Những chuyện đau đớn tại “làng góa phụ” ở Hà Nam (kỳ 1)

(Phunutoday) - Người ta thường gọi làng này là “làng chết chồng”, nghe mà cảm thấy đau đớn và đầy tang thương. Là một làng nằm ngay sát những vách núi đá và những nhà máy xi măng, đã vài thập kỷ trôi qua, người dân làng Bút Sơn (xã Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam) vẫn sống bằng những nghề như đập đá, phá núi, làm công nhân. Nhưng cái giá mà người dân ở Bút Sơn phải dùng để đổi dường như quá đắt. Những người đàn ông ở đây lần lượt qua đời ở độ tuổi còn rất trẻ.

Chị Nguyễn Thị Phấn và chị Nguyễn Thị Lương

Người mắc bệnh ung thư, người bị tai nạn ngã núi, đá đè và có cả những người chết vì tệ nạn xã hội. Giờ đây, làng Bút Sơn được biết đến là một nơi có rất nhiều góa phụ. Những người phụ nữ vẫn còn ở độ tuổi xuân thì đã phải rơi vào cảnh sống đơn chiếc chỉ trong tích tắc. Nhưng để mưu sinh, người dân ở đây vẫn phải chấp nhận dấn thân vào những công việc đầy hiểm nguy và rất gần chết chóc. Và rồi, những câu chuyện đau đớn về những người đàn bà góa phụ cứ thế nối dài theo năm tháng, biết bao nhiêu con người vẫn cố gắng gượng để tồn tại với cuộc sống.

Nỗi đau bà góa phụ

Ở làng Bút Sơn, để tìm những người góa phụ thật quá dễ dàng. Ở đầu làng, cuối xóm, ngõ này hay ngõ kia người ta có thể dễ dàng bắt gặp những câu chuyện đau lòng về một gia đình này chết chồng, gia đình kia chết con trai. Ở Bút Sơn, có biết bao nhiêu gia đình đã phải rơi vào hoàn cảnh chia li, biết bao nhiêu người vợ đã trở thành bà góa khi vẫn ở độ tuổi xuân sắc.

Theo thống kê sơ sài của vị Phó trưởng thôn nơi đây, ở một làng nhỏ đã có tới xấp xỉ 30 bà góa ở độ tuổi dưới 40, còn những người trên mức tuổi này, có lẽ nhiều vô kể chẳng thể điểm danh nổi. Người dân quanh vùng vẫn nhìn vào làng Bút Sơn với con mắt thèm khát khi cho rằng người dân nơi đây rất giàu vì được đi làm ở nhà máy xi măng. Nhưng thực tế, cuộc sống nơi đây đã đi ngược lại hoàn toàn với những gì nhiều người vẫn nghĩ, vẫn mong. Một cuộc sống chấp chới và đầy buồn đau đang diễn ra ở ngôi làng nhỏ bé này. Người dân nơi đây đôi khi phải chấp nhận đánh đổi cuộc sống, sức lực, mồ hôi thậm chí là máu để tồn tại.

Chuyện về những bà góa phụ nơi đây thật nhiều và thật dài. Nhưng có lẽ câu chuyện về bà góa phụ Vũ Thị Dền để lại trong suy nghĩ nhiều người sự trăn trở và thương cảm. Người dân trong làng vẫn nói rằng, bà cụ Dền là bất hạnh và khổ đau nhất. Ở độ tuổi cận kề “thất tuần”, bà cụ vẫn phải bươn trải tự tìm kiếm cuộc sống cho mình. Nhưng sự vất vả trong việc mưu sinh đó chẳng thể phủ lấp được đi nỗi đau trong suy nghĩ của bà.

Chỉ trong một năm, lần lượt từ chồng và hai người con trai từ giã bà để trở về thế giới bên kia. Nỗi đau quá lớn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ yếu ớt này khiến nhiều người cảm thương và xót xa. Người dân trong làng chỉ biết động viên khi những người thân của bà Dền cứ lần lượt ra đi một cách chóng vánh.

Đầu năm 2008, cả gia đình bà Dền choáng váng khi chồng bà, ông Nguyễn Văn Chu đổ bệnh nặng. Khi đưa lên bệnh viện để khám chữa, khi nghe các bác sĩ kết luận rằng, ông Chu bị bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối, thời gian sống chỉ có thể tính bằng tuần. Cố gắng chạy chữa với hi vọng “còn nước, còn tát” nhưng mọi cố gắng của bà Dền cũng như các con đều đổ xuống sông, xuống biển. Tháng 9/2008, ông Chu đã không thể chống đỡ được sự hủy diệt của căn bệnh và ra đi trong nỗi đau của các thành viên trong gia đình.

Cuộc sống của bà Dền trở nên cô quạnh và đơn chiếc. Nhưng rồi bà tự động viên mình bằng suy nghĩ, vẫn còn những đứa con, đứa cháu, chúng sẽ là niềm vui để bà sống nốt những năm tháng cuối đời. Nhưng số phận lại một lần nữa xé tan trái tim người phụ nữ khổ hạnh này. Khi mộ cha chưa xanh cỏ, người con thứ của bà cũng ra đi trong sự bàng hoàng của tất cả mọi người. Trái tim bà Dền dường như muốn tan nát ra cả trăm, cả nghìn mảnh khi chỉ trong một thời gian ngắn, bà phải xa lìa hai người thân của mình.

Lúc này bà đã nghĩ, số phận của mình thật quá khổ đau, bà sống nhưng dường như chẳng còn cảm nhận được niềm vui hay sự hạnh phúc. Hai nấm mồ nằm cạnh nhau khiến cho tâm trí của bà Dền như điên loạn mỗi khi đi thắp hương. Nhưng rồi, khi đất hai ngôi mộ kia còn chưa kịp khô, cỏ chưa kịp mọc thì một người con trai nữa của bà Dền lại vĩnh biệt mẹ.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau, dường như lúc này, với bà Dền, cuộc sống một chuỗi những tháng ngày bi kịch. Nỗi đau, nước mắt cứ chảy dài triền miên trong cuộc đời của bà. Nhìn những nấm mồ của 3 cha con, nhiều lúc bà nghĩ, cuộc đời của mình có lẽ cũng nên kết thúc vì bà nghĩ cuộc sống giờ đây đã chẳng còn ý nghĩa hay niềm vui nào còn tồn tại…

Tết năm 2009 là cái Tết buồn bã nhất trong cuộc đời của bà Dền. Chỉ Tết trước thôi, cả gia đình bà vẫn còn quây quần, xum họp, ấm cúng bên những mâm cơm giản dị. Nhưng giờ đây, khi những gia đình hàng xóm đã rộn rã tiếng cười thì bà Dền cũng với những đứa con còn lại chìm đắm trong sự u buồn và đau đớn. Nỗi đau mất ba người thân đè nặng lên tâm trí của tất cả các thành viên trong gia đình. Còn với bà Dền, cuộc sống từ nay chỉ là những tháng ngày dài đầy buồn tủi. Mất chồng cùng hai người con trai, bà Dền phải tự tìm kiếm cuộc sống cho mình.

Kìm nén tất cả những nỗi đau vào sâu trong trái tim, bà Dền phải tự bươn trải trong cuộc sống để mưu sinh. Mỗi ngày, bà cùng gánh hàng xén ngồi lặng lẽ ở góc đầu làng miễn cưỡng nhìn cuộc đời trôi qua một cách vô cảm. Ở tuổi bà, rất nhiều người đã được hưởng cuộc sống thanh nhàn và tràn ngập hạnh phúc quây quần bên con cháu, nhưng bà Dền lại sống trong cảnh cô đơn và đau buồn. Người dân trong làng, dù rất thương cảm với cuộc sống của bà góa phụ bất hạnh này nhưng họ cũng chẳng có cách nào để giúp bởi vì, cuộc sống của họ cũng đầy rẫy những khổ đau.

Gánh chịu biết bao đau đớn, lúc này, để tồn tại với cuộc sống, bà Dền chỉ biết động viên mình bằng suy nghĩ, mình vẫn còn những đứa con còn lại, những đứa cháu. Chúng sẽ là niềm hạnh phúc, động lực sống cho bà. Hơn nữa, bà Dền cũng tự nghĩ mình, dù mình đã trở thành một người góa phụ nhưng bây giờ, bà đã lật đến những trang cuối cùng của cuộc đời, so với nhiều người, số phận bà vẫn còn đỡ bất hạnh hơn.

Bà Dền nghĩ rằng, rất nhiều người phụ nữ trong làng phải chịu cảnh mất chồng khi vẫn còn ở độ tuổi son sắc… Bà tự động viên mình, tự tìm thấy cho mình nguồn vui nhỏ nhoi để sống nốt những ngày còn lại trong cuộc đời.

Sống đơn chiếc ở tuổi đôi mươi

Lật ngược tất cả những câu chuyện của người dân làng Bút Sơn, những câu chuyện đau đớn, những cái chết thương tâm luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Có rất nhiều số phận, rất nhiều gia đình rơi vào cảnh chia lìa. Câu chuyện về những cái chết tức tưởi của những người đàn ông ở độ tuổi trai trẻ sẽ mãi là nỗi ám ảnh cho những người dân trong làng Bút Sơn. Còn đối với những bà góa phụ ở độ tuổi đôi mươi, cuộc sống là chỉ là những ngày tháng đau khổ và đầy đơn côi.

Câu chuyện về người góa phụ Nguyễn Thị Lương sẽ làm cho bất kỳ ai phải rung động trái tim, còn với những người dân làng Bút Sơn, họ nói rằng, đây chỉ một trong số rất nhiều câu chuyện, số phận bất hạnh ở ngôi làng tang thương này.

Mới chỉ ở độ tuổi 37, nhưng tính cho đến năm nay, chị Lương đã sống hơn 15 năm trong cuộc đời của một người góa phụ. Khi bước chân đi lấy chồng, mọi người đều nghĩ, chị Lương sẽ có được một cuộc sống thanh bình khi chồng chị, anh Phạm Văn Đạm vốn là một người nổi tiếng hiền lành, chịu khó làm ăn. Tuy về làm dâu một gia đình có đông con trai, nhưng chị Lương luôn cảm thấy thoải mái vì chồng mình rất biết quan tâm.

Cậu con trai đầu lòng ra đời, mọi người trong làng, ngoài xóm đều mừng thay cho Lương vì chị đã có một cuộc sống hạnh phúc. Chồng hiền lành, chịu khó làm ăn, sinh con đầu lòng lại là con trai… mọi việc diễn ra đối với chị Lương như một giấc mơ. Tuy kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả nhưng cuộc sống bình dị và tràn ngập niềm hạnh phúc của chị khiến nhiều người phải cảm thấy khát khao và mơ ước. Nhưng rồi, những tháng ngày hạnh phúc đó chẳng kéo dài lâu. Khi mọi việc đang diễn ra một cách êm đẹp thì tại họa ập đến gia đình nhỏ của chị.

Chồng chị vốn là một công nhân làm thuê ở mỏ khai thác đá. Công việc của anh là phải trèo lên những ngọn núi, khoan lỗ để nhồi thuốc nổ… Trong một sáng đi làm, chồng chị Lương đã phải bỏ mạng khi cả trăm tấn đá bị lở. Anh bị rơi từ độ cao hơn 70 mét. Chẳng có sức lực con người nào có thể chống lại cú ngã oan nghiệt đó, chồng ra đi bỏ lại chị Lương và một đứa con nhỏ chỉ mới chập chững biết đi.

(Còn tiếp kỳ 2: Những câu chuyện đau đớn tại “làng góa phụ” ở Hà Nam)

Gia Nguyễn

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xahoiol/doisong/201111/Nhung-chuyen-dau-don-tai-lang-goa-phu-o-Ha-Nam-ky-1-2106841/