Những bức ảnh 100%… dân tộc

(Petrotimes) - Những bức ảnh có bố cục, màu sắc đẹp, ẩn chứa những thông điệp mạnh về cuộc sống của người dân tộc thiểu số trên mọi miền đất nước và đặc biệt là đều được chụp từ góc nhìn của người trong cuộc – điều mà các tác phẩm nhiếp ảnh chuyên nghiệp khó lòng có được.

Đó là những gì người xem dễ dàng nhận thấy khi chiêm ngưỡng 150 bức ảnh do chính những tay máy người dân tộc tạo nên. Các tác phẩm được trưng bày trong triển lãm “Văn hóa của mình – Đối thoại trong không gian mở”, khai mạc chiều 18/4 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, ngay kế bên không gian xanh mát của Hồ Gươm.

Triển lãm là tập hợp những tác phẩm xuất sắc nhất từ hàng trăm ngàn bức ảnh bà con đã chụp trong vòng 4 tháng. Hàng chục tay máy đại diện cho các dân tộc thiểu số từ khắp ba miền Bắc, Trung, Nam đã say mê, tự tin giới thiệu về văn hóa của mình tới người xem.

Triển lãm thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân

Rất nhiều tâm sự và những câu chuyện cũng được các tay máy kể lại về quá trình “tác nghiệp” của mình khiến người nghe bị cuốn hút. Chị Hồng Kiều, dân tộc Khmer, Sóc Trăng đã vượt qua những mặc cảm, ì sèo về tuổi tác, vượt qua cả những cơn ghen của chồng, một mình tay máy, tay ẵm cháu chụp lại những hình ảnh ma chay, lễ lạc của dân tộc mình.

Chị Hồng Kiều say sưa kể về văn hóa của dân tộc mình

Em Lý Thị Líu, dân tộc Dao, Yến Bái là một trong những người trẻ nhất tham gia dự án Photovoice chia sẻ rằng: “Thông qua dự án, em học được rất nhiều về bản sắc văn hóa dân tộc mình – những điều mà trước đây em chưa từng biết. Em đã hiểu được về những bài thuốc, những hoa văn thêu thùa… của người Dao và nhận ra rằng phải luôn gìn giữ, tôn vinh văn hóa của chính mình”.

Hay như chị Trương Thị Thúy, dân tộc Mường ở Bá Thước, Thanh Hóa tha thiết mang đến thông điệp về dân tộc của mình: “Nói đến người Mường, mọi người thường chỉ nghĩ đến Hòa Bình, nói đến dân tộc Thái thì nghĩ đến người Thái ở Tây Bắc. Nhưng ở Thanh Hóa chúng tôi cũng có bản dân tộc người Mường, người Thái và tất cả đều là dân tộc anh em”.

Một tay máy người dân tộc đang “tác nghiệp” để lưu giữ kỷ niệm đến với Thủ đô

Phát biểu tại buổi khai mạc, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cũng khẳng định: “Thông qua những bức ảnh, người xem có thể cảm nhận được văn hóa không có cao có thấp, mà đẹp ở sự đa dạng và khác biệt. Văn hóa luôn luôn biến đổi và nó sẽ đẹp hơn, đa dạng hơn nếu có sự giao lưu giữa các dân tộc. Chỉ khi hiểu sâu những nét đẹp về văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc mình thì người dân mới có thể bảo vệ nó”.

Có thể nói, triển lãm không chỉ là một cuộc trưng bày mà còn là một cánh cửa mở ra hàng trăm câu chuyện có đời sống riêng mà người xem cũng như người làm báo có thể đi sâu tìm hiểu. Và cũng phải nói rằng, không có gì chính xác và sinh động hơn là để chính người dân tộc tự vẽ nên văn hóa của chính họ.

Những mảnh giấy nhỏ được dán trên một chiếc bảng để người xem chia sẻ cảm xúc

Triển lãm ảnh “Văn hóa của mình – Đối thoại trong không gian mở” sẽ còn kéo dài đến ngày 22/4. Dự kiến các bức ảnh sẽ được xuất bản thành sách và tổ chức các triển lãm nhỏ theo yêu cầu của từng địa phương.

Cùng xem một số hình ảnh 100% dân tộc và nghe họ tự kể về chính văn hóa của mình:

“Mấy đứa này mới 8 tuổi đang tập thêu. Bắt đầu thêu từ đầu những cái đơn giản nhất. Đứa này không biết thì dạy đứa kia. Đứa lớn biết thì dạy cho đứa nhỏ hơn” – Mã Thị Sớ, dân tộc H’Mông, Lào Cai.

“Bà Vân làm cái gối đầu của người Mường. Khi con gái đi lấy chồng phải làm cái gối này, tùy theo gia đình nhà chồng, cho mỗi người một cái để cảm ơn công lao nuôi dạy. Con gái Mường bây giờ hầu như không ai biết làm lại gối này. Chỉ còn một số người già biết làm thôi”.

“Anh Của chữa đau đầu cho con gái bằng cách cho than hồng vào sừng trâu rồi gắn lên trán khoảng 20 phút sau là được” – Thào Thị Sung, dân tộc H’Mông, Lào Cai.

“Người Dao thường tự làm giấy để dùng trong các lễ cúng. Giấy được làm từ rơm. Làm giấy không phải chọn ngày nhưng làm khung thì phải chọn ngày. Nếu chọn ngày không tốt, sau này ốm đau liên tục, suốt ngày phải mời thầy cúng đến thôi” – Lý Thị Líu, dân tộc Dao, Yên Bái.

“Sau khi thi hài người chết được hỏa thiêu, tro xương được cào ra, xối nước cho nguội” – La Thường, dân tộc Khmer, Sóc Trăng.

“Sau bữa cơm tân hôn, bà mẹ chồng người Pa Cô đưa cô con dâu ra suối xúc cá. Việc đi xúc cá có ý nghĩa để xem cô con dâu về nhà chồng có nết na, thảo hiền hay không, có biết làm ăn chăm chỉ hay lười nhác. Việc này tùy thuộc vào con cá nào mình bắt được đầu tiên”.

“Người Bru -Vân Kiều không có ngày giỗ riêng cho mỗi người mà chỉ có ngày cúng chung cho tất cả các thành viên đã mất của dòng họ. Sau khi cúng, trẻ em sẽ được ăn trước, thức ăn được để trong một cái đong. Trẻ sẽ dùng tay bốc ăn”.

“Ba bố con thăm ruộng, em thấy hai đứa trẻ đáng yêu và thời tiết hôm đấy cũng đẹp nên chụp chơi thôi” – Giàng A Ký, dân tộc H’Mông, Lào Cai.

“Người Pa Cô có phong tục hàng năm, người mẹ có trách nhiệm mang một gùi gạo cho con gái đi lấy chồng”

“Bà Hồ Thị Ra Bái, dân tộc Bru -Vân Kiều, Quảng Trị đang nhuộm răng. Việc nhuộm răng đen diễn ra hàng ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ để tạo độ đen bóng cho răng”.

“Người Pa Cô cho rằng trai gái quan hệ bất chính, quan hệ trước hôn nhân là không sạch sẽ. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục của làng, gia đình hai bên sẽ phải làm lễ tạ tội với tổ tiên, ông bà”.

“Bà con người H’Mông ở Tà Phìn đi tắm nước nóng tự nhiên ở Tân Yên, Than Uyên. Nếu ai bị ghẻ hay bệnh ngứa đến tắm sẽ khỏi”.

“Bà đang dạy cháu đếm sợi vì đếm sợi rấtt quan trọng. Ví dụ hoa văn thêu 2 sợi mà sử dụng 3 sợi thì hỏng” – Lý Mẩy Chạn, dân tộc Dao, Lào Cai.

“Chính trong những buổi chơi trò “đối đáp qua sáo tre” mà nhiều người đã tìm được nửa kia của mình” – Hồ Văn Di, dân tộc Bru-Vân Kiều, Quảng Trị.

“Khi có một nhà làm thì cả bản sẽ đi giúp, không tính công. Em chụp bức ảnh này là để giới thiệu cách sống của người Thái: luôn giúp đỡ, tương trợ và sống hòa đồng với nhau. Không chỉ riêng đàn ông mà phụ nữ Thái cũng biết lợp nhà” – Bùi Tuấn Vũ, dân tộc Thái, Thanh Hóa.

Nguyễn Nga

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/van-hoa-giai-tri/2012/04/nhung-buc-anh-100-dan-toc