà phê sữa đá được mệnh danh "đặc sản" của Sài Gòn, và ngắm nhìn phố phường bên dưới.

Cũng bị choáng ngợp vì sự nhộn nhịp của Sài Gòn như nhà báo Graydon, Le Thuan Uyen, một cô gái người Hà Nội "gốc" (4 thế hệ sinh sống tại Hà Nội), rất muốn chuyển vào TP.HCM sau lần đầu tiên đến đây. Cô cho rằng cuộc sống "được quy hoạch và sắp đặt khéo léo" sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cuối cùng Thuan Uyen lại không muốn rời Hà Nội vì rất đam mê những giá trị văn hóa thủ đô. Tờ Diplomat nhận định truyền thống nghìn năm tuổi của Hà Nội đã tạo nên một tinh thần độc nhất nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Theo tờ báo Nhật, nguyên nhân tranh luận những khác biệt giữa Hà Nội - Sài Gòn thuộc về yếu tố lịch sử và văn hóa hơn là ý thức hệ. Người Hà Nội không phủ nhận sự thành công kinh tế ở TP.HCM. Điều họ quan tâm là những thành công ấy thực sự cần thiết và đáng khao khát tới mức nào, hoặc chúng có giúp thành phố trở nên hấp dẫn hơn không.

Mathias Rossignol, chủ quán cà phê tại Hà Nội, bình luận: "Phần lớn người Hà Nội thừa nhận cuộc sống ở TP.HCM thoải mái hơn, lương cao hơn và giá cả thấp hơn. Nhưng họ ở lại thủ đô vì những giá trị tinh thần". Ngay cả Thao Nguyen, một nghệ sĩ làm việc tại TP.HCM, dù thừa nhận nơi đây vẫn có một nền nghệ thuật phát triển nhưng các chương trình chỉ mang tính trình diễn, các nghệ sĩ mải mê chạy theo thị trường.

"Người Sài Gòn chuộng những nghệ sĩ dễ nhìn và các bài hát, sản phẩm văn hóa bình dân. Trong khi sản phẩm nghệ thuật ở Hà Nội chú trọng tính phê bình và hàn lâm hơn", Thao Nguyen nói.

Minh Anh (tổng hợp)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhung-chuyen-thu-vi-ve-viet-nam-tren-bao-nuoc-ngoai-nam-2014-post489531.html