Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 4/2024

Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ mộtsố thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm; 'chốt' chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi THPT; quy định mới về xét danh hiệu 'Thầy thuốc nhân dân', 'Thầy thuốc ưu tú'…

Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT quy định danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT

Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng kiểm

Quyết định số 233/QĐ-BGTVT công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2024

Theo đó, thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT, cụ thể có 2 thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung gồm: Cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS) và Phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển theo Bộ luật Quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (Bộ luật ISPS).

Thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Giao thông Vận tải là cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty, theo Thông tư số 03/2024/TTBGTVT ngày 21/2/2024 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT ngày 14/4/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về Áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.

Nội dung cụ thể của từng thủ tục được quy định chi tiết tại Phụ lục Quyết định.

Quy chuẩn quốc gia về phương tiện phòng cháy, chữa cháy

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày ¼, Thông tư 56/2023/TT-BCA thay thế Thông tư số 123/2021/TT-BCA Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Quy chuẩn trên quy định các yêu cầu về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và quản lý về hoạt động kiểm định các phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc danh mục phải kiểm định về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật trước khi đưa vào lưu thông tại Việt Nam.

Đối tượng áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, lắp ráp, hoán cải trong nước, nhập khẩu phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cơ quan, tổ chức có chức năng kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; Cơ quan, tổ chức có liên quan về quản lý chất lượng phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Yêu cầu chung đối với phương tiện phòng cháy và chữa cháy do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu kê khai, khai báo phải phù hợp với danh mục phương tiện quy định tại Quy chuẩn này. Trường hợp chưa rõ chủng loại phương tiện, cần phối hợp với cơ quan quản lý có thẩm quyền để định danh chủng loại phương tiện phòng cháy và chữa cháy.

Ngoài ra, phải được quản lý, bảo quản, bảo dưỡng theo quy định của pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan hoặc hướng dẫn của nhà sản xuất. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được kiểm định phù hợp với các quy định của quy chuẩn này và các quy định nêu tại các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có liên quan.

Quy định mới về hoạt động lấn biển theo Luật Đất đai 2024

Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 190 Luật Đất đai 2024 quy định về hoạt động lấn biển như sau:

Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật, công nghệ thực hiện các hoạt động lấn biển; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện hoạt động lấn biển theo quy định của pháp luật. Hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây: Bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích quốc gia trên biển; phù hợp với quy định của luật khác có liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Dựa trên cơ sở đánh giá đầy đủ về kinh tế, xã hội, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững, đa dạng sinh học, các yếu tố tự nhiên, tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phù hợp với quy hoạch tỉnh hoặc quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch đô thị. Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên biển; bảo đảm hài hòa lợi ích của tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động lấn biển và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; bảo đảm quyền tiếp cận với biển của người dân, cộng đồng.

Hoạt động lấn biển phải được lập thành dự án đầu tư hoặc hạng mục của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Hoạt động lấn biển mà có phần diện tích thuộc một trong các khu vực sau đây thì chỉ được thực hiện khi được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư: Khu vực bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được công nhận theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; Di sản thiên nhiên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài - sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vùng đất ngập nước quan trọng đã được công bố theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, pháp luật về lâm nghiệp.

Khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá theo quy định của pháp luật về thủy sản; Khu vực cảng biển, vùng nước trước cầu cảng, vùng quay trở tàu, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, vùng đón trả hoa tiêu, vùng kiểm dịch, luồng hàng hải, vùng nước để xây công trình phụ trợ khác theo quy định của pháp luật về hàng hải; Cửa sông và các khu vực đã được quy hoạch, sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Khu vực biển được xác định để thực hiện hoạt động lấn biển trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và dự án đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì việc quản lý, sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển như đối với đất đai trên đất liền.

Khoản 1 và Khoản 2 Điều 252 Luật Đất đai 2024 quy định về hiệu lực thi hành như sau: Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này (Điều 190 và Điều 248 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2024.)

Như vậy, từ ngày 1/4/2024, hoạt động lấn biển phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định được trích dẫn ở trên.

Chốt” chứng chỉ ngoại ngữ được miễn thi THPT

Từ 22/4/2024, Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, chính thức có hiệu lực. Thông tư sửa đổi, bổ sung việc tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật và Tiếng Hàn); 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội.

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT thuộc đối tượng quy định phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.Thí sinh GDTX thuộc đối tượng quy định dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.

Đáng chú ý, thí sinh được đăng ký dự thi môn Ngoại ngữ khác với môn Ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông.

Ngoài ra, Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT cũng quy định danh mục chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn bài thi Ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT: TOEFL ITP 450 điểm; TOEFL iBT 45 điểm; TOEIC (4 kỹ năng Nghe: 275, Đọc: 275, Nói: 120, Viết: 120); IELTS 4.0 điểm; B1 Preliminary; B1 Business Preliminary; B1 Linguaskill; Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam Bậc 3...

Quy định mới về xét danh hiệu Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"

Có hiệu lực từ ngày 15/4, Nghị định 25/2024/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" quy định đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn, hội đồng xét tặng, hồ sơ, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”. Theo đó, “Thầy thuốc ưu tú” là những cá nhân có tài năng xuất sắc trong nghiên cứu, phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ về y tế, đạt được một trong các tiêu chuẩn như:

Chủ nhiệm ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở đã được nghiệm thu, kết quả đánh giá, xếp loại ở mức đạt trở lên; Là tác giả ít nhất 1 sáng kiến được ứng dụng mang lại hiệu quả cao, có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi được bộ, ban, ngành, tỉnh công nhận; Là chủ nhiệm ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở và thành viên nghiên cứu chính thực hiện ít nhất 1 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, tỉnh đã được nghiệm thu, kết quả đánh giá, xếp loại ở mức đạt trở lên;...

Đối với danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” được xét tặng cho cá nhân đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú” đạt các tiêu chuẩn theo quy định.

Người tuyển dụng dưới 6 tháng không được xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”

Có hiệu lực trong tháng 4/2024, Thông tư 1/2024/TT-BNV quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Theo đó, Thông tư quy định rõ việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” trong một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau:

Cá nhân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân dẫn đến bị thương tích cần điều trị, điều dưỡng theo kết luận của cơ sở y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên thì thời gian điều trị, điều dưỡng được tính để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”;

Cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thì thời gian học tập được tính vào thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị để được bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”;

Trường hợp cá nhân được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng từ 01 năm trở lên thì thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng được tính vào thời gian để bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến”. Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định chung, trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, cá nhân phải chấp hành tốt quy định của cơ sở đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ học tập, đạt kết quả học tập từ loại khá trở lên (đối với các khóa đào tạo, bồi dưỡng có xếp loại trung bình, khá, giỏi...);

Đối với cá nhân chuyển công tác hoặc được điều động, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong một thời gian nhất định thì việc bình xét danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ (đối với cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức) hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị mới (đối với cá nhân không phải là cán bộ, công chức, viên chức) thực hiện. Trường hợp có thời gian công tác ở cơ quan cũ từ 06 tháng trở lên phải có ý kiến nhận xét của cơ quan cũ;

Không xét tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ tiên tiến” đối với các cá nhân mới tuyển dụng dưới 6 tháng.

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-chinh-sach-moi-noi-bat-co-hieu-luc-tu-thang-4-2024.html