Những cây kem không tan chảy

Triển lãm 'GIŨA: Phong Sắc' giới thiệu 30 tác phẩm tranh sơn mài, tập trung khai thác chất liệu lâu đời này. Kem Ta là art toy phủ sơn mài đáng chú ý trong buổi trưng bày.

Đầu tháng 3, triển lãm GIŨA: Phong Sắc diễn ra trong sự đón nhận của những người yêu hội họa. Buổi trưng bày bao gồm 30 tác phẩm đến từ 21 học viên trẻ của Dragon Sigma. Bên cạnh các tác phẩm hội họa, triển lãm cũng dành không gian giới thiệu những chất liệu do studio tự sáng tạo, bao gồm gắn trứng gà, trứng vịt, trứng nướng, đổ nhăn, trai ép, thiếc xay,...

Tác phẩm art toy Kem Ta thu hút sự chú ý của khán giả thưởng lãm. Những cây kem phủ lớp sơn mài được lấy cảm hứng từ cây kem trong tuổi thơ của nhiều người. Đây là ý tưởng của họa sĩ Phạm Khắc Thắng, được đội ngũ Dragon Sigma ủng hộ, chung tay sáng tạo.

Vào năm 2021, Phạm Khắc Thắng, nhà sáng lập studio Dragon Sigma, giới thiệu bộ sưu tập Nàng Thơ trong một triển lãm nhóm. Tại đây, các bức tranh sơn mài của anh ứng dụng công nghệ quét AR (viết tắt của Augmented Reality), cho phép khán giả trải nghiệm thêm âm thanh, chuyển động. Phạm Khắc Thắng là nghệ sĩ đầu tiên tại Hà Nội sử dụng công nghệ quét AR đối với tác phẩm sơn mài. Sau khi hoàn thiện sản phẩm vật lý, đội ngũ thực hiện chụp hình đưa lên các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh, bổ sung các chuyển động. Như vậy, công nghệ thực tế ảo tăng cường góp phần đa dạng hóa trải nghiệm cho khán giả, đem đến những tác phẩm mãn nhãn và mãn nhĩ.

Sau triển lãm này, Phạm Khắc Thắng nhận thấy sự nhầm lẫn phổ biến giữa sơn mài và sơn dầu ở khán giả trẻ. Từ đó, anh mong muốn mang sơn mài đến gần hơn với công chúng, giới thiệu chất liệu này một cách rộng rãi.

Triển lãm GIŨA: Phong Sắc tập trung khai thác sơn mài - chất liệu chủ yếu được giảng dạy và thực hành tại Dragon Sigma. Nhà sáng lập cho rằng xử lý sơn mài là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công. Sau khi vẽ, người thực hiện phải mài tranh. Quá trình đó lặp lại nhiều lần, tạo nên chiều sâu cho tác phẩm nghệ thuật.

Phạm Khắc Thắng dùng sơn ta thay vì sơn công nghiệp. Trong khi tranh sử dụng sơn công nghiệp chỉ có 3 lớp, những tác phẩm ứng dụng sơn ta lại chứa vô số lớp lang, tạo độ sâu, đem đến hiệu ứng thị giác ấn tượng. Tuy nhiên, quá trình xử lý sơn ta thường phức tạp hơn, đòi hỏi họa sĩ dành nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện sản phẩm. Sơn công nghiệp tự khô trong điều kiện tự nhiên, song sơn ta lại đòi hỏi môi trường độ ẩm cao.

4 năm trước, họa sĩ Phạm Khắc Thắng đứng sau nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Gần đây, anh quay trở lại với sơn mài. Đây từng là chất liệu giúp nghệ sĩ này tốt nghiệp thủ khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sơn mài là vật liệu có lịch sử lâu đời, từng được thế hệ đi trước sử dụng trên những mái đình, mái chùa sơn son thếp vàng. Ngoài ra, do đặc tính chống thấm nước, chất liệu này cũng được người dân làng chài phủ lên thuyền bè. Sau này, sơn mài được ứng dụng trong trang trí rối nước, phục vụ loại hình trình diễn truyền thống này.

Tuy nhiên, kiến thức về sơn mài chưa được phổ cập rộng rãi. Do đó, Phạm Khắc Thắng mong muốn giới thiệu vật liệu này cho các học viên không chuyên. Bên cạnh sơn mài, Dragon Sigma cũng dự định tiếp cận các chất liệu như lụa, mosaic, tranh kính, gốm trong tương lai. Lụa là vật liệu có tính chất gần giống sơn mài, bao gồm thao tác rửa lụa tương đương với khâu rửa tranh sơn mài.

GIŨA: Phong Sắc là triển lãm đầu tiên của Dragon Sigma, diễn ra từ 3-10/3 tại MAI Gallery (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Họa sĩ Phạm Khắc Thắng mong muốn biến GIŨA thành chuỗi sự kiện trưng bày, được tổ chức 1-2 năm/lần, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành trên đất nước.

Linh Vũ - Thụy Trang

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cay-kem-khong-tan-chay-post1463134.html