Những cảm xúc nhân tạo

Tiếng báo tin nhắn khiến tôi buông cuốn sách đọc dở để kiểm tra điện thoại. Trong hộp thư của facebook, nhà phê bình văn học NTS gửi cho tôi một tấm ảnh của chính tôi, xăm trổ đầy mình như yakuza. Tôi bật cười, trả lời: 'Kinh quá. Ở đâu ra thế anh?'.

Anh gửi thêm vài tấm nữa, với nhiều vẻ ngoài khác nhau của tôi, từ doanh nhân cho tới nhân vật lịch sử và nói rằng anh tạo ra những tấm ảnh của tôi nhờ một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Điều đó khiến tôi nhớ ra một xu hướng mới mẻ đang được chia sẻ gần đây, cũng là hình ảnh, cũng được tạo ra bởi AI.

Lạ kỳ thay, như có một sắp đặt từ trước vậy, khi nhận được ảnh tạo ra bởi AI từ NTS, tôi lục lại dòng ký ức facebook cũ kỹ của mình thì thấy một chia sẻ từ 6 năm trước. Khi ấy, tôi đưa lên trang cá nhân của mình đường dẫn một bản thu âm có tên "Break Free". Bài hát ấy có hay hay không, tôi cũng chẳng nhớ nữa. Thậm chí, giai điệu, tiết tấu của nó thế nào, tôi cũng không còn lưu lại được một mảy may. Nhưng tôi đã chia sẻ nó là bởi đó là bài hát đầu tiên được sáng tác bởi AI. Sự đóng góp của con người trong tác phẩm đó chỉ là giọng ca và một chút trau chuốt lại phần ca từ mà thôi.

Bức tranh "Edmond de Belamy" do AI sáng tác

6 năm trước, khi nghe chuyện AI sáng tác một sản phẩm nghệ thuật, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy thích thú thực sự. Nhưng bây giờ, có lẽ con người ta không còn sự thích thú ấy nữa, mà bắt đầu cảm nhận về một mối đe dọa. AI hôm nay đã có thể làm được rất nhiều thứ, từ viết báo cáo, viết luận văn, viết báo, viết kịch bản… Chắc một ngày không xa nữa, chính AI sẽ tạo ra cả một bộ phim hoạt hình từ A tới Z. Nó sẽ đảm nhiệm cả biên kịch, cả xây dựng nhân vật, thể hiện nhân vật cùng các phân đoạn liền mạch nhau. Thứ nó cần duy nhất chỉ là một mệnh lệnh, từ người sử dụng nó, với vài dữ liệu đầu vào cần thiết kiểu như "thể loại film", thời lượng film, số lượng nhân vật vv và vv.

Cũng ở tư gia của NTS, trong một buổi tối ngồi với hai nhà văn lão làng, chúng tôi đã được NTS giới thiệu một ứng dụng AI rất hiệu quả. Hôm ấy, chúng tôi đã thử đưa vào dữ kiện và yêu cầu ứng dụng ấy trả kết quả là một kịch bản phim. Tất nhiên, AI chưa thể đưa ra một kịch bản phân cảnh chi tiết ngay lập tức nhưng nó đã có đáp án là một tóm tắt chuyện phim đủ những tình tiết chủ đạo khá hấp dẫn. Và NTS cũng đã chia sẻ với chúng tôi rằng thật ra, AI không đe dọa công ăn việc làm của con người. Thay vào đó, nó thách thức con người hơn trong việc có thể làm chủ AI và sử dụng AI như một người trợ lý đắc lực hay không mà thôi.

Đúng là con người đã và đang sử dụng AI khá hiệu quả. Trong một chương trình bình luận âm nhạc gần đây mà tôi tham gia trong tư cách khách mời, bối cảnh sân khấu là tranh vẽ hoàn toàn được tạo ra bởi AI với những "đơn đặt hàng" từ con người. Hôm ấy, tôi còn nhớ rõ, Đinh Tiến Dũng (người dẫn chương trình) nói với tôi: "Công nhận là tranh AI nó vẽ đẹp thật anh ạ, nhưng không hiểu sao, nhìn vào nó, em cứ có cảm giác sợ sợ". Tôi giật mình với chia sẻ ấy của Dũng, vì tôi cũng có cái cảm giác sợ sợ như thế. Có một cái gì đó ma mị, rất ảo trong những thể hiện của AI. Những gì nó mô tả trong bức tranh dường như đến từ một thế giới khác, một tinh cầu khác chứ không phải trái đất gần gũi với chúng ta bao lâu nay rồi.

Tôi biết, có rất nhiều người hiện nay đang dùng AI như người hỗ trợ đắc lực cho mình trong sáng tạo. Có những kịch bản được con người đặt hàng để AI viết ra hàng ngày, nhất là ở giai đoạn nội dung giải trí trên các nền tảng số nở rộ như hiện nay, dẫn tới áp lực đòi hỏi các nhà sáng tạo nội dung phải sản xuất liên tục. Và tôi tự hỏi, trên thị trường âm nhạc Việt Nam, liệu đã có sản phẩm nào được hình thành từ sự hỗ trợ đắc lực của AI hay chưa và nếu có, tính phổ cập của các sản phẩm ấy là như thế nào.

Dùng AI thực tế là tốt thôi, nếu như chúng ta khai thác nó hiệu quả và đúng đắn. Song, trong tôi vẫn luôn có một vết gợn khi nghĩ đến chuyện sử dụng AI ở các sáng tạo nghệ thuật. Với tôi, thứ quan trọng nhất trong thực hành nghệ thuật phải là ý tưởng gốc và tính nguyên bản. Ta không thể mượn, sao chép một ý tưởng sẵn có bởi đó không còn là sáng tạo của riêng ta nữa rồi. Vậy thì đưa ra gợi ý và nhờ AI làm nốt phần việc còn lại có còn đảm bảo cái nguyên bản sáng tạo của người nghệ sĩ hay không? Tôi kiên quyết trả lời là không.

Yayi là metahuman (người kỹ thuật số siêu thực tế) đầu tiên tại Trung Quốc, ra mắt tháng 5/2021

Tôi không bao giờ quên được cảm giác khi hợp tác cùng với các đồng nghiệp âm nhạc khác, đặc biệt là người tôi vô cùng yêu mến: nhạc sĩ Bảo Chấn. Mỗi khi chú Chấn muốn tôi tham gia viết lời cho một ca khúc nào chú mới sáng tác giai điệu, chú thường ghé tôi cafe, rồi khẽ khàng rút từ trong túi chú ra một tờ giấy gấp tư mà trong đó là những nốt nhạc chú viết tay. Tôi cầm mảnh giấy ấy về, ôm đàn và bắt đầu hình thành ý tưởng ca từ sau khi đã thấm giai điệu, hòa thanh của chú Chấn. Rồi tôi cũng cặm cụi ngồi viết tay lại các ca khúc ấy trên giấy nhạc, để làm kỷ niệm. Thói quen viết tay ấy tôi giữ từ lâu rồi, và trong túi xách của tôi luôn có bút chì, bút máy cùng giấy chép nhạc. Chỉ cần có giai điệu đẹp bật ra trong đầu, tôi sẽ lập tức ký âm lại và hoàn thiện sản phẩm khi cảm xúc chín muồi. Và thật lạ là nhiều nhạc sĩ trẻ tuổi sau này đã bỏ qua cái giai đoạn lý thú nhất ấy của sáng tác. Họ không còn ký âm lại ca khúc của mình trên giấy, hoặc đơn giản hơn là trên phần mềm soạn thảo văn bản âm nhạc nữa. Họ làm demo, họ thu âm và với họ như vậy là đủ. Có lẽ, họ không còn cảm nhận được vẻ đẹp của từng nốt móc đơn, móc kép, từng dấu hóa, dấu lặng… nữa. Hoặc giả, chính vì sự tiện lợi của công nghệ đã khiến họ bỏ qua vẻ đẹp ấy. Bỏ qua lâu dần đâm ra thành thói quen.

Tôi nhớ, người ta thường hay nói chữ xấu như chữ bác sĩ. Lạ kỳ thay là ít ai nói chữ đẹp như chữ nhạc sĩ cả; trong khi kỳ thực, các nhạc sĩ chép nhạc rất đẹp. Người viết tay bản nhạc đẹp nhất hiện nay mà tôi biết chính là Đức Trí. Chữ và nốt của anh bay bướm, lại viết bằng loại ngòi bút mực nét thanh nét đậm nên nhìn càng hấp dẫn hơn. Dũng Đà Lạt cũng là một nhạc sĩ viết nốt nhạc rất đẹp. Tôi nghĩ, khi chép tay bản nhạc, họ trút cả phần tâm hồn của mình vào đó. Những thứ ấy, vĩnh viễn AI không bao giờ mang lại được.

Cuộc đời hoạt động trong giới âm nhạc của tôi gắn liền với nhiều bản tổng phổ của nhiều ca sĩ. Và tôi lưu giữ tổng phổ ấy cho tới tận bây giờ. Tôi không nỡ bỏ đi những trang chép nhạc đẹp đẽ mà các anh lớn đã dày công chép lại. Và việc giữ lại ấy có ích. Đã từng có lúc, có ca sĩ gọi cho tôi hỏi: "Anh ơi, anh còn giữ cái tổng phổ bài đó, bài kia mà ngày xưa anh Trí phối khí cho em không?". Họ đã gọi đúng địa chỉ. Chỉ chục phút sau thôi, tôi đã chuẩn bị sẵn bản photo. Tôi biết, sau buổi diễn, có thể họ sẽ lại bỏ quên những bản chép tay đó. Còn tôi thì khác. Tôi yêu những nốt nhạc nên tôi trân trọng từng nốt nhạc như thể một kiếm sĩ trân trọng thanh kiếm của mình.

Giữa thời đại công nghệ hối hả hôm nay, có còn ai nhớ tới những ngón tay dính mực sau khi chép những nốt nhạc hay không? Khi mà ngày càng nhiều thứ được ỉ lại cho AI làm hơn, thậm chí cả việc sáng tác, cái cảm xúc của những ngón tay dính mực chắc đã không còn. Nhưng nào có mấy ai nghĩ, những thành quả mà họ đạt được từ việc làm chủ AI có phải là cảm xúc thật sự của người sáng tạo hay không, hay chỉ là một cảm xúc nhân tạo, thậm chí là vay mượn. Những vay mượn đó, chắc chắn, càng ngày khiến chúng ta càng rời xa tâm tính của con người.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nhung-cam-xuc-nhan-tao-i707105/