Những cái Tết thiếu mai vàng

Nhìn phòng khách và trên bàn thờ ông bà nội không có nhánh mai nào, tự nhiên tôi thấy chạnh lòng.

Tết Tân Sửu vừa rồi là Tết thứ ba nhà tôi không chưng mai. Nhìn phòng khách và trên bàn thờ ông bà nội không có nhánh mai nào, tự nhiên tôi thấy chạnh lòng. Tôi ra vườn bẻ mấy nhánh huỳnh hoa đăng (mai Hà Lan) đã tàn gần nửa để cắm vào chiếc bình đặt trên bàn phòng khách cho có màu vàng sung túc.

Khách đến nhìn từ xa thấy những cánh hoa mai to vàng rực rỡ đều trầm trồ khen nhưng đến gần mới nhận ra nhiều cánh hoa đã héo, những bông đã tàn, rụng lả tả xuống mặt bàn và sàn nhà.

Đến tết năm đó, ba tôi yếu hẳn. Căn bệnh tiểu đường kéo dài mấy mươi năm giờ tàn phá nhiều bộ phận cơ thể ông. Giáp Tết Canh Tý, ông phải cắt cụt chân phải, sau hơn hai tháng nằm viện mong có thể chữa lành các vết thương tự bục ra, làm bàn chân hoại tử, hành sốt suốt nhiều tháng. Cắt xong, về nhà, vết thương vừa khô mặt thì đến Tết.

Ảnh minh họa.

Trong suốt thời gian gần ba tháng, cả nhà tất bật thay nhau vào bệnh viện chăm ông, ấy vậy mà lắm lúc buộc phải để ông nằm một mình, trong những ngày chưa phẫu thuật, để ông tự đẩy xe lăn hoặc lò cò dọc theo hành lang phòng bệnh khi cần đi đâu đó. Nên chẳng có ai tước lá mai. Quanh vườn có mấy chục gốc mai, nhiều cây đã trên mười năm tuổi, lá vẫn đầy cành.

Năm trước nữa, ba tôi cũng đã yếu, không đứng lâu được. Dù đôi lúc vẫn ráng chạy xe chở bao phân vào rẫy hay chở bao hạt điều, vài buồng chuối ra vựa bán nhưng ông đi lại đã hạn chế. Hai bàn chân mất cảm giác, bước đi không vững, lắm khi va vào vật cứng bật máu mà ông không hay biết, chỉ khi thấy máu chảy ròng ròng mới biết bị thương... Thằng em út ở chung nhà phải chuyển đi làm khá xa, hàng tuần mới vượt hơn hai trăm cây số về nhà, nên nhiều việc trong nhà bị bỏ phế. Mai không ai lặt lá...

Những năm trước đó, đám mai trước nhà của em tôi trồng luôn xanh tốt. Dù bị tán vú sữa che một phần nhưng đám mai cứ ngày một nhiều hơn, hoa năm trước kết trái thì năm sau có vài cây mọc thêm. Lâu lâu về thăm nhà, tôi phải chặt bớt một số, chỉ để lại những cây tốt. Độ mùng mười tháng Chạp tôi hay điện thoại nhắc ba lặt lá mai. Tôi chưa lần nào nhìn thấy ông lặt lá nhưng vẫn hình dung được cái cảnh người đàn ông phương phi nhưng bước chân bắt đầu xiêu vẹo phải khó nhọc đứng trên cái ghế sắt lặt lá thế nào.

Thời gian đó, tết năm nào nhà cũng có mai. Có năm, ba tôi quên, lặt lá trễ nên phải tưới nước thường xuyên thì đến mùng hai, mùng ba hoa cũng nở đầy cành. Có năm lặt lá đúng kỳ nhưng chợt có mưa xuân, hoa nở sớm, vậy mà chưng các cành mai ít hoa nhưng đầy chồi non trông cũng rất đẹp. Dù giống mai nhà trồng là loại năm cánh, hoa không lớn nhưng có năm được chăm sóc tốt, hoa vẫn rất sai.

Em dâu tôi “huy động” các bình hoa để chưng ở nhiều chỗ trong nhà, đi đâu cũng thấy có mai, căn nhà cũ trông như sáng hẳn lên. Có những bữa cánh rụng khắp nhà, không ai nỡ quét vì trông nó đẹp quá! Còn ngoài gốc mai, khách đến nhà hay ghé chụp hình; tôi đặc biệt thích canh chụp cận cảnh những bông mai khoe trong nắng sớm có vài chú ong bầu bay vo ve tìm phấn...

Có năm, mai nhà nở nhiều, hăm bảy, hăm tám tết, nếu tôi tranh thủ về quê sớm, thì mấy anh em hay cắt cành ra chợ bán. Dạo đó, người ta chưa bán mai chậu nhiều; gần tết vẫn có khá đông người cắt cành bỏ vào các xô nước rồi ra chợ chào mời. Bán không được bao nhiêu tiền nhưng anh em đều rất vui, vì được nhìn ngó người đi chợ đông nghịt, được tận hưởng không khí chợ tết, được nhận những đồng tiền mang ý nghĩa lộc xuân...

Nhưng đa phần các năm đều tặng bà con lối xóm. Những cành mai mộc mạc, giản dị từ bàn tay lặt lá của ba tôi lại đến với nhiều người trong dịp tết, đem chút sắc xuân và niềm vui cho xóm giềng.

Nguyễn Minh Hải/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhung-cai-tet-thieu-mai-vang-post1459711.html