Những bí ẩn ở rừng cấm Nam Ô

Nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi quyết định cho phép chặt cây dù để sử dụng cho việc công của làng xã. Cũng có những người chặt cây rừng sau đó bị cháy nhà, chìm ghe, tai nạn...

Bí ẩn của khu rừng cấm

Theo dã sử làng Nam Ô (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), khu rừng ở đây được gọi là rừng cấm. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng của Huyền Trân Công chúa trong cuộc đào thoát khỏi Chiêm Thành vào đầu thế kỷ thứ XIV. Huyền Trân Công chúa đã lên thuyền lớn để trở về Đại Việt. Tại nơi trú ẩn ấy, người làng Nam Ô dựng một ngôi miếu, gọi là Miếu vọng Huyền Trân. Nay miếu thiêng chỉ còn là phế tích.

Cụm từ “rú cấm” xuất hiện rất nhiều ở các tỉnh miền Trung để chỉ các khu rừng, nhưng có lẽ chỉ có “rú cấm” ở Nam Ô (Đà Nẵng) là có những câu chuyện huyền bí, mang màu sắc của cả rừng thiêng lẫn biển cả, như chính vị trí địa lý đặc biệt của nó. Từ trên cao nhìn xuống, khu rừng như con chim khổng lồ vươn ra biển với đôi cánh là 2 bãi cát trải dài phẳng lặng. Đây cũng là khu rừng cực hiếm nằm ngay khu dân cư, bên biển rì rào sóng vỗ đêm ngày. Điều lạ hơn là trải qua nhiều thế kỷ nhưng tới nay khu rừng vẫn được giữ xanh tốt. Người dân Nam Ô- P.Hòa Hiệp Nam- Q.Liên Chiểu- TP Đà Nẵng coi đây là rừng cấm, rừng thiêng nên truyền đời ra sức bảo vệ, không dám chặt cây lấy gỗ, củi.

Nhà nghiên cứu Đặng Dùng, hiện đang sống ở Nam Ô, người biết nhiều chuyện thâm cung bí sử của khu rừng cho biết, từ thời phong kiến nhà Nguyễn đã có chỉ thị cấm chặt phá khu rừng vì nó nằm sát khu dân cư, che chở cho làng. Để tăng tính hiệu quả cho chỉ thị cấm, người ta đồn đãi, lồng ghép thêm những câu chuyện mang tính tâm linh như gỗ rừng chỉ để xây dựng đình miếu trong làng. Nhiều chuyện kể về các vị lão làng đã đột tử sau khi quyết định cho phép chặt cây dù để sử dụng cho việc công của làng xã. Cũng có những người chặt cây rừng sau đó bị cháy nhà, chìm ghe, tai nạn...Có lẽ vì những chuyện đồn đãi như vậy mà dân làng ra sức bảo vệ rừng, kể cả những lúc thiếu chất đốt mà không dám chặt cây lấy củi. Ngoài ra cũng vì đặc thù địa lý ngay dưới chân đèo lại bên vịnh nên mỗi mùa gió Đông Bắc tràn về, nhờ có rừng che chở mà cuộc sống dân làng mới yên ổn.

Độc đáo khu rừng sát biển

Chỉ duy nhất một việc được sử dụng gỗ trong khu rừng này, đó là dùng gỗ vào việc cải tạo, xây dựng đình miếu trong làng. Chính vì thế đến nay khu rừng này vẫn còn giữ được những cây lớn, một điều hiếm thấy ở những khu rừng sát khu dân cư như ở đây.

Đà Nẵng thời điểm này trời nắng như ném lửa xuống đất. Để vào được khu rừng cấm, phải đi ven bãi cát, len lách qua những thuyền, những thúng, lưới và ngư cụ của ngư dân nơi đây. Nắng gắt chiếu xuống cát, dội lại mặt bỏng rát. Ấy vậy mà khi vào đến khu rừng, mọi cảm giác nóng bức tan biến, những tia nắng hiếm hoi xuyên từ tầng lá này qua tầng lá kia, soi thẳng xuống chân người đi rừng, lớp lá mục và những gốc cây đổ bám chặt rêu xanh.

Rừng cấm Nam Ô không nhiều cây lớn, nhưng do giữ gìn tốt nên các tán cây lâu năm ken đặc vào nhau, đi dưới khu rừng này, tựa hồ như đi dưới một khu rừng nguyên sinh. Phía ngoài khu rừng, sóng biển vỗ ì oạp vào những ghềnh đá. Thỉnh thoảng, từ những bụi rậm, những con gà rừng, con cuốc bay vụt qua những tán cây khi thoáng thấy bóng người. Phía trên cao, tiếng ve râm ran dội xuống.

Độc đáo hơn cả trước mặt khu rừng nối với biển chính là ghềnh đá lởm chởm đủ màu sắc mang dáng vẻ hoang sơ kỳ lạ nhoài mình ra sóng nước. Ven ghềnh đá sóng xô tung bọt trắng nổi lên một sản vật độc đáo người dân quen gọi là "mứt", cũng là một món ăn tiến vua xưa kia.

Làng Nam Ô là một ngôi làng cổ, có truyền thống lâu đời. Và phải nói là có nhiều thứ rất độc đáo, huyền bí như chính khu rừng cấm đã bao năm che chở cho ngôi làng này.

Bích Ngọc (s/t)

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/nhung-bi-an-o-rung-cam-nam-o-230910/