Những chiếc xe địa hình Trung Quốc ở Ukraine

Các lực lượng Nga đang gia tăng sử dụng các xe địa hình gọn nhẹ do Trung Quốc chế tạo để đưa quân ra tiền tuyến, trinh sát các vị trí của Ukraine và tấn công.

Trước đó Nga đã mua hàng trăm chiếc xe địa hình bốn bánh (ATV hay all-terrain-vehicle) do Trung Quốc chế tạo và có kế hoạch sắm thêm hàng nghìn chiếc để trang bị cho quân đội.

Trong một bản báo cáo của tình báo Anh được tờ Business Insider trích dẫn, trong vài tháng qua, Nga "rất có thể" đã tăng cường sử dụng các phương tiện hạng nhẹ để đưa quân ra tiền tuyến và tiến hành các cuộc tấn công trong đêm nhằm vào các vị trí của Ukraine.

Xe ATV Trung Quốc

"Có khả năng các lực lượng Nga gia tăng sử dụng các phương tiện nhẹ, nhanh hơn để tiến hành trinh sát các vị trí phòng thủ của Ukraine, tiếp theo là tấn công bằng pháo binh hoặc máy bay không người lái nhằm làm suy yếu lực lượng Ukraine”, tờ báo Mỹ dẫn báo cáo của tình báo Anh. Một số binh sĩ Ukraine cho biết xe ATV của Nga cơ động hơn xe thiết giáp bánh xích và khó bị pháo binh bắn trúng hơn.

Báo cáo của phía Anh nói thêm: “Tuy nhiên các phương tiện hạng nhẹ dễ bị tổn thương hơn nhiều so với các phương tiện bọc thép".

Xe ATV của quân Nga trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: X/EAT)

Xe ATV của quân Nga trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: X/EAT)

Xe ATV của quân Nga trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: X/EAT)

Xe ATV của quân Nga trên chiến trường Ukraine. (Ảnh: X/EAT)

Và để tăng khả năng phòng thủ cho phương tiện hạng nhẹ này, dường như quân Nga đã có giải pháp tuy không phải là hoàn toàn mới. Ông Rob Lee, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại của Mỹ, nói hồi tháng trước rằng một trong những phương tiện ATV đang phục vụ trong Trung đoàn Bộ binh Hải quân số 177 của Nga đã được trang bị thiết bị chống máy bay không người lái (UAV).

Bộ giáp chống UAV, còn được gọi là "lồng đối phó", đã được lắp đặt trên các phương tiện bọc thép của Nga và Ukraine, bao gồm cả xe tăng. Về cơ bản, đây là lớp bảo vệ cuối cùng để chống lại các mối đe dọa như UAV, đạn pháo và một số loại tên lửa.

Một chỉ huy người Ukraine cho rằng, sự thay đổi về phương tiện vận chuyển dường như cũng làm thay đổi tốc độ tấn công của quân đội Nga.

Vài tuần trước, lính bộ binh Nga đã tiến hành các cuộc tấn công cứ sau vài giờ, sử dụng nhiều loại xe bọc thép, đại tá Pavlo Fedosenko, chỉ huy lữ đoàn tấn công số 92 của Ukraine, nói với Economist trong một cuộc phỏng vấn. Nhưng hiện nay, quân đội Nga sử dụng xe 4 bánh ATV và xe máy để tấn công theo nhóm nhỏ vài ngày một lần khi họ săn tìm những điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Ukraine.

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu thị sát xe ATV nhập từ Trung Quốc. (Ảnh: Defense Blog)

Tổng thống Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu thị sát xe ATV nhập từ Trung Quốc. (Ảnh: Defense Blog)

Tuy nhiên, quân Nga vẫn chưa hoàn toàn quay lưng lại với xe bọc thép. Tuần trước, họ đã phát động một cuộc tấn công mới ở khu vực Kharkov phía đông bắc Ukraine, sử dụng xe bọc thép xuyên thủng các tuyến phòng thủ.

Tình báo Anh cho rằng Nga đã mua 2.100 xe địa hình Desertcross 1000-3 từ công ty Odes Industry của Trung Quốc. Theo hãng tin Tass, hồi tháng 11/2023, Tổng thống Vladimir Putin đã đến Rostov-on-don để tận mắt xem xét một số xe chiến đấu loại này.

Desertcross 1000-3 ATV được thiết kế đặc biệt cho các nhiệm vụ tuần tra và trinh sát, hoạt động đột kích, nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển vật liệu qua các điều kiện địa hình khó khăn. Với trọng lượng 1.050 kg, xe có tải trọng 550 kg trên thùng bán tải và có thể kéo thêm rơ-moóc nặng 300 kg.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga tại thời điểm 11/2023 là Sergei Shoigu cho hay quân đội nước này đã đưa vào sử dụng 537 chiếc Desertcross 1000-3 cấu hình cơ bản. Nga có kế hoạch mua thêm 1.500 chiếc, trong đó 500 chiếc giao vào tháng 12/2023 và số còn lại vào quý 1/2024. Phiên bản Desertcross 1000-3 với cấu hình cơ bản có giá 1,58 triệu rúp (khoảng 440 triệu đồng), trong khi phiên bản được trang bị đầy đủ với các tính năng bổ sung có giá 2,1 triệu rúp (hơn 540 triệu đồng).

Theo Defense Blog, một số bản tin trước đó tiết lộ rằng xe bọc thép Tiger do Công ty xe đặc chủng Thiểm Tây Baoji của Trung Quốc sản xuất, đã được một tiểu đoàn huấn luyện của Bộ Quốc phòng Nga ở Gudermes (Cộng hòa Chechnya) tiếp nhận. Số lượng cụ thể không được tiết lộ.

Defense Blog nhận định rằng việc Nga mua lại thiết bị quân sự do Trung Quốc sản xuất cho thấy bức tranh hợp tác quốc phòng giữa đôi bên ngày càng năng động. Khi căng thẳng toàn cầu vẫn tiếp diễn, các quốc gia đang đa dạng hóa nguồn cung công nghệ quân sự để đảm bảo tính sẵn sàng và hiệu quả của lực lượng vũ trang.

Chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Vijainder K Thakur, trong bài viết trên báo chí nước này, cho rằng: “Nga không ưa thích việc nhập khẩu khí tài quân sự từ nước ngoài, nhưng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và hậu quả là các lệnh trừng phạt từ Phương Tây áp đặt lên nước này, Moskva đã tỏ ra linh hoạt”.

Vị chuyên gia Ấn Độ dẫn chứng: “Việc nhập khẩu UAV cảm tử Shahid 131 từ Iran là một trường hợp điển hình. Rõ ràng là chính Tổng thống Putin đã cho phép nhập khẩu xe Trung Quốc và chắc chắn phải có một số lý do rất chính đáng. Tổng thống không đến thăm Rostov-on-don với tư cách là một người đam mê đua xe thể thao”.

Sự chuyển hướng sang phương tiện hạng nhẹ

Trong hai năm đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine, Moskva đã phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong việc duy trì đội xe chiến đấu.

Với tổn thất gần 15.000 phương tiện chiến đấu, bao gồm xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân, sự căng thẳng đối với các nguồn lực quân sự của Nga đã trở nên rõ ràng.

Bất chấp những nỗ lực tăng cường sản xuất và khôi phục phương tiện từ kho, tỷ lệ tiêu hao hằng tháng trên 600 xe đã vượt quá năng lực bổ sung của hậu cần Nga. Địa hình khó khăn trên chiến trường làm phức tạp thêm tình hình. Xe tăng, pháo và hệ thống rocket phóng loạt khó cơ động trong điều kiện ẩm ướt và lầy lội, khiến chúng trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.

Khi đó, các xe ATV trở thành giải pháp thay thế bởi chúng có khả năng vượt qua các địa hình khó một cách dễ dàng. Trọng tâm thấp và khả năng di chuyển lén lút khiến xe ATV ít bị vệ tinh và UAV phát hiện, mang lại lợi thế chiến thuật trên chiến trường.

Nhận thấy những hạn chế của xe bọc thép thông thường cũng như lợi thế về tính cơ động và khả năng ít bị phát hiện, lực lượng Nga đã bắt đầu sử dụng các xe ATV rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, ông Thakur cho rằng, việc phụ thuộc vào các khí tài không thông thường cũng cho thấy một thực tế đáng lo ngại đối với điện Kremlin. Dù vẫn chiếm ưu thế chiến trường nhưng việc sử dụng rộng rãi xe ATV cho thấy khả năng bù đắp phương tiện bọc thép bị thiệt hại của Nga vẫn còn hạn chế. Tuy có khả năng cơ động cao, các xe ATV vẫn dễ bị tấn công bằng nhiều loại vũ khí, bao gồm cả UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine.

Trúc Mai (Nguồn: Business Insider, Tass, Defense Blog)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-chiec-xe-dia-hinh-trung-quoc-o-ukraine-ar871158.html