Những cái Tết xa quê

Ở đầu máy bên kia, giọng Đức lạc hẳn đi khi nhắc tới gia đình và người thân trong những ngày Tết xa. Đã năm thứ 5 không được ăn Tết ở quê, nhưng cảm xúc của Vì Minh Đức, du học sinh tại Đại học Tổng hợp, Bộ Nội vụ Liên bang Nga vẫn như những ngày đầu tiên đặt chân đến đất nước xa xôi hàng nghìn cây số…

1. 7h30 sáng, ngày nào cũng vậy, Vì Minh Đức thức giấc, nhanh chóng bắt đầu một ngày mới của mình bằng bữa sáng rồi di chuyển đến giảng đường. Đã 5 năm sinh hoạt theo thời gian biểu này, cũng có đôi lúc thấy mệt, nhưng với anh được học tập và rèn luyện ở một môi trường đào tạo nghiêm túc, bài bản như Nga là một niềm tự hào mà không phải ai cũng có được.

Là một người con dân tộc Thái ở huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, năm 2015, Đức được tuyển chọn vào Trường Văn hóa I, Bộ Công an (nay là Trường Văn hóa - Bộ Công an). Học hết phổ thông, Đức thi đỗ Học viện ANND, đồng thời với những thành tích tiêu biểu cả ở THPT và năm đầu tiên tại Học viện, Đức may mắn được tuyển chọn đi du học tại Trường Đại học Tổng hợp Bộ Nội vụ Liên bang Nga mang tên V.IA.Kikotia, hệ chuyên gia, chuyên ngành Giám định Tư pháp.

Các học viên tại Trường Đại học Tổng hợp Bộ Nội vụ Liên bang Nga.

Trong cuộc trò chuyện với tôi qua mạng khi đã quá nửa đêm, Đức bảo rằng: "Sắp bước qua cái Tết thứ 5 xa quê hương, xa Tổ quốc, tôi đã dần quen với cuộc sống hiện tại, nhưng những ngày giáp Tết, tôi vẫn luôn mong muốn được trở về Việt Nam với gia đình. Ở Việt Nam có nhiều người bảo Tết "nhạt", nhưng với những du học sinh thì Tết ở đây gần như là điều xa xỉ mà không phải ở đâu cũng có được. Ở Việt Nam, Tết là sum vầy, thì chúng tôi ở đây, Tết là những ngày đi học chống chọi với cơn bão tuyết băng giá, cái rét tím tái da thịt, có những ngày âm 20 độ, khiến cho tôi hay bất kỳ một du học sinh nào đang học tập tại Nga lại càng cảm thấy nhớ nhà hơn bao giờ hết".

Nhưng điều anh tự hào nhất khi sang nước Nga học tập là được giới thiệu, quảng bá đến bạn bè năm châu về những nét văn hóa của Việt Nam. "Trong ngày hội văn hóa các dân tộc do nhà trường tổ chức, đối với tôi, tôi luôn trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa đậm đà con người Việt Nam, đặc biệt là những nét đẹp của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc. Là người dân tộc Thái, nhưng tôi đã khoác trên người bộ trang phục của dân tộc Mông, sự phối kết các dân tộc với mong muốn mang đến gần hơn những vẻ đẹp của đồng bào dân tộc "Con Lạc, cháu Hồng", để bạn bè thế giới có cái nhìn chân thực, gần gũi về nền văn hóa phong phú nhưng giản dị, chân tình giống như cốt cách của con người Việt. Cũng thông qua đó, tôi muốn cho bạn bè ở nơi tôi đang học tập biết được rằng, dù ở đâu, làm gì chúng tôi cũng luôn hướng về những điều bản sắc nhất của dân tộc", Vì Minh Đức nói.

2. Cũng giống như Vì Minh Đức, Nguyễn Doãn Thái năm nay 21 tuổi, quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An cũng là cái Tết thứ hai xa nhà, xa quê hương. Tháng 12/2022, Thái vinh dự là một trong những học viên được Bộ Công an cử đi học tại Đại học Tổng hợp Bộ Nội Vụ Liên bang Nga.

Học viên Nguyễn Doãn Thái năm thứ 2 đón Tết xa quê.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, Nguyễn Doãn Thái đang dần làm quen với mọi điều tại nơi đây bằng chính sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Chia sẻ với tôi, Nguyễn Doãn Thái cho biết: "Đến Tết Nguyên đán 2024 thì thời gian chúng tôi sang đây học tập được hơn một năm. Khi học tập tại Nga, tôi học cùng các người bạn đến từ nhiều đất nước khác nhau, nhưng khi nhắc đến Tết Nguyên đán, bạn bè quốc tế rất ngạc nhiên, bởi chỉ số ít nước trên thế giới có dịp lễ đặc biệt này".

Đây là cái Tết thứ hai tại nơi đất khách, Thái cũng như những người bạn đồng hương của mình đã có những kế hoạch chuẩn bị để đón một cái Tết Nguyên đán ấm cúng. Đồng thời sẽ cùng nhau nấu và thưởng thức món ăn cổ truyền của dân tộc như bánh chưng, nem rán hay thậm chí là món mứt thơm nồng. "Với tôi, việc tự làm và tận hưởng không khí năm mới bên nhau là niềm hạnh phúc. Cảm giác không được quây quần bên gia đình khiến chúng tôi thấy lạ lẫm nhưng tôi cũng không buồn vì bên này có nhiều bạn Việt Nam cùng đón năm mới. Chúng tôi sẽ tổ chức thêm cả một số hoạt động đón Tết mời bạn bè đến dự để có dịp giới thiệu về nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam", Nguyễn Doãn Thái chia sẻ.

Tuy nhiên với Thái, dù đi đâu, dẫu xa hay gần, mong muốn đầu tiên của đứa con xa quê là được về ăn Tết với bố mẹ. Cảm xúc nhớ nhà tràn ngập khi nhìn thấy người người nhà nhà khoe hình lên mạng xã hội được đoàn viên, được mặc áo dài rực rỡ với gia đình. Vì thế khi xa quê trong những dịp đặc biệt như Tết thì lòng anh không tránh khỏi những cảm giác tủi thân, nhớ nhà.

3. Giống như Đức và Thái, nữ học viên Trần Hải Chiều cũng đang học tập tại Đại học Tổng hợp Moscow thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Nga. Với Trần Hải Chiều, trong ký ức ngày Tết là những gì đẹp đẽ và ấm áp nhất. Dịp Tết không chỉ đơn thuần là cỗ bàn đề huề, mà Tết còn là dịp cả gia đình được quây quần kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, ôn lại cả những kỷ niệm thời thơ ấu rồi cùng nhau phá lên cười… Tết thời nay tuy đã ngắn hơn độ trước, nhưng chỉ cần vài ngày như vậy cũng đủ làm những ngày Xuân thêm tươi vui.

Nay xa quê, nhưng Chiều vẫn cố gắng để có những ngày Tết tươm tất không kém gì ở quê, cũng có những đặc sản quê hương và cũng có cả những lời chúc không chỉ của các học viên người Việt mà có cả những học viên người nước ngoài... "Ở đây tôi đã nhận được những lời chúc ấm áp của thầy cô, các bạn học viên quốc tế. Không phải là lời chúc bằng tiếng Nga, thứ ngôn ngữ chúng tôi giao tiếp hằng ngày, mà thay vào đó mọi người đã cố gắng tập nói bằng tiếng Việt kèm cái ôm đầy yêu thương. Không chỉ vậy, Tết còn là dịp để mình tự hào giới thiệu tới bạn bè quốc tế về những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, đưa hình ảnh thân thương của những chiếc bánh chưng, bao lì xì tới gần hơn với các nước bạn", Trần Hải Chiều tâm sự.

Vì Minh Đức (thứ 2 từ trái sang) và bạn bè người Việt trong “Ngày hội văn hóa dân tộc”.

Những ngày Tết, tuy cả nhóm sinh viên Việt Nam cùng rủ nhau gặp mặt nhân ngày Tết cổ truyền, nhưng cũng có đôi lúc thấy tủi, có lẽ là trong khoảnh khắc đón Giao thừa không được đứng cạnh gia đình, cùng nhau đếm những giây cuối cùng trước khi bước sang năm mới và trao cho nhau những lời chúc đầy yêu thương. Trần Hải Chiều nói rằng: "Trong những ngày xa quê và trong dịp năm mới có hàng ngàn niềm vui và nỗi buồn không thể đếm hết, nhưng du học là thế, đừng bao giờ để những điều đó làm cản bước".

Đã mấy năm du học tại xứ người, điều mà Trần Hải Chiều hạnh phúc và luôn tự hào, đó là luôn giữ gìn hình ảnh người chiến sĩ Công an Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Điều mà Đức, Thái hay Chiều cũng như hầu hết sinh viên Việt Nam ở nước ngoài nói chung hy vọng, mong mỏi nhất trong một năm mới, đó là luôn mạnh khỏe để học tập và rèn luyện, phấn đấu góp sức mình cho quê hương. Dù sống ở bất kỳ phương trời nào thì Tết vẫn là khoảng thời gian tuyệt vời để người Việt bên nhau, mọi người cùng nhau vui chơi, tâm sự về năm vừa qua, để lấy sức mới và thực hiện kế hoạch cho năm tới.

Cao Thiên

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/nhung-cai-tet-xa-que-i721054/