Những chiếc ấn cổ bằng đồng có giá trị đặc biệt của Việt Nam

'Môn Hạ Sảnh ấn', 'Đề Thống Tướng quân chi ấn', 'Tả Quân chi ấn'... là những chiếc ấn cổ bằng đồng được chế tác tinh xảo, có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu về các triều đại phong kiến Việt Nam.

1. Được phát hiện vào năm 1962 tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, ấn đồng “Môn Hạ Sảnh ấn” được đúc vào thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377), cuối triều vua Trần Duệ Tông (1372-1377).

Ấn cao 8,5 cm, dài 7 cm, rộng 7 cm. Mặt ấn có hình vuông, đế tạc ba cấp, núm hình bia đá. Cạnh phải lưng ấn khắc chữ “Môn Hạ Sảnh ấn” (ấn của Sảnh Môn Hạ), cạnh trái khắc chữ “Long Khánh ngũ niên nguyệt nhị thập tam nhật tạo” (chế tạo ngày 23/5, niên hiệu Long Khánh 5).

Mặt ấn đúc bốn chữ “Môn Hạ Sảnh ấn” theo kiểu chữ triện. Ấn được dùng để đóng lên những văn bản hành chính quan trọng của nhà Trần từ kể từ đời vua Trần Phế Đế (1377-1388) trở về sau. Sảnh Môn Hạ là một cơ quan hành chính trung ương thời Trần, được lập năm 1325.

Cho tới nay, không có nhiều phát hiện về ấn đồng của các triều đại phong kiến Việt. “Môn Hạ Sảnh ấn” là chiếc ấn hiếm hoi có nội dung rõ ràng, niên đại cụ thể liên quan đến lịch sử hành chính trung ương thời Trần. Vào năm 2012, hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam

2. Được phát hiện tại xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, ấn đồng “Đề Thống Tướng quân chi ấn” đang được bảo quản và trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Được đúc năm 1515, chiếc ấn này là một hiện vật lịch sử quý giá gắn với triều Lê sơ.

Ấn có hình vuông, núm hình nghê quỳ, có chiều cao 6,10 cm, bề mặt có kích thước 11,5 cm x 11,5 cm. Mặt trên, bên trái ấn khắc chữ “Đề thống tướng quân chi ấn” (ấn của Đề thống tướng quân). Bên phải khắc “Hồng Thuận lục niên thập nhất nguyệt thập lục nhật tạo” (chế tạo ngày 16 tháng 11 năm Hồng Thuận thứ 6).

Mặt ấn hình vuông đúc nổi 6 chữ triện “Đề thống tướng quân chi ấn”. Theo giới nghiên cứu, đây là quả ấn dùng cho các vị quan được lựa chọn cử đến những nơi xung yếu được phong hàm giữ chức Tướng quân hoặc Đại tướng quân để chỉ huy quân đội chiến đấu.

Có thể nói, ấn đồng “Đề Thống Tướng quân chi ấn” là hiện vật mang giá trị lịch sử đặc biệt, góp phần giúp hậu thế tìm hiểu sâu hơn về nền hành chính và tổ chức quân đội thời Lê sơ.

3. Được lưu giữ tại Bảo tàng TP HCM, ấn đồng “ Tả Quân chi ấn” là một hiện vật gắn với Tả quân Lê Văn Duyệt, một nhân vật có vai trò quan trọng trong lịch sử của Sài Gòn và Nam Bộ.

Ấn được đúc bằng đồng, cao 7,8 cm, diện tích mặt ấn 9,25 cm x 9,25 cm, nặng 1,92 kg. Mặt trên ấn phía phải khắc chữ "Nhâm Tuất trọng xuân cát nhật giám tạo" (chế tạo ngày tốt, tháng 2 năm Nhâm Tuất). Núm ấn được đúc hình con lân, thể hiện đây là ấn dành cho tướng đứng đầu quân đội thời Gia Long.

Mặt ấn đúc nổi 4 chữ triện "Tả Quân chi ấn", cho thấy đây là ấn của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Theo sử sách, Lê Văn Duyệt (1763-1832) là một nhà chính trị, quân sự lớn thời Nguyễn. Ông là một trong các chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn.

Theo các nhà nghiên cứu, "Tả Quân chi ấn" là một trong 5 ấn được vua Gia Long cho đúc để ban tặng 5 vị chưởng quân đứng đầu ngũ quân thời bấy giờ là Tiền quân - Tả quân - Hữu quân - Trung quân - Hậu quân. Tả Quân Chi Ấn là chiếc duy nhất trong số này còn được lưu giữ.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/nhung-chiec-an-co-bang-dong-co-gia-tri-dac-biet-cua-viet-nam-1964984.html