Nhức nhối nạn bẫy thú rừng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)

Thời gian qua, dù đã nổ lực truy quét, ngăn chặn nhưng tình trạng bẫy thú rừng ở bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vẫn liên tục tiếp diễn, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của nhiều loại động vật quý hiếm đang sinh sống tại đây.

Một chiếc bẫy sắt bị lực lượng Kiểm lâm thu giữ

Bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng) vốn nổi tiếng với hệ sinh thái đa dạng, là điểm đến yêu thích của hàng ngàn du khách trong và ngoài nước. Khu vực này còn được xem là nơi cư ngụ của hàng trăm loài động vật quý hiếm, trong đó có cả những loài nằm trong sách đỏ Việt Nam như voọc Chà vá chân nâu.

Nhiều năm qua, TP Đà Nẵng đã tổ chức cho khách du lịch tự do tham quan trên các tuyến đường ở bán đảo Sơn Trà. Đây cũng là một trong những điểm nhấn để hút khách đến với thành phố biển.

Nhờ sự đa dạng của hệ sinh thái, du khách khi đến đây thỏa sức khám phá, thậm chí có thể chụp ảnh khi bắt gặp các loài động vật trong rừng. Tuy nhiên, việc tự do đi lại đã vô tình tạo cho những đối tượng xấu có cơ hội xâm nhập rừng trái phép. Đặc biệt là tình trạng bẫy thú rừng diễn ra phức tạp, khó kiểm soát.

Lực lượng Kiểm lâm tăng cường tần suất tuần rừng, tháo gỡ bẫy thú

Hơn 30 năm theo nghề, ông Nguyễn Đắc Thành (cán bộ Kiểm lâm Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn) vẫn luôn trăn trở về vấn nạn bẫy thú rừng ngày càng táo tợn và tinh vi.

“Các anh em cán bộ luôn cố gắng làm việc hết sức để ngăn chặn, xử lý các đối tượng xấu gây hại đến động vật quý hiếm trong rừng. Tuy nhiên, các đối tượng bây giờ ngày càng tinh vi, để kiểm soát hết thực sự rất khó", ông Thành chia sẻ.

Theo thống kê của Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, từ tháng 1-2024 đến nay, đơn vị đã tổ chức 20 đợt tuần tra, truy quét. Qua đó, phát hiện và thu giữ 135 bẫy thú các loại đặt trên bán đảo Sơn Trà.

Đáng nói, tình trạng bẫy thú rừng đã nhiều lần gây bức xúc dư luận khi những hình ảnh thú sập bẫy, bị thương lan truyền trên mạng xã hội. Không chỉ bẫy thú, việc cho khỉ ăn làm thay đổi tập tính của khỉ cũng đã gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Nhiều đối tượng đã sử dụng cây rừng để làm bẫy

Ông Ngô Trường Chinh, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn cho biết, khi vào mùa cao điểm du lịch, lượng khách đổ về bán đảo Sơn Trà rất lớn. Các đối tượng đã lợi dụng, giả làm khách du lịch và xâm nhập rừng bất hợp pháp với ý đồ xấu.

"Nhiều đối tượng giả làm khách du lịch, đi vào rừng chỉ mang theo một con dao nhỏ rồi vào rừng chặt cây, đào hố làm thành một cái bẫy, thậm chí chẳng cần dùng sợi dây nào cũng bẫy được thú. Đây là một trong những thách thức lớn đối với lực lượng kiểm lâm hiện nay", ông Ngô Trường Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, hiện nay, một bộ phận trẻ đang học cách làm bẫy thú theo các video hướng dẫn kĩ năng sinh tồn trên mạng xã hội. Điều này cho thấy nhận thức về bảo vệ động, thực vật của người dân vẫn còn hạn chế.

Nhằm ngăn chặn tình trạng xâm nhập rừng trái phép, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã tăng cường tần suất tuần tra, phối hợp cùng các cộng tác viên truy vết, ngăn chặn các đối tượng bẫy thú. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để thay đổi nhận thức của người dân về bảo vệ động, thực vật, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cũng thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không vi phạm.

PHẠM NGA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nhuc-nhoi-nan-bay-thu-rung-tren-ban-dao-son-tra-da-nang-post727872.html