Những chuyến bay nghĩa tình (Bài 1)

Với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của lãnh đạo Bộ Công an, những chuyến bay thuê riêng của Việt Nam đã đưa trên một nghìn công dân bị 'mắc kẹt' tại Myanmar về nước an toàn.

Ngay khi tình hình chiến sự bùng phát phức tạp tại Myanmar, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu phối hợp Bộ Ngoại giao trong công tác bảo hộ, sơ tán công dân về nước an toàn, kịp thời, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã chủ động, kịp thời, khẩn trương xác minh để cấp hộ chiếu, phục vụ công tác bảo hộ, sơ tán công dân tại Myanmar về nước trong thời gian nhanh nhất. Trong vòng 3 ngày, 9 chuyến bay thuê riêng của Việt Nam đã đón trên một nghìn người mắc kẹt từ Myanmar về nước.

Với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Ngoại giao và sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của lãnh đạo Bộ Công an, những chuyến bay thuê riêng của Việt Nam đã đưa trên một nghìn công dân bị “mắc kẹt” tại Myanmar về nước an toàn.

Công dân Việt Nam “mắc kẹt” tại Myanmar được bảo hộ về nước nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài.

1. Ngay khi tình hình chiến sự tại Myanmar diễn biến phức tạp, nhận định chiến sự sẽ đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của công dân Việt Nam đang “mắc kẹt” ở Myanmar, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã báo cáo với lãnh đạo Bộ Công an về việc đưa công dân về nước đảm bảo an toàn.

“Việc sơ tán công dân về Việt Nam không thể tổ chức trên các chuyến bay thẳng từ Myanmar về nước mà phải di chuyển bằng đường bộ về cửa khẩu biên giới Myanmar…, mọi thủ tục phải thực hiện trong 1 ngày. Đây là phương án duy nhất có thể đưa người “mắc kẹt” về nước”. Để làm được điều đó công dân Việt Nam cần được cấp hộ chiếu trước khi xuất cảnh rời Myanmar; có phương án chi tiết, cụ thể để đưa công dân về nước, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết.

Trong khi đó, công dân Việt Nam sang Myanmar hầu hết là người mới sang, là thanh niên đi tìm việc làm hoặc bị dụ dỗ đi làm việc cho các sòng bài, cơ sở đánh bạc trực tuyến dọc biên giới Myanmar; trong đó có cả những thành phần phức tạp… Qua trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, do chiến tranh công dân Việt Nam nhiều người bị mất hộ chiếu hoặc bị chủ lao động giữ hộ chiếu nên nhiều trường hợp không có hộ chiếu. Nếu không có hộ chiếu thì không thể làm thủ tục về nước; trong khi đó do tình hình chiến sự phức tạp, nhiều công dân của Việt Nam bị “mắc kẹt” không thể đến Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar để cấp hộ chiếu.

Vì thế, với tinh thần giải quyết thủ tục trong thời gian nhanh nhất để bảo hộ công dân về nước, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar và cơ quan đại diện ngoại giao được phân công xác minh thu thập thông tin, giải quyết để cấp hộ chiếu, phục vụ công tác bảo hộ, sơ tán công dân tại Myanmar trong thời gian sớm nhất. Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã cử Đại tá Vũ Văn Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh trực tiếp tham gia Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân Việt Nam tại Myanmar.

Đến đầu tháng 11/2023, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã nhận thông tin từ Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đề nghị xác minh trên một nghìn trường hợp; xác minh, xác định nhân thân, phục vụ việc cấp hộ chiếu, sơ tán công dân về nước. Từ tình hình thực tiễn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động tham mưu với đồng chí Thứ trưởng phụ trách, trao đổi thông tin với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao các phương hướng xử lý kịp thời linh hoạt, đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ. Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Cục Quản lý xuất nhập cảnh phối hợp kịp thời để xác minh, trả lời để cấp hộ chiếu cho công dân Việt Nam có đầy đủ thông tin.

Đối với những trường hợp không có thông tin, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cử đoàn cán bộ sang Myanmar để phỏng vấn thu thập, xác minh thông tin. Việc này thực hiện tại cửa khẩu biên giới Myanmar, do Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện… Danh sách người được cấp hộ chiếu sẽ thông báo ngay Cục Quản lý xuất nhập cảnh để phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết khi nhập cảnh. Trong quá trình triển khai, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan để triển khai các phương án bảo hộ công dân, đưa công dân về nước.

2. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh, CBCS Phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của người Việt Nam khẩn trương bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch và triển khai các công tác, nhiệm vụ được giao. Trong công tác Quản lý xuất nhập cảnh cũng đã có nhiều tình huống khó khăn, phức tạp nhưng với nhiệm vụ lần này đây cũng là lần khá đặc biệt.

Thượng tá Lương Đình Kháng, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết: Khi bắt tay vào công việc, mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ đều ý thức rằng đó không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là tình cảm, sự chia sẻ, cảm thông đối với đồng bào đang lưu lạc nơi đất khách, nơi chiến sự phức tạp. Cán bộ tranh thủ làm thêm ngoài giờ, làm việc không có ngày nghỉ để kịp thời xử lý thông tin. Từ danh sách do Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao chuyển đến, các cán bộ Phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của người Việt Nam tỉ mỉ xác minh, kiểm tra thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh; kiểm tra thông tin theo các quy định của Luật Xuất nhập cảnh để kịp thời phục vụ giải quyết cấp hộ chiếu cho công dân.

Để hoàn tất các thủ tục cấp hộ chiếu cho công dân trong thời gian sớm nhất, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an đơn vị địa phương tiến hành xác minh, rà soát đảm bảo cấp hộ chiếu cho công dân sớm nhất nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu pháp luật, nghiệp vụ. Song song với đó, công tác chuẩn bị cho chuyến công tác rất khẩn trương bởi đòi hỏi công tác sơ tán khẩn trương, nhanh chóng nhưng cũng phải có sự hỗ trợ, phối phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị có liên quan. Về thành phần tham gia đoàn công tác có Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm trưởng đoàn; cùng tham gia đoàn công tác có cán bộ của Cục Đối ngoại, Cục Cảnh sát hình sự và Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an.

Thượng tá Lương Đình Kháng, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, một trong những người tham gia thực hiện nhiệm vụ này nhớ lại: Ngay khi tình hình chiến sự tại Myanmar bùng phát phức tạp, đồng chí Cục trưởng đã trực tiếp chỉ đạo đồng chí Vũ Văn Hưng, Phó Cục trưởng tham gia Nhóm công tác liên ngành với Bộ Ngoại giao để kịp thời xử lý các tình hình huống liên quan nắm tình hình và chủ động tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ đảm bảo phục vụ công tác sơ tán công dân Việt Nam ở Myanmar về sớm nhất, kịp thời nhất và an toàn nhất. Đồng thời, có điện trao đổi với Công an địa phương, các đơn vị nghiệp vụ để kịp thời phối hợp xác minh; phối hợp rà soát để kịp thời phát hiện các đối tượng phức tạp liên quan đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội để công tác sơ tán an toàn, đảm bảo ANTT.

Cho đến ngày 6/12, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã tiếp nhận hơn một nghìn trường hợp xác minh. Trong đó đã đồng ý cấp hộ chiếu cho hơn 1.000 trường hợp; đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar bổ sung thêm thông tin cho hơn 300 trường hợp… Trong đêm ngày 3 và từ ngày 4 đến 6/12/2023 đã tiếp nhận 9 chuyến bay đưa hơn 1.000 công dân Việt Nam từ Myanmar trở về nước. Trong quá trình đó đã phát hiện và bắt giữ một số đối tượng phạm tội.

Đêm 4/12, có 3 chuyến bay chở hơn 300 công dân, đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự bắt giữ đối tượng V.Đ.H (SN 1996), đối tượng do Công an tỉnh Ninh Bình thụ lý. Đêm 5/12, có 3 chuyến bay chuyên chở hơn 300 công dân đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt giữ hai đối tượng truy nã, một do Công an tỉnh Lai Châu và một của Công an tỉnh Hưng Yên thụ lý. Tiếp đó, vào đêm 6/12, có 3 chuyến bay, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an đã phối hợp với Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc tiếp nhận 1 trường hợp liên quan đến vụ án mà Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang thụ lý.

Không những vậy, trên tinh thần quốc tế nhân đạo đã chia sẻ khó khăn hỗ trợ giúp một số công dân nước ngoài cùng mắc kẹt tại Myanmar. Trong chuyến bay này, đã hỗ trợ một số công dân là người nước ngoài từ Myanmar được trở về trên các chuyến bay sơ tán công dân do Việt Nam thuê riêng, đây là việc làm nhân văn để lại hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế.

Đại sứ quán nước có công dân được hỗ trợ sơ tán trở về đã có công hàm cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ, giúp đỡ công dân họ về nước an toàn. Công tác giải quyết thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài nhập cảnh, nhận lại hành lý tài sản của người được sơ tán về rất nhanh gọn, đảm bảo an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu chính trị, đối ngoại và theo đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ. Những ngày này, đoàn công tác của Bộ Công an vẫn tiếp tục nỗ lực để kịp thời giải quyết đưa công dân về nước.

Xuân Mai

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nhung-chuyen-bay-nghia-tinh-bai-1--i717395/