Những 'cái bắt tay' giúp nông sản Việt thu thêm tỷ đô

Liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, bà con nông dân luôn là chủ đề nóng vì đằng sau đó là sự tin tưởng, sẵn sàng hợp tác với nhau để đưa nông sản Việt đi xa. Và không quá nếu nói rằng, liên kết vùng, liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi sẽ giúp nông sản Việt thu về giá trị tỷ USD, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương dựa trên sản phẩm thế mạnh.

Đầu ra cho sản phẩm luôn là câu chuyện trăn trở với bà con nông dân, HTX, bởi vậy đây cũng là chủ đề được bàn luận sôi nổi tại "Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương" do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức tại TP.Hà Nội, ngày 3/8.

Nỗi lòng của người sản xuất

TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, một trong những giải pháp giúp ngành nông nghiệp tiến gần hơn với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 55 tỷ USD trong năm nay là liên kết vùng, liên kết này chỉ bền vững khi các chủ thể trong chuỗi "bắt tay" cùng phát triển.

Toàn cảnh Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức ngày 3/8.

Toàn cảnh Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương do Tạp chí Kinh Doanh tổ chức ngày 3/8.

Đem tới diễn đàn câu hỏi về việc làm thế nào để đưa sản phẩm của HTX vào các kênh phân phối hiện đại, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX nông trại xanh Ba Vì (Hà Nội) chia sẻ, DN phân phối là chủ thể bao tiêu đầu ra sản phẩm cho người nông dân, là người quyết định sản xuất gì, cho ai, đối tượng nào. Thế nhưng, hiện nay, các DN phân phối lại muốn bán các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nhưng nhà sản xuất chưa biết tiêu chuẩn hữu cơ ra sao, mức độ và yêu cầu như thế nào; DN cần mẫu mã, bao bì sản phẩm như thế nào?

Vì vậy, “chúng tôi là nhà sản xuất rất muốn được là mắt xích, liên kết vùng nhưng chưa có cơ hội giao lưu với những chủ thể đầu ra, muốn gặp được làm thế nào, phải tự tìm đến hay cơ quan quản lý chủ trì tạo ra sân chơi để chúng tôi tiếp cận thông tin và chuyển hướng sản xuất theo yêu cầu nhà bán buôn”, ông Hùng trăn trở.

Trong khi đó, bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, Liên minh HTX đang hỗ trợ Liên hiệp HTX dê Ninh Bình gắn với chế biến sâu và phát triển du lịch. Tuy vậy, việc chế biến sản phẩm về dê vẫn ở mức độ nhất định. Ninh Bình mong muốn liên kết vùng với các tỉnh tạo ra các sản phẩm chế biến sâu về dê như lạp xưởng dê, đùi dê hun khói,… Làm sao nhiều người biết tới thương hiệu dê Ninh Bình.

Đánh giá thực trạng chung, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình nhìn nhận, để phát triển chuỗi giá trị thì năng lực của các HTX còn yếu, nên rất cần các cấp, các ngành, tổ chức tạo điều kiện để cho các HTX phát triển, thúc đẩy liên kết.

“Bài toán” đầu ra cũng là nỗi trăn trở của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Lâm. Vừa qua, công ty đã làm show thời trang quảng bá vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) và thành lập HTX xúc tiến thương mại xuất khẩu vải thiều sang Pháp, Nhật Bản. Song điều ông Ngô Duy Dương - CEO công ty băn khoăn nhất là các DN, HTX nói chung, nhất là ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa có sản phẩm tốt, muốn mở rộng thị trường trong nước thì phải làm gì để được tham gia vào các chương trình hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền mà các Bộ, ngành đang xây dựng? Các doanh nghiệp, HTX muốn đưa sản phẩm vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch thì cần đáp ứng tiêu chí gì?

Thực tế, mối liên kết giữa DN và HTX, bà con nông dân dù là chủ đề được bàn thảo nhiều, song nhiều khi vẫn còn những hạn chế, chưa tìm được tiếng nói chung. Bà Trần Thị Thu Hằng – Tổng giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm Việt Nam phàn nàn, tính cam kết của bà con nông dân, HTX rất yếu. Điển hình, công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho một số HTX với giá cao gấp đôi so với giá bán trên thị trường, nhưng cứ đến mùa thu hoạch, HTX lại mang hàng tốt đi bán cho các siêu thị, còn hàng loại 2 cung cấp cho công ty.

Hay như trường hợp khi công ty cung cấp cá vào trường học, nơi sản xuất cam kết cá sạch, không có dư lượng kháng sinh, nhưng khi nhập về, công ty kiểm tra phát hiện có dư lượng kháng sinh rất cao.

“Chúng tôi rất muốn phân phối hàng hóa cho bà con nông dân nhưng chỉ được vài vụ đầu, người dân thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, DN rất khó để liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân”, bà Hằng nói.

Lòng tin và vấn đề đảm bảo chất lượng

Vấn đề tuân thủ cam kết cũng được ông Trần Mạnh Chiến, CEO Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm cho biết, có nhà sản xuất nói đã đạt chứng nhận VietGAP nhưng khi kiểm tra còn nhiều điều kiện chưa đạt chứ chưa nói tới chứng nhận cao hơn là hữu cơ.

Thêm vào đó, ông Chiến nhấn mạnh, các HTX cần phải thông thạo về sử dụng thương mại điện tử, công nghệ. “Hệ thống vận hành của chúng tôi sử dụng phần mềm, hạn chế hóa đơn thủ công. HTX cần sử dụng các ứng dụng cơ bản để hai bên giao dịch với nhau”, ông Chiến nói.

Cuối cùng, về thương hiệu, CEO Bác Tôm cho rằng, sẽ ưu tiên sản phẩm của HTX có thương hiệu. Quan điểm là cơ sở sản xuất phải đáp ứng hữu cơ, nếu chưa đạt được chứng nhận thì Bác Tôm sẽ đồng hành để hỗ trợ các HTX.

Vấn đề lòng tin cũng được bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) nêu ra. Theo bà Huyền, lúc đầu quay về Việt Nam xây dựng liên kết vùng gặp rất nhiều khó khăn, đó là sự tin tưởng của người dân. Người dân không tin, sợ DN đưa ra giá thấp.

Theo bà Huyền, DN phải mất khoảng 3 năm để thuyết phục người dân, đào tạo cho các hộ nông dân sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, nông dân thấy sản phẩm bán được giá cao, không phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nên nhiều hộ nông dân xin tham gia vào chuỗi, xin hợp tác với DN. Đến nay đã có 3.000 hộ nông dân tham gia với Vinasamex. Và sản phẩm nông sản của DN đã xuất khẩu được tới nhiều thị trường hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản...

Về kiến nghị, bà Huyền cho hay, hiện Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên kết vùng, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ. Song, DN tiếp cận còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là chưa tiếp cận được. Vì vậy, rất mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận các ưu đãi trên, cắt giảm thủ tục hành chính; nhất là về tiếp cận nguồn tín dụng xanh, lãi suất ưu đãi…

Tương tự, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền cao cấp, chuỗi bán lẻ Winmart – Công ty Wincommerce chia sẻ, Wincommerce mong muốn đưa được sản phẩm của nhiều vùng miền đến với khách hàng với giá tốt nhất, chất lượng tốt. Tuy nhiên, với để sản phẩm từ nông trại đến tay người tiêu dùng nhanh nhất, tươi nhất và tốt nhất, công ty thiết lập các chuỗi vận tải logistics. Song đây là bài toán “đau đầu” nhất, bởi chi phí logistics rất cao chiếm 30%. “Làm thế nào giảm chi phí này, bởi nó ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các ngành hàng? Tuy nhiên, sau khi làm việc với các DN hiện nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp, đặc biệt là các vấn đề tồn kho”, ông Hà nói.

Trước những trăn trở của HTX, DN về việc đẩy mạnh mối liên kết, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, vấn đề liên kết giữa DN – HTX, DN và nông dân là vấn đề muôn thuở, theo đó nhà sản xuất, bà con nông dân, HTX cần sở hữu sản phẩm buộc DN phải theo mình. Còn nếu như sở hữu sản phẩm mà DN ở đâu cũng có thì họ không cần. “Chúng ta phải sản xuất cái mà DN cần, với chất lượng, tiêu chuẩn đạt yêu cầu”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, DN, người sản xuất, Nhà nước cần phải nhìn ra được xu hướng phát triển của sản phẩm nông nghiệp. Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ trong quá trình xây dựng chính sách cho hàng Việt vào hệ thống siêu thị và đẩy mạnh xuất khẩu. Vụ Thị trường trong nước cũng lồng ghép các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ưu Việt giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhung-cai-bat-tay-giup-nong-san-viet-thu-them-ty-do-1094365.html