Nhức nhối nông sản gắn mác 'Sa Pa'

Những năm gần đây, tình trạng nông sản 'đội lốt', gắn mác 'Sa Pa' để bán cho khách nhằm trục lợi diễn ra phổ biến.

Hàng chục năm qua, hạt dẻ rang mật ong đã trở thành món ăn vặt quen thuộc đối với du khách đến Sa Pa. Không ít du khách còn mua hạt dẻ, bánh hạt dẻ làm quà tặng người thân, bạn bè trước khi rời Sa Pa.

Trên các tuyến phố chính trên địa bàn thị xã, không khó để tìm được những quầy hạt dẻ rang mật ong nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, màu sắc bắt mắt, mùi thơm hấp dẫn. Với lời chào mời “hạt dẻ nếp Sa Pa”, hàng chục quầy hạt dẻ rang và bánh hạt dẻ vẫn ngày đêm hoạt động, tấp nập người ra vào, mua bán, nhất là những ngày cuối tuần, dịp lễ hội. Tuy nhiên, món ăn vặt khoái khẩu và là quà tặng này có phải xuất xứ từ Sa Pa không thì không mấy người dám chắc.

Nhiều cửa hàng bán hạt dẻ giới thiệu là nông sản Sa Pa.

Trong vai khách du lịch có nhu cầu mua hạt dẻ rang và bánh hạt dẻ để làm quà, chúng tôi được một người đàn ông tên H. là chủ quầy hàng A.H H’mông Sa Pa cạnh công viên Xuân Viên nhiệt tình giới thiệu, mời ăn thử trước khi mua hàng. Ông H. khẳng định mình là một trong những người đầu tiên ở Sa Pa kinh doanh mặt hàng này với thâm niên “hơn 30 năm trong nghề”. Hạt dẻ rang tại đây được bán với giá 80 nghìn đồng/kg và 70 nghìn đồng/hộp bánh hạt dẻ 10 chiếc.

Hạt dẻ rang được bán nhiều tại Sa Pa.

Theo lời người đàn ông này, hơn 30 năm trước, ông tình cờ phát hiện ra “hạt dẻ trên rừng Sa Pa” có thể ăn được nên đã lấy về rang, rồi mang ra trung tâm huyện (nay là thị xã) bán, sau đó nhận được sự quan tâm của nhiều du khách. “Hạt dẻ này tôi mua lại từ người dân ở khu vực Thác Bạc (phường Ô Quý Hồ) với giá 50 nghìn đồng/kg tươi” - ông H. nói.

Ông H. cũng khẳng định: Trong rừng Sa Pa có rất nhiều hạt dẻ. Đến mùa, người dân chỉ cần mang bao đi đựng và chỉ sợ không đủ sức nhặt. Để giữ hạt dẻ chất lượng, tôi phải đầu tư kho lạnh nên luôn có đủ bán trong cả năm.

Ngoài ông H., chúng tôi còn được một chủ quầy hàng có tên T.A ở phố Thạch Sơn giới thiệu, mời chào mua hạt dẻ với giá rẻ hơn (chỉ 60 nghìn đồng/kg). Ban đầu, người phụ nữ này cũng giới thiệu đây là “hạt dẻ nếp Sa Pa”, nhưng sau một hồi bị gặng hỏi lại thừa nhận nhập về từ nơi khác, còn hạt dẻ Sa Pa không có loại hạt to, nhân lớn như loại đang được các quầy hàng nơi đây bày bán.

Trao đổi với phóng viên Báo Lào Cai về cây dẻ, ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa khẳng định: Thị xã Sa Pa chưa có vùng trồng cây dẻ tập trung và chưa có hạt dẻ để bán thành hàng hóa. Tại một số khu vực của thị xã, người dân có trồng rải rác nhưng sản lượng hạt không nhiều và chủ yếu để làm quà tặng, biếu, không bán ra thị trường.

Với những thông tin mà vị trưởng phòng này cung cấp, ít nhiều có thể thấy nguồn gốc loại hạt dẻ rang được bày bán nhiều tại thị xã Sa Pa không phải là nông sản đặc hữu của địa phương.

Ngoài hạt dẻ rang và bánh hạt dẻ, còn có không ít nông sản khác như hạt óc chó, rau cải mầm đá, một số loại quả ôn đới (đào, mận, lê…) cũng được những người bán hàng nơi đây giới thiệu là đặc sản trồng tại Sa Pa. Các loại nông sản gắn mác Sa Pa dễ tạo niềm tin cho người tiêu dùng và khách du lịch khi được chính đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây mang ra chợ trung tâm thị xã hoặc ven Quốc lộ 4D bày bán.

Một loại nông sản tạo nên “cơn sốt” mà nhiều du khách chọn mua trong những năm gần đây là rau cải mầm đá. Đây là loại rau ưa lạnh, mọc trên núi cao, được một số hộ ở Sa Pa trồng với diện tích “khiêm tốn”. Vì được du khách ưa chuộng nên nhiều người đã nhập rau cải mầm đá có nguồn gốc không rõ ràng về bán.

Theo một số người trồng rau tại Sa Pa, không khó để phân biệt rau cải mầm đá trồng ở Sa Pa và rau nhập về từ nơi khác. Rau cải mầm đá trồng tại Sa Pa có hình dáng giống như cải ngồng nhưng có thêm nhiều nhánh mọc xung quanh, hình tháp nhọn, có màu xanh tươi non, các nhánh đều mập mạp, thường trọng lượng gần 1 kg/cây, to nhất là 1,5 kg/cây, có nhiều lá. Rau trồng ở Sa Pa bảo quản ở nhiệt độ thường được khoảng 4 ngày, để ngăn mát tủ lạnh thì được lâu hơn và nếu dính nước sẽ nhanh bị thối, hỏng. Còn rau cải mầm đá nhập từ nơi khác thường đẹp hơn, to hơn, ngồng mập, trung bình mỗi cây tầm 3 kg, ít lá. Mặc dù rau trồng ở Sa Pa và rau nhập về từ nơi khác dễ phân biệt với người dân bản địa nhưng người tiêu dùng khác, nhất là khách du lịch hầu như không biết nên rất dễ mua phải rau cải mầm đá đội lốt đặc sản Sa Pa. Được biết, thị xã Sa Pa hiện có khoảng 10 ha rau cải mầm đá với sản lượng ước đạt 300 tấn/năm.

Rau mầm đá cũng là một trong số loại rau được giới thiệu là nông sản Sa Pa.

Hạt óc chó được nhiều cửa hàng bán trên địa bàn thị xã giới thiệu, mời chào là có “nguồn gốc Sa Pa”.

Hạt óc chó cũng là một trong những “sản vật” được nhiều cửa hàng bán trên địa bàn thị xã giới thiệu, mời chào là mặt hàng có “nguồn gốc Sa Pa”. Chủ quầy hàng T.A trên đường Thạch Sơn cho biết: Hạt óc chó “Sa Pa” là hạt óc chó giấy, có vỏ mỏng và đặc biệt thơm ngon hơn các loại hạt óc chó nơi khác. Hạt óc chó không được khai thác từ những cây người dân trồng mà được khai thác từ “trên rừng”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, cây óc chó chỉ phân bố rải rác tại một số địa phương trên địa bàn thị xã. Cây này chưa có vùng trồng tập trung và chưa có sản phẩm để bán thành hàng hóa như tại các quầy hàng trên địa bàn thị xã đang giới thiệu đến khách du lịch. Không chỉ có hạt dẻ, rau cải mầm đá, hạt óc chó, mà nhiều nông sản gắn mác “Sa Pa” để lừa dối người tiêu dùng và du khách đã được chúng tôi phản ánh nhiều lần, nhất là đối với các loại quả ôn đới (đào, mận, lê…). Rõ ràng, việc nông sản gắn mác Sa Pa là vấn đề nhức nhối đã tồn tại rất lâu nhưng chưa được các cấp, các ngành giải quyết dứt điểm.

Sa Pa cũng có các loại nông sản: Hạt dẻ, hạt óc chó, rau cải mầm đá… tuy nhiên số lượng không nhiều như đang bày bán trên thị trường, đặc biệt là hạt dẻ và hạt óc chó chưa đủ để trở thành hàng hóa. Lợi dụng thương hiệu “nông sản Sa Pa”, nhiều người đã nhập hàng từ nơi khác về bán với số lượng lớn để “lừa” du khách.

Tình trạng nông sản mập mờ nguồn gốc, xuất xứ, “đội lốt” nông sản Sa Pa vẫn diễn ra phổ biến, chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy ảnh hưởng đến người tiêu dùng và thương hiệu nông sản, hình ảnh du lịch Sa Pa.

Tình trạng nông sản mập mờ nguồn gốc, xuất xứ, “đội lốt” nông sản Sa Pa vẫn diễn ra phổ biến.

Thực tế, hằng ngày tại thị xã Sa Pa, nhiều người tiêu dùng, khách du lịch mua phải những mặt hàng nông sản mập mờ về nguồn gốc, xuất xứ mà không hề hay biết mình “bị lừa” mà vẫn nghĩ mua được các loại đặc sản Sa Pa chính hiệu.

Chị Đường Thị Mai (tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết: Tôi đã đến Sa Pa rất nhiều lần, gần đây nhất là tháng 8/2022. Lần nào tôi cũng mua nhiều loại đặc sản của Sa Pa. Được người bán hàng giới thiệu hạt dẻ và bánh hạt dẻ là đặc sản nơi đây nên tôi không chỉ mua cho gia đình dùng mà còn mua hộ người thân, bạn bè ở quê.

Anh Nguyễn Duy Ngọc (tỉnh Nghệ An) cho biết, trước đây nghĩ hạt dẻ là đặc sản Sa Pa nên mua hàng chục kilôgam, nhưng bây giờ tìm hiểu kỹ mới biết nơi này không có nhiều hạt dẻ để bán thành hàng hóa như hiện nay. Anh Ngọc cũng không phủ nhận hạt dẻ rang mật ong và bánh hạt dẻ được bày bán rất ngon, hợp khẩu vị nhiều người, nhưng việc người bán giới thiệu đây là “hạt dẻ nếp Sa Pa” khiến bản thân cảm thấy bị lừa. Từ câu chuyện hạt dẻ, anh Ngọc bắt đầu có sự nghi ngờ đối với các loại nông sản khác. “Nhiều người như chúng tôi sẽ đặt câu hỏi: Liệu các loại nông sản đang được giới thiệu là đặc sản Sa Pa và bày bán khắp nơi có thực sự có nguồn gốc tại Sa Pa không? Tôi bắt đầu mất niềm tin vào người bán và đặc sản khi đến vùng đất này”, anh Ngọc nói.

Chị Mai và anh Ngọc là 2 du khách mà chúng tôi gặp và phỏng vấn ngẫu nhiên tại thị xã Sa Pa khi thực hiện bài viết về các loại nông sản mập mờ xuất xứ, đội lốt thương hiệu nông sản Sa Pa. Cả 2 đã từng tin hạt dẻ, bánh hạt dẻ và một số loại nông sản khác mà bản thân mua là “đặc sản Sa Pa” và họ tỏ ra rất thất vọng khi biết câu chuyện đằng sau đó.

Bên cạnh sự thất vọng khi biết các loại nông sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại gắn mác Sa Pa, không ít du khách, người tiêu dùng còn bày tỏ lo ngại về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại sản phẩm này. Liệu nguồn gốc, xuất xứ chưa rõ ràng, thậm chí có việc “mạo danh” nông sản Sa Pa thì cơ quan chức năng có kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các loại sản phẩm này hay không?

Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cũng bày tỏ lo ngại khi các loại nông sản gắn mác Sa Pa được bày bán tràn lan sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu nông sản Sa Pa mà chính quyền và ngành nông nghiệp địa phương đã mất nhiều công sức gây dựng.

Nông sản Sa Pa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng và du khách nên việc gắn mác “Sa Pa” cho nông sản không được sản xuất tại địa phương để kinh doanh buôn bán rõ ràng là hành vi lừa dối người tiêu dùng, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản, thương hiệu du lịch Sa Pa. Ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho rằng, khi sự thật những loại nông sản “đội lốt” bị phơi bày, người tiêu dùng và du khách sẽ mất niềm tin, có ác cảm đối với nông sản đặc hữu của Sa Pa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín thương hiệu nông sản của vùng đất này.

Cần quyết liệt bảo vệ thương hiệu nông sản Sa Pa.

Tại cuộc họp Ban Tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm du lịch Sa Pa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh bức xúc với tình trạng nhiều loại hàng đội lốt nông sản Sa Pa được bày bán tràn lan, trong đó có hạt dẻ. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ, hạt dẻ không phải là sản phẩm của Sa Pa và việc bày bán, giới thiệu “hạt dẻ Sa Pa” là đánh lừa du khách. Các cơ quan chức năng cần xử lý dứt điểm vấn đề này. Chúng ta cần giới thiệu tới khách du lịch nông sản đặc hữu của địa phương, không được đánh lừa du khách.

Để giải quyết triệt để vấn đề nông sản “đội lốt”, gắn mác “Sa Pa”, trước hết, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thị xã Sa Pa phải vào cuộc, tuyên truyền, nâng cao ý thức của chủ các cơ sở kinh doanh. Phải giữ chữ tín bằng cách công bố rõ ràng nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm đang bày bán, kinh doanh. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho du khách, người tiêu dùng trong việc lựa chọn các mặt hàng có chất lượng và hãy trở thành người tiêu dùng thông thái.

Chính quyền và cơ quan chức năng thị xã Sa Pa cũng cần quyết liệt, xử lý mạnh tay đối với những cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh doanh thương mại, xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa dối người tiêu dùng, cung cấp thông tin sai sự thật về các mặt hàng bày bán, kinh doanh; tăng cường kiểm tra việc chấp hành, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...

Cần tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các sản phẩm đặc hữu, sản phẩm OCOP của thị xã Sa Pa.

Ngoài ra, cần tiếp tục xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu cho các sản phẩm đặc hữu, sản phẩm OCOP của thị xã Sa Pa; xây dựng các chuỗi nông sản mới để giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng, du khách...

Sa Pa đang trên tiến trình phát triển và nhận được sự quan tâm, yêu mến của du khách trong và ngoài nước. Để xây dựng hình ảnh Sa Pa ngày càng đẹp hơn, thu hút đông du khách hơn, hướng tới phát triển bền vững còn nhiều việc phải làm. Ngay từ lúc này, chính quyền và các cơ quan chức năng thị xã cần sớm xử lý triệt để tình trạng nông sản “đội lốt”, gắn mác “Sa Pa”, đồng thời xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc hữu để khẳng định vị thế và đánh bật các loại nông sản mạo danh ra khỏi địa bàn.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365456-nhuc-nhoi-nong-san-gan-mac-sa-pa