Những chiến đấu cơ Nga mạnh nhất mà F-16 có thể chạm trán trên bầu trời Ukraine

Mỹ vừa bật đèn xanh cho phép Đan Mạch và Hà Lan chuyển giao loại chiến đấu cơ tối tân F-16 cho Ukraine. Nhiều ý kiến cho rằng, F-16 sẽ giúp Ukraine tạo ra sự thay đổi lớn trong cuộc xung đột với Nga. Nhưng thực tế có phải như vậy không?

Muốn biết F-16 có thể giúp gì nhiều cho Ukraine, cần phải xem xét trên tổng hòa nhiều yếu tố, từ trình độ phi công đến khả năng phối hợp của tất cả các thành phần tác chiến liên quan. Và dĩ nhiên, không thể không nhắc đến những đối thủ mà F-16 sẽ chạm trán trên bầu trời Ukraine.

 MiG-29 SMT của Nga mang được nhiều vũ khí hơn so với những chiếc MiG-29 khác nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Ảnh: The Aviationist

MiG-29 SMT của Nga mang được nhiều vũ khí hơn so với những chiếc MiG-29 khác nhưng vẫn rất nhanh nhẹn. Ảnh: The Aviationist

Nếu các nước thuộc khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tin vào sức mạnh của những chiếc F-16 họ sắp gửi tới Ukraine như thế nào thì người Nga cũng tự hào với MiG-29, Su-30, Su-34 hay Su-35, những chiến đấu cơ đang được họ triển khai trong cuộc xung đột với Ukraine, như thế. Dưới đây là cái nhìn cận cảnh về những tiêm kích mạnh mẽ ấy:

MiG-29 SMT: Giá trị của bản nâng cấp “chính hãng”

Không quân Ukraine sở hữu một lượng lớn MiG-29. Nhưng đấy là những chiếc máy bay được sản xuất từ thời Liên Xô cũ, hoàn toàn khác với MiG-29 SMT mà người Nga đang có. Là “cha đẻ” của dòng tiêm kích đánh chặn này, Nga đã nâng cấp những chiếc MiG-29 của mình lên chuẩn SMT, với những cải tiến mạnh và hiện đại sâu để biến chúng thành những chiến đấu cơ đa nhiệm sánh ngang với F-16 hay JAS 39 Gripen bên phía NATO.

MiG-29SMT được trang bị vũ khí không đối không và không đối đất có độ chính xác cao để tiêu diệt cả mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển. Buồng lái mới bằng kính của MiG-29SMT có hệ thống hiển thị dữ liệu gồm hai màn hình màu đa chức năng MFD-10-6 và cần điều khiển (HOTAS). Máy bay cũng tích hợp hệ thống định vị INS-GPS.

Radar doppler đa chức năng Zhuk-ME của MiG-29 SMT có thể theo dõi tới 10 mục tiêu trên không, tấn công 4 mục tiêu cùng lúc ở chế độ không đối không, đồng thời có thêm khả năng dẫn đường tấn công mặt đất, điều mà các biến thể MiG-29 trước đây không được trang bị.

Với thùng nhiên liệu bổ sung, động cơ nâng cấp, MiG-29 SMT đạt tầm bay 2100 km, gấp rưỡi những bản “tiêu chuẩn” và khả năng vận chuyển vũ khí tăng thêm 500 kg so với các phiên bản trước.

MiG-29 SMT được trang bị 2 tên lửa không đối không tầm trung R-27ER1 và 6 tên lửa không đối không tầm xa R-77 RVV-AE tầm bắn 80 km hoặc 6 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73E; 4 quả bom dẫn đường KAB-500Kr/KAB-500L và súng máy 30 mm Gsh-301 với 150 viên đạn.

Tóm lại, vẫn có đủ những đặc tính nhanh nhẹn của một chiếc tiêm kích đánh chặn nhưng khả năng mang theo vũ khí nhiều hơn, tích hợp điện tử nhiều hơn là những yếu tố giúp MiG-29 SMT được đánh giá cao hơn so với các “anh chị em” của nó bên phía Ukraine.

Su-30: “Hổ mang chúa” khét tiếng

Su-30 là dòng máy bay chiến đấu đa năng 2 chỗ ngồi thế hệ 4+ được phát triển từ dòng Su-27, có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích (tấn công mặt đất, mặt biển).

Máy bay thường được gán cho biệt danh “Hổ mang chúa” do có thể thao diễn động tác cực khó khi đang bay: Đó là đột ngột hếch mũi lên trong giây lát để tạo tư thế thẳng đứng và hơi thẳng đứng như rắn hổ mang ngóc đầu, gây ra góc tấn cực cao.

Với động tác này, máy bay sẽ bị chết máy trong giây lát, thực hiện phanh hơi toàn thân trước khi hạ trở lại vị trí bình thường, trong thời gian đó máy bay không thay đổi độ cao hiệu quả.

 Su-30 là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm được xuất khẩu nhiều nhất của Nga, với những tính năng xuất sắc. Ảnh: Business Insider

Su-30 là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm được xuất khẩu nhiều nhất của Nga, với những tính năng xuất sắc. Ảnh: Business Insider

Nhưng dĩ nhiên, nói đến Su-30 không phải để nhắc về động tác đẹp mắt ấy. Là một trong những dòng máy bay xuất khẩu thành công với số lượng nhiều nhất của Nga, Su-30 có nhiều biến thể khác nhau phù hợp yêu cầu của từng khách hàng. Có loại có cánh mũi Delta (như Su-30 MKI của Ấn Độ) hoặc không, có loại được tăng cường khả năng đánh biển, có loại ưu tiên khả năng tấn công mặt đất (như Su-30 SM của Nga).

Nhưng tựu trung lại, Su-30 đáng gờm nhất ở chỗ thiết kế khí động học giúp máy bay rất linh hoạt, kích thước lớn và 2 động cơ phản lực Saturn AL-31F mạnh mẽ giúp nó có thể đạt tốc độ Mach 2 (2.120 km/h), tầm bay lên đến 3.000 km cùng tải trọng vũ khí tới 8 tấn.

Với những đặc điểm ấy, Su-30 thường được so sánh với F-15 của Mỹ và được đánh giá là mạnh mẽ hơn nhiều so với F-16, dòng máy bay vốn chỉ có 1 động cơ và 1 chỗ ngồi. Danh sách “đồ chơi” của Su-30 có đủ loại tên lửa không đối không, không đối đất, không đối hải hiện đại nhất của Nga, trong đó đáng chú ý nhất là những tên lửa hành trình Kh-59MK2 có tầm bắn lên đến 290 km và đầu đạn nặng tới 360 kg.

Những tên lửa này đang được triển khai tại chiến trường Ukraine và gây ra tổn thất rất lớn cho đối phương nhờ khả năng dẫn đường lợi hại. Các tọa độ mục tiêu được đưa vào tên lửa trước khi phóng và giai đoạn bay ban đầu được thực hiện theo hướng dẫn quán tính.

Ở khoảng cách 10 km tính từ mục tiêu, hệ thống dẫn đường truyền hình được kích hoạt. Người điều khiển trên máy bay sẽ xác định mục tiêu một cách trực quan và khóa tên lửa vào nó.

Sukhoi Su-34: Thú mỏ vịt “ăn thịt” tất cả

Vẻ ngoài khá ngộ của Su-34 với đầu máy bay dẹt gợi nhớ đến những con thú mỏ vịt hiền lành. Nhưng trên thực tế, đây là cỗ máy đáng sợ có thể tiêu diệt mọi thứ nó nhìn thấy, trên không, trên đất liền và trên biển.

 Su-34 có khả năng mang tới 12 tấn vũ khí. Ảnh: Defense Update

Su-34 có khả năng mang tới 12 tấn vũ khí. Ảnh: Defense Update

Sukhoi Su-34 (NATO gọi là Fullback) là một loại máy bay tiêm kích/tấn công tầm trung siêu thanh, có buồng lái bọc thép với chỗ ngồi cạnh nhau cho hai phi công. Su-34 được thiết kế chủ yếu để tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển (ném bom/tấn công/đánh chặn) hoạt động tốt cả ngày lẫn đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và trong môi trường thù địch với các biện pháp đối phó bằng hỏa lực hoặc tác chiến điện tử mạnh.

Những chiếc Su-34 thường được so sánh với cường kích hạng nặng F-15E Strike Eagle của Mỹ, nhưng xét trên nhiều khía cạnh, Su-34 còn “đô con” hơn đối thủ đến từ bên kia đại dương. Trước tiên là về kích thước. Nếu F-15E dài 19,446 mét, sải cánh 13,045 mét thì Su-34 dài tới 23,34m và có sải cánh lên đến 14,7 mét. To hơn sẽ khỏe hơn. Su-34 mang được tới 12 tấn vũ khí và nhiên liệu thì tải trọng của F-15E là 10,4 tấn.

 Buồng lái rộng rãi và tiện nghi của Su-34 giúp phi công có thể bay liên tục 10 tiếng. Ảnh: Quora

Buồng lái rộng rãi và tiện nghi của Su-34 giúp phi công có thể bay liên tục 10 tiếng. Ảnh: Quora

Dù Su-34 và F-15E có bán kính chiến đấu và phạm vi cất cánh tương đương nhau, nhưng khác biệt về tải trọng cho phép máy bay của Nga vũ trang mạnh hơn. Với 12 mấu treo vũ khí, Su-34 mang được 6 tên lửa không đối không tầm gần (R27), tầm trung (R73) và tầm xa (R77) cùng với 6 tên lửa không đối đất/đối hải (Kh-25, Kh-29, Kh-31 chuyên diệt radar, Kh-35U, P-800 Oniks tầm bắn 300 km) hoặc bom các loại.

Điểm khác biệt đáng kể nhất giữa Su-34 và F-15E là buồng lái. Máy bay Nga có buồng lái hai chỗ ngồi rộng rãi, nơi phi công và hoa tiêu ngồi “kề vai sát cánh” trên ghế phóng K-36DM. Toilet mini trên máy bay và một lò vi sóng nhỏ để hâm nóng thức ăn giúp Su-34 trở thành lựa chọn thoải mái cho các chuyến bay đường dài (lên đến 10 giờ). Buồng lái của Su-34 được bọc titan dày tới 17 mm, cũng là một chi tiết sáng giá giúp đảm bảo an toàn hơn cho phi công trước vào hỏa lực của đối thủ.

Su-35: “Trùm cuối” trong cuộc chiến

Nếu tất cả những máy bay kể trên chưa đủ khiến F-16 chùn bước, thì Su-35 sẽ bước lên nói lời phán quyết. Theo công bố từ phía Nga, Su-35 là dòng máy bay chiến đấu đa nhiệm thế hệ 4++, tức là tiệm cận nhất với những siêu chiến đấu cơ thế hệ 5 như F-35 của Mỹ hay PAK-FA (tức Su-57) mà Nga đang phát triển.

Người Nga rất tự hào về Su-35, khẳng định đây là loại chiến đấu cơ uy lực nhất mà họ triển khai trong cuộc xung đột với Ukraine và có khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao nhất trong số những máy bay Nga đang tham chiến.

 Bản vẽ kỹ thuật cho thấy những vũ khí tối tân mà Su-35 có thể mang theo. Ảnh: PeakD

Bản vẽ kỹ thuật cho thấy những vũ khí tối tân mà Su-35 có thể mang theo. Ảnh: PeakD

Về mặt kỹ thuật, Su-35 có kích thước, tầm bay và tốc độ tương tự như Su-34. Nhưng khác biệt lớn nhất nằm ở hệ thống điện tử hàng không tiên tiến nhất mà các kỹ sư Nga trang bị cho “trùm cuối” của mình.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Radar Irbis-E của Su-35 được người Nga tuyên bố có khả năng phát hiện mục tiêu với diện tích phản xạ 3 m2 từ khoảng cách 350 km. Với radar này, Su-35 có thể tung đòn tấn công sớm hơn hẳn đối thủ, và sẽ rất đáng sợ nếu nó kết hợp với tên lửa chống radar tốc độ cao Kh-31P và tên lửa không đối không R-77.

Kh-31P được trang bị tới 3 mô-đun đầu dẫn radar thụ động (GOS), có thể bao phủ toàn bộ dải tần của mục tiêu radar, qua đó khắc chế được hầu như tất cả các loại radar của đối thủ. Với đầu đạn nổ phân mảnh nặng 87 kg, tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa lên đến Mach 3,5, tên lửa này là mối đe dọa nghiêm trọng khiến đối phương hầu như không thể vận hành được radar, giúp không quân Nga dễ dàng làm chủ bầu trời.

Trong khi đó, R-77 có đầu đạn nặng 22,5 kg, tầm bắn 110 km và tốc độ tối đa Mach 4,5 khi kết hợp với radar tầm xa của Su-35 có thể loại khỏi vòng chiến đấu mọi loại máy bay của đối thủ khi chúng còn chưa kịp nhận ra “trùm cuối” trên bầu trời.

Ngoài ra, các vòi có thể di chuyển độc lập trên ống xả của động cơ phản lực Saturn AL-41F1S giúp Su-35 có được sự cơ động tuyệt vời. Với khả năng chuyển hướng lực đẩy nhanh chóng, Su-35 cực kỳ nhanh nhẹn và đủ sức khắc chế hầu hết các kỹ thuật né tránh của máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện có.

Nguyễn Khánh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nhung-chien-dau-co-nga-manh-nhat-ma-f-16-co-the-cham-tran-tren-bau-troi-ukraine-post261234.html