Những 'bông hoa' cắm bản vùng cao

Không chỉ là nghề nghiệp, các cô giáo vùng cao Quảng Ngãi - những 'bông hoa' cắm bản - còn có tình yêu thương và đồng cảm sâu sắc để vượt qua khó khăn, bám trường, bám lớp gieo chữ.

Gieo chữ vùng xa

Điểm trường thôn Quế nằm dưới chân núi Cà Đam (cao so với mặt nước biển 1.400m). Đây cũng là một trong những nơi heo hút và khó khăn bậc nhất ở xã Trà Bùi (huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi).

Điểm trường ở thôn Quế.

Điểm trường này có 4 giáo viên cắm bản, dạy 47 học sinh từ lớp 1 đến lớp 4. Nơi này, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Huyền (35 tuổi) đang phụ trách 13 em học sinh lớp 1. Đây cũng là năm thứ 2 cô Huyền được luân chuyển về điểm lẻ ở thôn Quế và là năm thứ 11 gắn bó với giáo dục vùng cao.

Cô Huyền quê ở huyện Nghĩa Hành nhưng lại kết hôn và sinh sống ở xã Trà Bình (huyện Trà Bồng). Nhà cách điểm trường thôn Quế hơn 60km nên từ 4 giờ rưỡi sáng thứ 2, cô đã bắt đầu ngược hướng lên núi để đến lớp, trưa thứ 6 mới trở về.

Nơi ở của cô Huyền và các giáo viên ở điểm trường thôn Quế là căn nhà nhỏ rất cũ, vật dụng đơn sơ. Hết giờ lên lớp, các giáo viên luân phiên nấu ăn, dọn dẹp.

“Bây giờ đường đi dễ hơn, chứ như năm 2013- 2014 về trước, muốn lên được thôn Quế phải đi bộ. Chưa kể vào mùa mưa trên này còn bị sạt lở núi”, cô Huyền cho hay.

Với khí hậu đặc trưng, khác biệt so với phần lớn các nơi trong tỉnh Quảng Ngãi, việc sản xuất, nuôi gia súc, gia cầm ở thôn Quế không thuận lợi. Nền nhiệt thấp quanh năm nên cây cối ở đây, ngay cả cây keo cũng chậm lớn.

Cuộc sống người dân thôn Quế rất khó khăn.

Cuộc sống khó khăn, người dân thôn Quế lo đi rẫy, đi rừng nên ít quan tâm việc học của con em mình. Con cái đến trường là giao hết cho cô giáo. Cứ đầu năm học, giáo viên tự bỏ tiền ra mua sách vở, dụng cụ học tập, học sinh chỉ việc đến lớp. Nhiều hôm trên lớp, giáo viên nghe các em mếu máo: "Cô ơi hết vở học, cô ơi viết hết mực…", mà ứa nước mắt.

Dạy học ở vùng cao rất khác với đồng bằng. Có giai đoạn, sáng sáng giáo viên phải đến tận nhà gọi học sinh đi học, nhất là mùa lạnh, các em đến trường rất trễ.

Cô Huyền đang phụ trách các em học sinh lớp 1 ở điểm trường thôn Quế.

"Đôi lúc tủi thân, vì mình đã cố gắng rất nhiều mà thành quả thu lại không xứng đáng. Các em hay quên, không chú ý nên phải dạy đi dạy lại nhiều lần. Ở nhà thì ba mẹ không biết chữ, cũng không quan tâm nhắc nhở. Nhưng rồi cảm xúc ấy thoáng qua rất nhanh, niềm vui lớn nhất là thấy học sinh đến lớp đông đủ”, cô Huyền cho hay.

Dạy ở thôn Quế, một thời giáo viên sợ nhất là sau Tết Nguyên đán và mùa đót. Bởi lẽ sau Tết học sinh ham chơi, lười đến trường. Còn mùa đót, các em thường nghỉ học để chặt đót kiếm tiền. Giáo viên phải phân công nhau vào tận từng nóc nhà gặp phụ huynh. Khổ là ban ngày người Cor đi rẫy đi rừng, nên giáo viên phải lặn lội tìm đến vào ban đêm.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trà Bùi Hồ Ngọc Ninh, thôn Quế có 84 hộ dân với hơn 350 nhân khẩu đều là đồng bào dân tộc Cor, chủ yếu sống bằng trồng lúa rẫy, khoai mì, không có thu nhập ổn định nên gần 100% là hộ nghèo. Mấy năm nay, ý thức việc học của dân đã khá dần lên, tất cả đều nhờ các giáo viên cắm bản.

Gian khó đủ bề

9 năm bám lớp, bám trường với các em nhỏ đồng bào Cor, cô Võ Thị Kim Ngân (31 tuổi) đã có không ít kỷ niệm với học sinh vùng núi. Hàng ngày, cô vượt hơn 23km từ trung tâm thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng) đến điểm Trường Mầm non Trà Thanh ở thôn Vuông (xã Trà Thanh).

Cô Ngân chia sẻ, ngày nào các cô ở đây cũng sáng đi tối về. Mùa hè thì đỡ, mùa đông có những hôm trời mưa lớn thì đi lại càng khó khăn hơn. Nhưng nghĩ đến các em nhỏ hằng ngày phải xuống núi để học còn vất vả gấp đôi, các cô lại động viên nhau cùng cố gắng.

Đại đa số học sinh ở trường mầm non Trà Thanh là người đồng bào dân tộc Cor.

Trường Mầm non xã Trà Thanh hiện có 185 học sinh thì tỷ lệ đồng bào người Cor chiếm gần 100%, với 1 điểm trường chính và 3 điểm lẻ. Trước kia các lớp học đều tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn nên đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học phần lớn do giáo viên tự sáng chế để tạo hứng thú cho trẻ.

“Học sinh người Cor lúc mới đi học không biết tiếng Việt, không thể giao tiếp nên các cô vừa chăm sóc, vừa dạy dỗ trẻ học tiếng Việt. Ngoài ra còn phải vận động, tuyên truyền cho phụ huynh đưa con em đến trường đầy đủ”, cô Ngân nói.

Những tiếng ê a nơi sân trường cùng nụ cười hồn nhiên, ánh mắt trong sáng của con trẻ chính là động lực lớn nhất để tiếp cô Ngân và các giáo viên cắm bản tiếp tục bám lớp, bám trường.

Nụ cười hồn nhiên của các em học sinh miền núi.

“Dạy học tại vùng cao, nỗi ám ảnh nhất đối với các cô vẫn là những ngày đông giá rét, khi nhìn thấy các em trong các bộ quần áo mỏng manh, trời lạnh cóng mà thương xót vô cùng. Bởi vậy, giáo viên trong trường thường vận động các tổ chức thiện nguyện ủng hộ quần áo, đồ dùng học tập cho các em. Nhìn tụi nhỏ học hành ngoan ngoãn, lớn lên từng ngày là vui lắm, dù có vất vả mấy cũng ráng vượt qua”, cô Ngân bày tỏ.

Hà Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nhung-bong-hoa-cam-ban-vung-cao.html