Những bức sơn mài lấp lánh ánh trăng của Ando Saeko

Triết lý Zen (thiền), niềm say mê với thiên nhiên và ảnh hưởng của thẩm mỹ Nhật Bản đều tụ họp, hòa quyện khéo léo trong các tác phẩm được trưng bày tại triển lãm 'Trăng' của Ando Saeko.

Một tâm hồn yêu trăng tha thiết

Trăng ẩn chứa một vẻ đẹp lãng mạn, mang đến những rung cảm tinh tế trong lòng người. Người Nhật Bản ưu ái dành cho mặt trăng một kho từ vựng phong phú: từ trăng non tới trăng rằm, trăng trong bốn mùa xuân hạ thu đông, tiết khí khác nhau trong năm, thời khắc khác nhau trong ngày, và cả những màu sắc khác nhau của ánh trăng nữa…

Nghệ sĩ Ando Saeko đến Việt Nam từ năm 1995, hiện cô sống và làm việc tại Hội An - nơi nguồn năng lượng của thiên nhiên toát ra từ cánh đồng lúa, sông nước và đại dương đã trở thành nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của cô. Và cũng tại nơi đây, cô đã yêu trăng bằng trái tim của một người Nhật, lâu dần tình yêu ấy đã kết tinh thành những bức sơn mài lấp lánh ánh trăng.

Ando Saeko chia sẻ tại khai mạc triển lãm Trăng.

Nữ họa sĩ chia sẻ: “Khi ở Hội An, tôi thường ngắm nhìn trăng và mỗi lần đều như thấy màu sắc của trăng khác nhau, với nguồn năng lượng khác nhau. Từ đó tôi đã phải lòng và tha thiết với những ánh trăng”.

Các tác phẩm tại triển lãm đều mô tả mặt trăng theo các giai đoạn, theo mùa, thời tiết, thời gian trong ngày và sắc thái màu sắc khác nhau. Đặc biệt hơn, chúng được trưng bày cùng với những bài thơ waka do Ando Saeko chọn với triết lý: “Tranh là thơ nhưng cần được chiêm ngưỡng hơn là cảm thụ, và thơ là tranh nhưng cần được cảm thụ hơn là chiêm ngưỡng”.

Những ánh trăng với những sắc thái khác nhau của Ando Saeko

Những ánh trăng với những sắc thái khác nhau của Ando Saeko

Tác phẩm Thuyền trăng, 60x80x2cm (x4), 2023.

Tranh của cô tuy có bố cục đơn giản nhưng chúng lại có thể chia sẻ được những cảm xúc đến người xem mà đôi khi lời nói không đủ để diễn tả. Ando Saeko hy vọng những tác phẩm của mình sẽ khắc sâu vào lòng người những câu thơ hay, đánh thức những ký ức quý giá hay gợi lên những cảm giác mới mẻ.

Khách tham quan triển lãm thảo luận về các tác phẩm.

Khách tham quan triển lãm thảo luận về các tác phẩm.

Niềm say mê sơn mài Việt Nam của nghệ sĩ Nhật

Nghệ sĩ sơn mài đương đại Nhật Bản Ando Saeko đã dành trọn niềm say mê cho nghệ thuật sơn mài và nghề sơn truyền thống của Việt Nam - loại hình nghệ thuật nở rộ vào đầu thế kỷ XX cùng với các họa sĩ Trường Mỹ thuật Đông Dương như: Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí…

Ando Saeko tâm sự: “Tôi đã học về sơn mài ở Việt Nam, chứ không phải từ Nhật Bản rồi tiếp tục với chất liệu của Việt Nam như nhiều người vẫn nghĩ. Tôi hoàn toàn học nghề sơn mài ở Việt Nam và tôi may mắn có những người thầy giỏi, đã truyền nghề cho tôi”.

Ando Saeko sử dụng chất liệu sơn ta cho các sáng tác của mình.

Ando Saeko sử dụng chất liệu sơn ta cho các sáng tác của mình.

Sử dụng sơn ta để sáng tác, vốn là chất liệu giống như những họa sĩ Việt Nam, nhưng trong tác phẩm của cô luôn có sự mới lạ, cái lạ đó có lẽ xuất phát từ tinh thần của một người Nhật, từ giá trị thẩm mỹ của người Nhật và cá tính nghệ thuật của Ando Saeko.

Mặc dù nghề sơn mài thủ công bằng sơn ta đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, kinh nghiệm, thời gian nhưng Ando Saeko là một trong số ít người vẫn kiên trì sử dụng chất liệu sơn ta trong các tác phẩm của mình thay vì sơn công nghiệp, để tiếp tục gìn giữ, quảng bá vẻ đẹp, ý nghĩa tàng ẩn sau nghề thủ công này.

Cô sử dụng các kỹ thuật sơn mài truyền thống học hỏi từ các bậc thầy về sơn mài tại Việt Nam như: Trịnh Tuấn, Doãn Chí Trung, Lâm Hữu Chính, kết hợp với các phương pháp độc quyền do cô đã thử nghiệm và đúc kết qua hàng thập kỷ nghiên cứu sơn ta để tạo ra những sáng tạo nghệ thuật về sơn mài rất riêng của mình.

Tác phẩm Hoa cúc trắng tựa trời đêm, 80x2cm, 2023.

Sơn ta, sơn tự nhiên Việt Nam, là nguyên liệu hữu cơ được tinh chế từ nhựa cây sơn – Toxicodendron succedaneum. Tác phẩm của Saeko được tạo ra từ nhiều lớp sơn với màu sắc và họa tiết khác nhau cùng các chất liệu khác (như vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ trai...), và được mài để các lớp bên dưới lộ lên bề mặt.

Sơn ta còn có độ trong suốt cao mà không loại sơn tự nhiên nào khác có thể sánh được. Độ trong suốt cao giúp sơn ta có màu sắc sống động hơn khi trộn với bột màu. Và độ trong suốt của chất liệu cũng gợi cảm hứng cho nhiều thủ pháp thể hiện khác nhau.

Tác phẩm Bầu trời bao la, 60x80x1,5cm, 2020/2023

Tác phẩm Bầu trời bao la, 60x80x1,5cm, 2020/2023

Điều khiến Ando Saeko thích thú nhất là việc sơn ta lên “màu thời gian”. Sơn ta tự đông lại bằng phản ứng hóa học chứ không phải khô đi như các chất liệu khác. Enzyme trong Sơn ta kết hợp với oxy từ nước trong khí quyển sẽ thực hiện phản ứng polyme hóa. Phản ứng này xảy ra ở sơn ta Việt Nam diễn ra trong thời gian dài hơn so với các chất sơn từ các vùng khác.

Điều này làm cho sơn ta lúc đầu mềm còn về sau trở nên cứng và trong hơn, giúp tác phẩm ngày càng sáng và tươi màu hơn. Tranh sơn ta là một loại hình nghệ thuật có tuổi đời như rượu vang hảo hạng, càng để lâu chất lượng và hương vị càng tăng cao – đi dần về điểm tới hạn của các phản ứng hóa học.

Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật trưng bày tại triển lãm Trăng đều vừa hoàn thành xong. Màu sắc của tác phẩm hiện tại có lẽ hơi tối, Ando Saeko mong rằng chúng sẽ dần dần chuyển hóa thành những vầng trăng thu sáng ngời trong vài năm tới.

Nhiều nghệ sĩ đến tham quan triển lãm đánh giá cao các tác phẩm của Ando Saeko.

Nhiều nghệ sĩ đến tham quan triển lãm đánh giá cao các tác phẩm của Ando Saeko.

Trăng cho công chúng yêu hội họa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam dưới con mắt và bàn tay tài tình của nghệ sỹ Nhật Bản Ando Saeko. Những ánh trăng sơn mài tại đây hứa hẹn sẽ đọng lại trái tim mỗi người như những vần thơ êm dịu, sẽ khơi dậy những hồi ức đẹp đẽ và gợi lên những liên tưởng miên man về nghệ thuật.

Triển lãm mở cửa từ 10.9 đến 1.10.2023, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (27 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Ando Saeko sinh năm 1968 tại Nhật Bản, tốt nghiệp khoa Triết, Đại học Waseda, Tokyo năm 1992. Không chỉ là một nghệ sĩ, Ando Saeko còn được biết đến với vai trò là nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sơn mài tự nhiên và tích cực chia sẻ những khám phá của cô thông qua các bài giảng, hội nghị, hội thảo chuyên đề trên trường quốc tế.

Đồng thời, cô là người đã sáng tác hình ảnh chủ đạo cho vở opera Công nữ Anio, sự kiện giao lưu văn hóa đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản, sẽ được công diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội vào các ngày 22-24.9.2023 và tại Tokyo ngày 4.11.2023. Đây là lần đầu tiên sơn ta được sử dụng cho mục đích này.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/nhung-buc-son-mai-lap-lanh-anh-trang-cua-ando-saeko-40905.html