Những câu nói của cha mẹ khiến con cảm thấy tồi tệ hơn

Là cha mẹ, đương nhiên ai cũng mong muốn điều tốt nhất cho con cái. Chúng ta có thể hy sinh vì con, cho chúng mọi thứ mà không cần đòi hỏi ngược lại.

Tuy nhiên, có đôi khi chúng ta không biết cách hoặc ứng xử với con chưa đúng làm cho con cảm thấy tồi tệ hơn khi đang tổn thương. Thật đáng tiếc!

Hãy tham khảo một số điều sau đây để cha mẹ tự rút kinh nghiệm cho mình trong cách nuôi dạy con cái.

1. Ngay lập tức lên lớp cho con những gì cần làm

Con bị tổn thương do người bạn phản bội. Con đang rất đau khổ và nhốt mình trong phòng. Bố mẹ đập thình thình vào cửa và nói ““Con quên người bạn đó đi. Quên càng nhanh càng tốt. Họ chẳng giúp gì cho cuộc sống của ta đâu. May mà họ xấu xa từ bây giờ hơn là sau này. Kinh nghiệm của bố là như vậy đó”.

Khi con cái gặp điều gì đó đau đớn, bản năng của cha mẹ là ngay lập tức đưa ra giải pháp. Cha mẹ muốn bảo vệ con bằng cách truyền cho chúng sự khôn ngoan có được, đặc biệt là từ những thất bại của cha mẹ. Điều ấy không hẳn là sai nhưng không hẳn đúng khi con đang bị tổn thương, đặc biệt có thể con còn cảm thấy thêm phần tồi tệ hơn và điều đó là không cần thiết.

Có câu chuyện như thế này: Người anh trai của hai chị em gái đang hấp hối, họ đã mời một người đáng kính đến. Khi đến nơi, người anh đã chết và hai chị em rất đau lòng. Người đáng kính đã bày tỏ nỗi đau và khóc cùng họ. Các cô gái đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì được chia sẻ nỗi đau. Đôi khi con cái của chúng ta cũng cần như vậy.

Điều con cần khi gặp tổn thương - là được cha mẹ thấu hiểu và cùng đau xót với chúng, chứ không phải là đưa ra giải pháp một cách phiến diện!

2. Thiếu hiểu biết và ân cần khi con làm sai

Hãy giúp con bình tĩnh khi gặp điều tổn thương (hình minh họa).

Hãy giúp con bình tĩnh khi gặp điều tổn thương (hình minh họa).

Đứa con gái đi học về cầm cuốn sổ có lời phê của giáo viên “con đánh nhau với bạn trong lớp”. Thực tế con rất hiền nhưng do một bạn khác vẩy mực lên áo trêu chọc và kích động con.

Cha mẹ thường tỏ ra kinh ngạc hoặc tức giận đến phát điên lên khi các con cư xử thiếu thận trọng, phạm lỗi hoặc không vâng lời. Bằng cách nào đó, cha mẹ nghĩ rằng con không được phép thực hiện những động thái phản ứng như vậy với cha mẹ của mình. Vì vậy, cha mẹ tỏ vẻ bực bội thiếu thiện cảm và không còn kiên nhẫn với con.

Nhiều trường hợp không giảng giải cho con về những sai sót của chúng mà đặt ngay câu hỏi: “Bố mẹ có dạy con làm điều ấy không hả?”; “Sao mà con lại có thể hành động như thế cơ chứ, thật đáng xấu hổ”… Đây là điều phản ứng thiếu ân cần và thiện cảm của cha mẹ khi chưa hỏi con về nguyên căn của hành động.

Có thể đó là điều tiêu cực và không khuyến khích con phản ứng như vậy nhưng trước hết, bố mẹ phải yêu thương con theo cách con cần được thấu hiểu trước khi phán xét.

3. Sử dụng câu nói “Con học thật là dốt…” khi bị điểm kém

Danh tính của những đứa trẻ không hẳn là đúng với những gì chúng làm. Nếu chúng ta xác định trẻ em theo thành tích, chúng sẽ chỉ làm tốt bằng thành tích mà thôi. Ví dụ chúng sẽ làm sao để đạt được điểm cao nhưng chưa chắc là học tốt môn học đó. Và nếu cha mẹ định nghĩa những đứa trẻ bằng những thất bại, thì điều đó sẽ mang lại sự tồi tệ cho con.

Nếu cha mẹ dùng câu nói “Con học thật là dốt …” khi bị điểm kém có nghĩa là bạn vô tình kết nối nó với một cái gì đó tiêu cực. Bạn đã để lại cho con sự thiếu thiện cảm. Bởi vì, sự thật có khi con bị điểm kém chưa chắc là con học tồi tệ và ngược lại, có khi điểm tốt chưa hẳn là thông minh. Sự thật có khi chỉ là cách học hoặc do một lý do nào đó.

Thực tế, có nhiều trẻ sau này thành đạt nhưng hồi đi học có khi điểm số rất kém, còn cũng có nhiều trẻ sau này không thành đạt trong khi hồi trung học toàn đạt điểm cao. Cho nên, bố mẹ cần cân nhắc khi nói những câu nói trên. Con bạn sẽ cảm thấy bất mãn hoặc khó xác định phương hướng.

Theo allprodad

Vũ Tùng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/nhung-cau-noi-cua-cha-me-khien-con-cam-thay-toi-te-hon-7kFSfEUnR.html