Những câu chuyện hạnh phúc của K15

Từ năm 1972 đến 1973, Khu vực Vĩnh Linh đã cưu mang 4 vạn người dân của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng ra sơ tán. Chương trình đưa người dân từ 2 địa phương này ra Vĩnh Linh có tên gọi là Kế hoạch K15 nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho hàng vạn con người cũng như hình thành một địa bàn đứng chân vững chắc ở miền Bắc để tiếp tục cuộc chiến đấu nhằm tiến đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kế hoạch K15 ngoài việc thể hiện một chủ trương kịp thời, đúng đắn của Đảng còn góp phần xây đắp nên nhiều câu chuyện hạnh phúc của những đôi trai gái, góp phần thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các miền quê trong cuộc sống hôm nay.

Cuộc trùng phùng hạnh phúc

Bà Phan Thị Khương (79 tuổi), là vợ của ông Lê Trọng Hề (85 tuổi), ở thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy. Tuổi cao nhưng ông bà rất minh mẫn, sớm hôm vui vẻ, hạnh phúc cùng con cháu và xóm làng.

Vợ chồng ông Hề, bà Khương luôn hạnh phúc bên nhau -Ảnh: Tú Linh

Hôm gặp chúng tôi, bà Khương chuẩn bị cùng chồng vào thôn Hà My, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong để thăm bà con. Câu chuyện hạnh phúc của ông Hề, bà Khương bắt đầu từ hành trình K15 đầy thương nhớ, để rồi hôm nay ông Hề trở thành người con rể của đất Triệu Phong. Bà Khương nhớ lại, vào tháng 7/1972, gia đình bà có 14 người gồm cha, mẹ và gia đình các anh chị em ruột cùng nhiều gia đình khác ở Triệu Phong được tổ chức sơ tán ra huyện Vĩnh Linh. Đến nơi, gia đình bà được phân công ở với gia đình ông bà Lê Văn Thạnh và Lê Thị Thược tại thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy. Khi ấy, người dân xã Vĩnh Thủy cũng như các xã ở Vĩnh Linh chỉ có lực lượng thanh niên ở lại để tổ chức sản xuất và tham gia chiến đấu. Còn phụ nữ, học sinh, trẻ em đều được ra các tỉnh, thành miền Bắc từ trước đó theo diện K8 và K10.

Người dân Vĩnh Thủy đã dồn hết yêu thương cho người dân xã Triệu Hòa mới sơ tán ra. Lúc ấy nhà cửa của người dân nơi đây chỉ là lán trại, phía dưới đào các hầm chữ A để tránh bom đạn quân đội Mỹ bất ngờ trút xuống. Khi chưa đào thêm kịp hầm thì người dân Vĩnh Thủy đêm đêm ra nằm phía ngoài hầm, nhường chỗ cho người dân Triệu Hòa ngủ. Rồi họ tiếp tục đào rộng thêm hầm để đủ chỗ cho mọi người cùng sinh hoạt. Nhờ vậy, người dân Triệu Hòa cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất với người dân tại chỗ, hòa nhập nhanh vào không khí sản xuất, chiến đấu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa ở Vĩnh Linh với tình cảm càng thêm sâu đậm.

Trong những ngày ấy, tình cờ ông Hề và bà Khương quen nhau, đồng cam cộng khổ và yêu nhau từ đó. Ông Hề nhớ lại, cuối năm 1972, khi hỏi bà Khương để báo tổ chức xin làm lễ cưới, bà nói yêu nhau quan trọng là tin tưởng, còn ông phải sản xuất, chiến đấu giỏi bà mới đồng ý cho cưới. Sau đó, ông Hề báo cáo tổ chức và được ưu tiên mua thuốc lá, trà để tổ chức tiệc cưới ngay trong hầm chữ A. Ngày diễn ra lễ cưới, dù trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng có đủ bà con hai họ vì người thân bên nhà nữ cũng sơ tán ra Vĩnh Thủy theo Kế hoạch K15 nên đều có mặt đầy đủ làm cho lễ chúc phúc của ông bà thêm ý nghĩa. Sang năm 1973, hai người sinh được con trai đầu lòng trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của bà con nội ngoại. Bà Khương luôn là người con dâu giỏi được họ hàng bên chồng quý mến. Họ cùng nhau sản xuất nông nghiệp, xây dựng gia đình ngày thêm ấm no. Vợ chồng ông Hề hiện có 3 người con, đều trưởng thành. Người con trai đầu công tác tại Sở Tài Nguyên và Môi trường, người con gái lập nghiệp ở quê, người con trai út công tác ở Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Hề hóm hỉnh kể lại, mấy mươi năm sau tiệc chúc phúc của ông, vợ chồng ông lại tổ chức tiệc cưới cho người con trai út của mình mà cô dâu cũng là người Triệu Phong. Lễ rước dâu từ huyện Triệu Phong ra thôn Thủy Ba Tây, xã Vĩnh Thủy, diễn ra trong sự hân hoan của bà con và người dân trong làng, xã.

Nhớ lời hẹn ước

Tại thôn Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp, người dân ai cũng biết mối tình đặc biệt của vợ chồng ông Nguyễn Thái Truyện (75 tuổi) và bà Lê Thị Đơn (79 tuổi).

Ông Nguyễn Kham, người phụ trách Ban đón tiếp K15 trên đất Vĩnh Linh nhớ như in về sự kiện ý nghĩa này-Ảnh: Tú Linh

Năm 1972, bà Đơn cùng gia đình gồm 6 người là mẹ, em út, chị dâu và hai cháu từ thôn An Lợi, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong, ra sơ tán ở lại nhà bà Nguyễn Thị Bình tại thôn Chấp Lễ theo Kế hoạch 15. Bà Đơn kể, cùng đi với gia đình bà ngày ấy có rất đông người dân ở xã Triệu Độ. Chính quyền và người dân xã Vĩnh Chấp tuy đang gặp nhiều khó khăn do bị chiến tranh tàn phá nhưng luôn rộng lòng cưu mang, đùm bọc người dân Triệu Phong từ bát cơm, chiếc áo đến chỗ nằm. Hằng ngày, trừ trẻ em, còn lại những người lớn tuổi đều tham gia cùng hợp tác xã sản xuất. Ông Nguyễn Thái Truyện là thanh niên của thôn Chấp Bắc, nhận nhiệm vụ giúp đỡ các gia đình từ miền Nam ra. Tình cờ ông bà gặp nhau rồi mến nhau từ đó.

Ba tháng sau, bà Đơn được lệnh trở về xã Triệu Độ để bổ sung vào lực lượng tuyến đầu. Hai người thề hẹn với nhau sẽ tổ chức lễ cưới khi mỗi người hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức giao. Thời gian này, ông Truyện bà Đơn thường xuyên gửi thư cho nhau để giữ liên lạc. Hoàn thành nhiệm vụ, nhớ lời hẹn ước xưa, bà Đơn trở lại mảnh đất Chấp Bắc, xã Vĩnh Chấp để được gặp ông Truyện. Rồi một tiệc chúc phúc đơn giản nhưng ấm áp của hai người được diễn ra trước sự chứng kiến của người thân. Bà Đơn chia sẻ, bà yêu và đồng ý để ông Truyện cưới làm vợ vì ông thật thà, tốt bụng, siêng năng lao động; người dân Chấp Bắc, nơi quê hương chồng bà sống thủy chung, trách nhiệm.

Từ khi lập gia đình, vợ chồng ông Truyện, bà Đơn sống bằng nghề nông, chăn nuôi bò và sản xuất. Vượt qua những tháng ngày gian lao vất vả, ông bà sinh được 3 người con, ai cũng trưởng thành. Hôm gặp chúng tôi bà khoe gia đình đang có đàn bò, trong đó có 3 con bò sinh sản. Người con trai đầu của ông bà đang làm thợ cơ khí. Tuy cuộc sống gia đình không giàu có nhưng luôn ấm áp tình cảm.

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chấp Võ Văn Tuấn cho biết, trên địa bàn của xã có rất nhiều gia đình có gốc gác huyện Triệu Phong ở lại sinh sống chứ không trở về quê hương sau năm 1973. Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm yêu thương, gắn bó với nhau trong thời gian người dân xã Triệu Độ thực hiện Kế hoạch 15 trên đất Vĩnh Linh nên từ lâu xã Vĩnh Chấp và xã Triệu Độ đã kết nghĩa anh em. Mỗi lần xã Triệu Độ có sự kiện lớn đều mời lãnh đạo xã Vĩnh Chấp vào dự và ngược lại để không ngừng phát huy truyền thống đùm bọc, yêu thương lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương hôm nay.

Chia sẻ ngọt bùi

Ông Nguyễn Kham nguyên là Ủy viên Thư ký của Ủy ban Khu vực Vĩnh Linh; nguyên Chủ tịch UBND huyện Triệu Hải. Thời gian năm 1972-1973, ông phụ trách Ban đón tiếp K15 trên đất Vĩnh Linh. Năm nay đã 96 tuổi nhưng ông Kham rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết của Kế hoạch K15. Sau khi chúng ta giải phóng tỉnh Quảng Trị vào ngày 1/5/1972, quân đội chính quyền miền Nam cũ tổ chức tái chiếm, tình hình trở nên khốc liệt, Tỉnh ủy Quảng Trị xin ý kiến và được Ban Bí thư Trung ương đồng ý kế hoạch cho đưa 4 vạn người dân huyện Triệu Phong, Hải Lăng sơ tán ra Vĩnh Linh, còn gọi Kế hoạch 15. Khu ủy và Ủy ban Khu vực Vĩnh Linh được giao nhiệm vụ thành lập ban đón tiếp, lấy tên Ban đón tiếp K15 với tinh thần hết sức khẩn trương, chu đáo, đảm bảo an toàn. Người dân các xã của huyện Triệu Phong và một phần của huyện Hải Lăng ra Vĩnh Linh được cấp đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm hằng ngày, người lớn mỗi tháng 15 kg gạo, trẻ em 10 kg.

“Điều đáng tự hào nhất khi ấy là trong hoàn cảnh khó khăn, Vĩnh Linh đã sơ tán dân ra miền Bắc, chỉ còn 3 vạn người ở lại nhưng sẵn lòng cưu mang, chia sẻ ngọt bùi với 4 vạn người dân của hai huyện Triệu Phong, Hải Lăng một cách đầy đủ, trách nhiệm nhất”, ông Kham chia sẻ.

Chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên gia đình bà Đơn, ông Truyện nhân ngày lễ lớn -Ảnh: TÚ LINH

Điều ông Nguyễn Kham luôn nhớ hơn hết là tình cảm người dân các địa phương luôn gắn bó keo sơn, nhiều nam thanh nữ tú cùng sản xuất, chiến đấu và mong muốn tìm hiểu nhau để xây dựng hạnh phúc gia đình. Ngày nào ông cũng được cấp dưới báo cáo lên danh sách các cặp thanh niên người ở huyện Triệu Phong, Hải Lăng chuẩn bị kết hôn với thanh niên người huyện Vĩnh Linh và đề nghị ưu tiên cho mua hàng hóa phục vụ tiệc cưới.

Cứ mỗi lần nhận được báo cáo như vậy ông đều quyết định ủng hộ nhanh chóng bằng việc cho phép cửa hàng thương nghiệp bán cho các đôi uyên ương 1 tút thuốc lá Điện Biên, 5 gói chè sản xuất tại Vĩnh Linh mang thương hiệu chè Bến Hải để phục vụ lễ cưới.

Với tư cách là người phụ trách K15, chính tay ông đã góp phần xây nên hạnh phúc cho hàng trăm cặp trai gái uyên ương là người Triệu Phong, Hải Lăng và Vĩnh Linh thành vợ chồng. Không ít đôi vợ chồng nhớ ông, còn tìm đến thăm ông và ôn lại kỷ niệm xưa.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/nhung-cau-chuyen-hanh-phuc-cua-k15/183093.htm