Những chuyện 'cười ra nước mắt' khi tôi đi chấm sáng kiến kinh nghiệm

Sáng kiến kinh nghiệm có vai trò quan trọng nhưng nếu chỉ là những giải pháp được trình bày 'trên giấy', không được ứng dụng thực tiễn thì sẽ là lãng phí.

Sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục thời gian qua nhận được nhiều tranh luận trái chiều. Người viết tìm hiểu, có người từng đạt giải sáng kiến nhiều cấp, được khen thưởng nhưng kết quả giáo dục, giảng dạy không cao, không được tín nhiệm.

Ảnh minh họa

“Cười ra nước mắt” với nhiều “sáng kiến” của đồng nghiệp

Nhiều năm liền tôi được phòng Giáo dục và Đào tạo cử đi chấm sáng kiến kinh nghiệm của đồng nghiệp.

Bản thân tôi có nhiều trải nghiệm “dở khóc dở cười” khi được trực tiếp đi chấm sáng kiến của đồng nghiệp.

Năm nay, số lượng viết sáng kiến của đơn vị cấp huyện nơi tôi công tác tăng đột biến về số lượng, có giáo viên viết đến 3-4 sáng kiến để “cầu may”, “lọt sàng xuống nia”,…

Những cái gọi là “sáng kiến” thực chất phần nhiều trên internet hoặc sao chép của đồng nghiệp nơi khác, những cụm từ Giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng,...được xuất hiện nhiều và chỉ nêu chung chung;

Có cả trường hợp 2 giáo viên ở 2 đơn vị khác nhau nhưng viết chung 1 tên sáng kiến và nội dung thì gần như giống nhau do sao chép trên cùng một địa chỉ;

Có sáng kiến gần như trùng hoàn toàn với giải pháp đã có trên mạng;

Một số sáng kiến thì trình bày sai về chính tả, ngữ pháp, định dạng, cấu trúc,…

Có những sáng kiến tên rất hay, to tát nhưng thực chất là của người khác do sao chép từ các nguồn khác nhau, không thể áp dụng vào đơn vị.

Có cả giáo viên mới nhận công tác chưa có thành tích gì cũng “tự tin” viết 1,2 sáng kiến.

Luật Thi đua khen thưởng mới, vai trò của sáng kiến sắp tới vẫn khá quan trọng

Khi Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ 01/01/2024, giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở không bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm được đông đảo viên chức, công chức cả nước đồng tình, hoan nghênh.

Tuy nhiên, thực tế sắp tới vai trò của sáng kiến kinh nghiệm cũng rất quan trọng trong việc xét thi đua, khen thưởng.

Cụ thể, tại Điều 23 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 hướng dẫn:

“Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận”.

Nếu không được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng có sáng kiến đạt giải thì vẫn có thể được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.

Từ năm học này đã không còn khống chế tỷ lệ 15% đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở nên để “an toàn” nhất là đạt sáng kiến, còn việc đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ khó hơn do khống chế tỷ lệ 20%.

Nên, có giáo viên viết 3-4 sáng kiến một năm để hy vọng có cái đạt giải được công nhận chiến sĩ thi đua cơ sở, được đề nghị khen thưởng cao hơn.

Bên cạnh đó, các danh hiệu thi đua khác, như: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh trở lên và các hình thức Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; Bộ, Chính phủ,…vẫn cần phải có sáng kiến.

Tức, sáng kiến vẫn là tiêu chí vô cùng quan trọng trong việc xét thi đua, khen thưởng đối với giáo viên dù hiệu quả của nó chưa được kiểm chứng.

Trong nhiều sáng kiến mà tôi được chấm có rất nhiều sáng kiến mang tính hình thức không có giá trị góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, không có mới, không sáng tạo và cũng không thể triển khai trong cơ sở hoặc đơn vị huyện,…

Dựa vào “sáng kiến” trên giấy để xét thi đua còn chưa thực chất

Thực chất, các sáng kiến được thực hiện viết trên giấy, không ghi tên người viết để khi chấm mang tính công bằng, tránh “gửi gắm”, tiêu cực,…

Sáng kiến để góp phần lan tỏa những giải pháp, sáng kiến hay giúp đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nhưng thực tế ở không ít nơi chủ yếu là sáng kiến trên giấy, không thể kiểm chứng áp dụng có hiệu quả hay không.

Nghịch lý nhất, nhiều người đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, bồi dưỡng học sinh giỏi cấp tỉnh,…thì họ không viết sáng kiến vì họ bận nhiều trong nghiên cứu chuyên môn để giảng dạy cho tốt, mang lại chất lượng thật sự.

Lại có những người, gần như không thực hiện nhiệm vụ gì, không có thành tích gì tiêu biểu, nổi trội, dạy học sinh khó hiểu,…thì mỗi năm lại thực hiện 3-4 sáng kiến để nếu đạt thì được khen thưởng, được nâng lương trước hạn,…

Thực tế, bản thân tôi đi chấm dù rất cẩn thận nhưng vẫn không tránh khỏi những hạn chế như không thể kiểm chứng đó là giải pháp “thật” hay sao chép. Hiện nay, việc sao chép khá tinh vi, những giải pháp được sao chép ở những tỉnh khác nhau, không có trên mạng hay việc người nào trình bày văn hay, có thêm số liệu minh chứng không biết là ảo hay thật,…thì cơ hội đạt sẽ cao hơn.

Hay nói đúng hơn, tôi không phân biệt được những kết quả trình bày đó là do người viết thực hiện được hay họ nghĩ ra, tự cung cấp số liệu ảo.

Ví dụ, khi chấm một sáng kiến về bồi dưỡng học sinh giỏi, kết quả nêu ra là có 4 em học sinh giỏi cấp tỉnh, do không biết người thực hiện, đơn vị, nên tôi không thể kiểm chứng số liệu đó thật hay ảo hay sáng kiến giáo viên dạy bộ môn có trên 60% học sinh giỏi,..cũng không biết học sinh giỏi thật sự hay được nâng điểm hay số liệu ảo,…

Hay những sáng kiến về sử dụng phần mềm dạy học mang lại hiệu quả, tôi cũng không thể kiểm chứng người viết có thực hiện không hay chỉ sao chép và thực hiện trên báo cáo sáng kiến,…

Nói chung, sáng kiến kinh nghiệm dù có vai trò quan trọng nhưng nếu chỉ là những giải pháp được trình bày “trên giấy” không được kiểm chứng, không có tính thuyết phục thì khó đánh giá hiệu quả thực sự.

Nhiều giáo viên không có thành tích, không nổi trội về bất kỳ mặt nào, làm việc thiếu chuyên nghiệp, cố gắng,.. nhưng khi “viết” sáng kiến rất hay, năm nào sáng kiến cũng đạt giải, được khen thưởng nhiều năm liền.

Trong khi đó những người tiêu biểu, nhiều thành tích thì lại không thực hiện viết sáng kiến hoặc đôi khi viết bị chấm không đạt, tùy thuộc vào cảm nhận của người chấm,…dẫn đến kết quả không thực chất, còn nhiều bất cập.

Dù không ghi tên người viết trên sáng kiến nhưng bằng cách này hay cách khác, việc “gửi gắm”, nhờ vả,…khi chấm là vẫn còn, vẫn có tiêu cực trong chấm sáng kiến.

Chưa có số liệu thống kê cụ thể, mỗi năm có bao nhiêu sáng kiến kinh nghiệm trong ngành giáo dục và có bao nhiêu trong số đó thực sự mang lại hiệu quả. Nhưng những lợi ích từ việc có sáng kiến kinh nghiệm đối với giáo viên thì lại là thật.

Sáng kiến kinh nghiệm còn đóng vai trò quan trọng trong xét thi đua, khen thưởng đối với giáo viên thì sẽ vẫn còn tình trạng sao chép, mua bán sáng kiến diễn ra công khai, tràn lan, sẽ có những sáng kiến mang tính hình thức xuất hiện, vẫn sẽ có giáo viên không có thành tích, không nổi trội được xét danh hiệu thi đua, được khen thưởng, vẫn còn bất công.

Rất mong thời gian tới, cần có những hướng dẫn chuyên ngành, cụ thể để việc thực hiện sáng kiến phải thực chất, mang lại hiệu quả, phải thực chất là sản phẩm của người đã và đang thực hiện có hiệu quả, có tác dụng khuyến khích nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, tránh tình trạng một người không có thành tích, không có sự cố gắng nhưng nhờ có sáng kiến nên được xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nhung-chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-khi-toi-di-cham-sang-kien-kinh-nghiem-post242484.gd