Những chú ý về phòng cháy, chữa cháy cho nhà ống, nhà riêng

Vụ cháy quán karaoke tại phố Trần Thái Tông (Hà Nội) ngày 1-11 làm 13 người chết khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng và nhìn lại việc phòng chống cháy nổ trong mỗi gia đình mình. Ở nước ta, phần nhiều gia đình là ở trong các nhà ống, đặc biệt là cư dân đô thị. Tuy vậy, việc phòng chống cháy nổ với nhà ống, nhà riêng không phải ai cũng chú ý và tuân thủ các nguyên tắc. Dưới đây là một số nội dung cơ bản để hạn chế các vụ hỏa hoạn trong gia đình mỗi người dân cần đặc biệt chú ý.

Những ngôi nhà bị cháy trên phố Trần Thái Tông đều là những nhà ống để ở được hoán cải thành những cơ sở kinh doanh.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

17 điều cần nhớ khi xảy ra cháy tại nhà ống:
1- Ngay khi phát hiện ra đám cháy, phải nhanh chóng gọi điện thoại đến số “114” để báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.

2 - Khi có cháy hãy bình tĩnh xử lý, đây là yếu tố quan trọng nhất. Sử dụng phương tiện phòng cháy chữa cháy sẵn có để dập cháy.
3 - Nếu không dập được hãy ra khỏi phòng và đóng cửa phòng bị cháy lại.
4 - Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn EXIT – Lối ra hoặc đèn chỉ dẫn mũi tên màu xanh. Hãy sử dụng cầu thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy.
5 - Trên đường đi, báo cho người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.
6 - Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu cotton nhúng ướt và trùm lên đầu, lên người.
7 - Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong phòng có nhiều khói. Nếu không nhìn thấy lối thoát nạn thì nên lần - sờ theo một bên tường để đi, chắc chắn sẽ tìm thấy cửa ra. .
8 - Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở.
9 - Khi mở nên tránh mặt và người sang một bên đề phòng lửa tạt. Nên cúi sát người xuống sàn khi mở cửa.
10 - Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.
11 - Nếu khói lùa, dùng vải, giẻ ướt nhét vào khe cửa; hoặc dùng băng dính dán chặt.
12- Sau đó tìm lối thoát sang các phòng khác. Nếu không có lối ra, hãy di chuyển ra ban công, cửa sổ.
13 - Từ đây hãy gọi to; dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu cho người cứu biết.
14 - Điện thoại 114 và 115, 113 hay công an phường, người thân... để thông báo vị trí bạn đang bị kẹt.
15 - Trong khi chờ lực lượng PCCC hãy dùng các phương tiện có sẵn để thoát ra.
16 - Đôi khi tấm rèm, ga xé dọc hay quần áo dài... buộc lại cũng trở thành 1 sợi dây cứu nạn.
17 - Không nhảy từ cao xuống (Trừ khi có đệm, lưới ở dưới).

Đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ đối với dạng nhà ống sử dụng để ở là nhà ống thường có diện tích không lớn nên khi thiết kế, xây dựng ngôi nhà thường không có lối ra thoát nạn an toàn (chỉ có duy nhất 01 cầu thang bộ bên trong nhà để hở). Ban công, lô gia các tầng, người dân thường làm lồng sắt, hoặc xây kín (không có ban công) dẫn đến không có lối ra khẩn cấp và các vị trí lánh nạn tạm thời chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu.

Tầng 1 thường bố trí để xe máy, ô tô, phòng bếp (sử dụng đun nấu gas), các vật dụng dễ cháy khác và các thiết bị tiêu thụ điện thường xuyên như tủ lạnh, tivi, quạt trần…, đây là nơi có nguy cơ phát sinh cháy nổ cao nhất. Cá biệt có những nhà dân tận dụng tầng 1 làm nơi bán hàng tạp hóa, kinh doanh các hàng hóa dễ cháy khác như xăng dầu, gas...Cửa ra mái của ngôi nhà cũng thường được khóa và làm kiên cố.

Nhiều ngôi nhà ở trong các con hẻm, ngõ sâu; bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý. Các gia đình thường không trang bị các phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ khi có những tình huống bất ngờ, sự cố cháy, nổ xảy ra.

Những giải pháp cần đặc biệt chú ý

Từ những đặc điểm trên, theo cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP. Hà Nội nhà ống dùng để ở có những giải pháp phòng chống cháy nổ riêng mà người ở cần chú ý. Ở nhiều các vụ cháy nổ, đám cháy chỉ phát triển chính tại tầng 1 (nơi xảy ra cháy), các tầng phía trên chủ yếu bị tác động của khói, nhiệt từ đám cháy tác động, tuy nhiên những người ở trong nhà trên các tầng cũng không thể thoát ra ngoài. Do vậy, nhất thiết trong quá trình xây dựng phải bố trí tại mỗi tầng ít nhất có 1 ban công, không lắp lồng sắt. Trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa, nếu có khóa thì cần trang bị khóa dễ dùng búa, rùi đập vỡ khóa, chìa dễ tìm mở.

Cửa ra vào chính của ngôi nhà tại tầng 1 ngoài tính đến biện pháp an ninh, bảo vệ cũng cần bố trí các giải pháp để có thể mở dễ dàng khi có sự cố như bố trí chìa khóa mở cửa tại vị trí dễ lấy. Sân thượng, tầng mái của ngôi nhà cần bố trí khoảng thông thoáng và các lối có thể sang được mái nhà bên cạnh.
Tùy theo kiến trúc của ngôi nhà, bố trí 1 thang sắt đứng (thang leo) nối từ mái xuống tầng 1 (có thể thiết kế đến tầng 2 và có thanh trượt xuống tầng 1 khi có người dùng) tại mặt trước, mặt sau của ngôi nhà. Thang đảm bảo các tiêu chí sau: Làm bằng vật liệu không cháy (thường bằng sắt thép), đặt nơi dễ thấy và cách xa cửa sổ ít nhất 1m...

Cầu thang bộ bên trong nhà cần thiết kế đủ chiều rộng (tối thiểu 0,7m), không nên thiết kế cầu thang xoắn ốc và hạn chế bố trí bậc thang rẻ quạt, nghiên cứu lắp đặt các tấm chắn (bằng thạch cao không cháy hoặc tường gạch lắp từ vị trí trần của tầng sâu khoảng 0,3m và cách sàn khoảng 2,5m) tại vị trí chiếu tới của cầu thang làm “bẫy khói” để ngăn ngừa và giảm bớt lượng khói xâm nhập vào cầu thang bộ lên các tầng để tăng thời gian thoát nạn.

Ngoài ra trong quá trình sinh hoạt, người dân không nên để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu, lối ra cửa chính, cầu thang (như ô tô, xe máy…). Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà, trường hợp cần phải để dự trữ thì chỉ với số lượng ít nhất; ôtô, xe máy và các phương tiện dụng cụ có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp đun nấu, nguồn sinh nhiệt; thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu... phải kín.

Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Nếu dùng bếp gas phải có biện pháp chống chuột, côn trùng cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van bình gas, đồng thời cần trang bị tối thiểu 01 bộ thiết bị báo rò gas lắp đặt tại khu vực đặt bình gas. Khi đun phải có người trông coi; trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; mỗi gia đình nên có dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy...

Nhảy thoát từ nhà ống

-Nhảy là sự lựa chọn không còn lối thoát nào khác, hãy tạo cho mình những dụng cụ hỗ trợ và nhớ là những thứ ấy luôn ở quanh ta. Khăn bàn, phông màn, thảm… chỉ cần cột túm lại nắm chặt vào hai tay đã có thể biến thành 1 vật cản gió. Một cái quần dài cột chặt hai ống và nắm ngay đai lưng sẽ bộng gió trong hai ống quần. Tương tự các loại bao bố, nilon lớn, áo khoát cũng sẽ là những vật ít nhất giúp cản gió giảm nhẹ tổn thương. Khi nhảy xuống một bụi cây, một mái hiên, hàng quán, một đống cát, rác, nóc mui xe, mái tôn…sẽ bớt được tổn thương.
- Khi ta ôm một cái bàn, tấm ván, cánh cửa… và nhảy chung với nó, hãy cố tìm cách để cái bàn tiếp đất trước, nó sẽ làm giảm đáng kể lực hút và phản lực từ mặt đất. Cái bàn sẽ gãy vụn thay cho bản thân ta, cần nhớ một nguyên tắc là nhảy sao để khi tiếp đất chân của ta trong tư thế chùn đầu gối và đưa người về phía trước sẽ cứu được bộ xương chân.

Hiệp Hòa (tổng hợp)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhung-chu-y-ve-phong-chong-chay-no-cho-nha-ong-nha-rieng.aspx