Những bệnh dễ mắc khi trời chuyển lạnh

Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, những người thể trạng yếu, chưa kịp thích nghi thời tiết rất dễ bị các bệnh như viêm phổi, đột quỵ, dị ứng... Vì vậy, việc giữ ấm là vô cùng quan trọng và phải chú trọng đến ăn uống, tập luyện để tăng cường sức đề kháng.

Đợt không khí lạnh đầu tiên tràn về đột ngột khiến miền Bắc chìm trong mưa rét, nhiệt độ phổ biến 16 - 21 độ C. Theo các chuyên gia Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trời lạnh khiến cơ thể tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm… những người thể trạng yếu, chưa kịp thích nghi thời tiết rất dễ bị nhiễm bệnh.

Đau nhức xương khớp

Người cao tuổi, phụ nữ sau tuổi 35 hay bị đau nhức xương khớp khi trời lạnh, mưa rét. Mắc chứng bệnh này, toàn bộ các khớp xương đều đau nhức, nhất là buổi sáng các khớp dễ bị cứng, khó cử động hàng giờ. Do đó, mỗi khi trời trở lạnh, có mưa gió, những người bị bệnh đau xương khớp cần chú ý mặc ấm, đi tất ấm, nhất là sau khi ra mồi hôi. Hạn chế ra ngoài khi trời lạnh có kèm theo mưa phùn vì sẽ làm tình trạng bệnh tăng nặng. Thay quần áo bị ẩm ngay và lau khô người, chân, tay. Phụ nữ nông thôn khi trời lạnh, khớp sưng cấp không nên lội nước, lội bùn; nếu phải lội nước cần đi ủng.

Tăng nguy cơ đột quỵ

Mùa lạnh, bệnh tim mạch chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến… tăng cao hơn 15% so các mùa khác. Người già khả năng miễn dịch, cơ thể chịu đựng kém nên rất dễ mắc bệnh. Người có cuộc sống căng thẳng, ít vận động, nghiện thuốc lá, rượu bia, ăn uống thiếu khoa học, người béo phì tiểu đường… đều dễ bị đột quỵ.

Hiện nay bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa. Ảnh minh họa

Do đó, khi trời lạnh, mưa rét, người già và những người có nguy cơ đột quỵ cần chú ý giữ cơ thể luôn ấm áp, tránh bị gió lạnh khi mở cửa. Hãy giữ chế độ sinh hoạt hợp lý, tâm lý ổn định. Tránh những xúc động hay chấn thương quá mức hoặc căng thẳng, stress... Ăn uống hạn chế mỡ động vật, muối. Tránh rượu bia, thuốc lá. Ăn nhiều ăn rau củ quả. Năng tập thể dục, vận động phù hợp sức khỏe, kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Dị ứng

Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ sẽ làm nhiều người bị dị ứng, đặc biệt người có tiền sử dị ứng (như hen phế quản…). Sự sụt giảm nhiệt độ mùa lạnh, sự chênh lệch nhiệt giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí giảm còn gây các chứng khác như khô nẻ, mẩn đỏ, ngứa ngáy… Để giảm thiểu sự trầm trọng của các bệnh dị ứng, cần loại bỏ món ăn hay gây dị ứng, giảm đồ ngọt, rượu bia. Đề phòng bị dị ứng da hãy bôi kem dưỡng ẩm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Khi chưa tìm rõ nguyên nhân bị dị ứng nên tới gặp bác sĩ để được tư vấn và kê thuốc điều trị.

Viêm phổi

Mùa lạnh phổi rất dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt là trẻ em. Bệnh diễn tiến nhanh và nặng, có thể dẫn tới tử vong. Dấu hiệu là ho khan, ho khạc đờm, đờm màu trắng đục, màu xanh, vàng (đôi khi ho ra máu), có thể tức ngực, sốt, khó thở, nhịp tim nhanh… sức khỏe yếu đi, mệt mỏi, đặc biệt bị nặng ngực cần đi khám ngay, tránh để biến chứng. Để phòng bệnh viêm phổi, cần mặc đủ ấm, ăn đủ chất trong những ngày chuyển mùa, nhất là đối với trẻ em. Rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng. Nên mặc áo giữ nhiệt, áo đông xuân dày để lưng không nhiễm lạnh.

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột, bệnh viêm phổi thường xảy ra khá phổ biến. Ảnh: WHO

Dễ bị hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể giảm còn 35 độ C. Người già, trẻ nhỏ, người bị say (rượu, nghiện ma túy…), suy dinh dưỡng, tim mạch, thiểu năng tuyến giáp… có nguy cơ bị hạ thân nhiệt cao. Nguy hiểm của hạ thân nhiệt là nạn nhân không biết chỉ tới khi mệt mỏi, đầu óc lơ mơ, rùng mình thành đợt, da tái xanh, đồng tử giãn và mất tỉnh táo là biểu hiện mất ý thức. Do đó khi trời lạnh thấy ai đó run lẩy bẩy, nói lắp bắp, da lạnh, xám, nhịp thở chậm, mệt mỏi, mất phối hợp động tác, nên giúp họ quấn chăn và đốt lửa sưởi cho tới khi cơ thể ấm lại.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khi thời tiết chuyển lạnh bạn nên:

Giữ ấm cơ thể, ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi làm việc ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm. Hạn chế đến những chỗ đông người.

Ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.

Tiêm vaccine phòng bệnh, giữ vệ sinh môi trường, giữ ấm nhà cửa.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Dọn dẹp nhà cửa sạch và giữ vệ sinh sạch sẽ với các loại vật dụng gia đình (cốc chén, bát đũa…), nhất là khi trong gia đình có người ốm.

Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/nhung-benh-de-mac-khi-troi-chuyen-lanh-203112.htm