Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11.2016

Nhiều quy định mới như: Đánh giá định kỳ học sinh tiểu học theo 3 mức; Chi phí bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của người mang thai hộ; Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50% tiền sử dụng đất cho Nhà nước...sẽ có hiệu lực từ tháng 11.2016.

Đánh giá định kỳ học sinh tiểu học theo 3 mức (Ảnh: infonet)

Đánh giá định kỳ học sinh tiểu học theo 3 mức

Từ 6.11.2016, sẽ đánh giá định kỳ học sinh tiểu học vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học theo 3 mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành thay vì 02 mức như trước; trong đó mức Hoàn thành tốt là thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Hoàn thành là thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Chưa hoàn thành là chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Cũng từ ngày 6.11.2016, học sinh lớp 4, 5 sẽ có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, Toán vào giữa học kì I và giữa học kỳ II. Điểm các bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác; nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.

Trên đây là những nội dung đáng chú ý của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 6.11.2016.

Chi phí bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của người mang thai hộ

Ngày 15.09.2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 32/2016/TT-BYT quy định người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định; các chi phí còn lại sau khi trừ đi phần chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ do bên nhờ mang thai hộ chi trả.

Trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ bảo hiểm y tế, các chi phí này sẽ do bên nhờ mang thai hộ chi trả, bao gồm: Chi phí đi lại tới cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế; Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1.11.2016.

Nguyên tắc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh

Ngày 21.09.2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 34/2016/TT-BYT quy định việc sàng lọc, chẩn đoán và xử trí trước sinh đối với phụ nữ mang thai chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh có Giấy phép hoạt động, có phạm vi chuyên môn kỹ thuật phù hợp và phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, trừ trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Về xử trí trước sinh, Thông tư quy định việc chấm dứt thai kỳ chỉ được xem xét khi có bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai, nguy cơ tàn phế cao; có bất thường nhiễm sắc thể; bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật bào thai sẽ được xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của người phụ nữ mang thai sau khi đã được cán bộ y tế tư vấn đầy đủ.

Trước khi thực hiện chấm dứt thai kỳ, cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức hội chẩn các chuyên khoa liên quan; các bác sĩ chuyên khoa tham gia hội chẩn phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và giải phẫu bệnh lý; có thể thuộc các khoa, phòng của cơ sở khám, chữa bệnh hoặc được mời từ các cơ sở khám, chữa bệnh khác.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10.11.2016.

Không miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá QSD đất để cho thuê

Có hiệu lực từ ngày 15.11.2016, Nghị định 135/2016/NĐ-CP quy định không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để cho thuê.

Tương tự, không áp dụng miễn, giảm tiền sử dụng đất trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp người trúng đấu giá thuộc đối tượng được miễn, giảm tiền sử dụng đất. Việc miễn, giảm tiền sử dụng đất khi giao đất cho các đối tượng thuộc diện chính sách cải thiện nhà ở được thực hiện theo quy định có liên quan và không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Cũng theo Nghị định này, từ ngày 15.11.2016, giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất từ 30 tỷ đồng trở lên đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; 10 tỷ đồng trở lên với các tỉnh miền núi, vùng cao và từ 20 tỷ đồng với các tỉnh còn lại sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định.

Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50% tiền sử dụng đất cho Nhà nước

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 139/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 15.11.2016.

Cụ thể, khi được phép bán lại nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư, người bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; 100% tiền sử dụng đất nếu nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định chi tiết về việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam không được góp vốn vào ngân hàng

Theo Thông tư 134/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1.11.2016, khi đầu tư vốn ra ngoài, Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam không được góp vốn hoặc đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bất động sản; không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp góp vốn thông qua hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu hoặc đầu tư nâng cấp tài sản tiếp nhận, tài sản nhận thay thế nghĩa vụ trả nợ để khai thác, thu hồi…

Bên cạnh đó, Công ty còn được quyền chủ động sử dụng vốn để phục vụ hoạt động kinh doanh theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn, phát triển vốn và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, sử dụng vốn để mua nợ, tài sản cho mục đích kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật; ưu tiên phục vụ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp Nhà nước. Việc sử dụng vốn để thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ định của cấp có thẩm quyền phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của công ty. Việc sử dụng vốn để đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ hoạt động của Công ty phải đảm bảo: Trang bị phù hợp với nhu cầu; Tuân thủ các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định; Hạch toán theo dõi tài sản đầu tư, mua sắm theo quy định…

Clip Quốc hội thảo luận tại hội trường.

Xuân Hải

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/nhung-chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-112016-605911.bld